Cứ đến tháng 10, vào dịp chớm thu, thủ đô Tokyo của nước Nhật lại sôi động với hơn 200 bộ phim cùng hàng nghìn nhà làm phim, truyền thông quốc tế, khách du lịch, khán giả tới đây tham dự.
Theo thông tin từ ban tổ chức, con số bỏ ra cho Liên hoan phim Quốc tế Tokyo mỗi năm là trên dưới 11 tỷ yên (khoảng 2.000 tỷ đồng), bao gồm các hoạt động mua phim, chiếu phim, công tác tổ chức thảm đỏ hai đêm khai mạc và bế mạc, dịch vụ khách sạn cho các nghệ sĩ, phóng viên quốc tế và những hoạt động bên lề. Trong đó, bảy phần kinh phí đến từ nhà nước và ba phần là của tư nhân đầu tư.
Chính phủ chú trọng tới việc quảng bá văn hóa qua điện ảnh
Từ thập niên 1980, chính phủ Nhật Bản đã nhận ra liên hoan phim là một cơ hội tốt để quảng bá văn hóa đất nước cũng như con người. Dưới sự bảo trợ của chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận UNIJAPAN được lập ra nhằm mục đích thúc đẩy điện ảnh trong nước ra quốc tế. Sau gần 30 năm tổ chức, UNIJAPAN đã đưa Liên hoan phim Quốc tế Tokyo trở thành một sự kiện văn hóa thường niên được đông đảo người dân cũng như giới làm phim quốc tế, khách du lịch quan tâm.
Khác với những Liên hoan phim như Cannes, Toronto hay Venice đều chú trọng vào yếu tố quốc tế với những bộ phim đến từ các nước, LHP Tokyo lại nhấn vào các phim trong nước và khu vực châu Á. Năm nay, có tới sáu chương trình giới thiệu phim Nhật được diễn ra trong khuôn khổ của liên hoan, trong đó có các phim kinh điển, phim đương đại, phim thể hiện góc nhìn độc đáo, cả phim kinh dị và hoạt hình – hai thể loại được coi là “đặc sản” của điện ảnh xứ Phù Tang.
Từ vài năm nay, Liên hoan phim Tokyo đều chọn một phim mới của Hollywood chiếu khai mạc nhưng khép lại luôn luôn là một phim Nhật. The Walk của đạo diễn Robert Zemeckis là tác phẩm mở màn liên hoan phim năm nay còn phim tâm lý Terminal được chiếu trong đêm bế mạc.
Sự kiện thảm đỏ đêm khai mạc thường có sự xuất hiện của nhiều chính trị gia. Năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe góp mặt trên thảm đỏ và phát biểu, bày tỏ sự quan tâm của chính phủ tới liên hoan phim và coi đây là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa quốc tế.
Khán giả tạo nên một “bữa tiệc điện ảnh” thịnh soạn
Trong thời gian diễn ra liên hoan phim (khoảng 10 ngày), toàn bộ phòng chiếu của các hệ thống rạp tại Roppongi Hills và Shinjuku – hai khu vực trung tâm ở Tokyo – đều tạm ngừng các chương trình phim thông thường để chiếu hơn 200 tác phẩm góp mặt trong liên hoan. Giá vé các phim này thường là rẻ hơn thông thường nhưng nếu suất chiếu đó có ngôi sao tới giao lưu hoặc là buổi công chiếu thì giá vé sẽ tăng hơn một chút. Giá vé thông thường khi đi xem phim ở Tokyo là 1.300 yen một vé, bằng gần 300.000 đồng).
200 tình nguyện viên là học sinh – sinh viên ở Tokyo được tuyển chọn với tiêu chí đầu tiên là phải biết tiếng Anh để hỗ trợ các phóng viên, khán giả quốc tế có thể dễ dàng di chuyển, tìm kiếm thông tin về liên hoan phim. Makamoto Hisaki, một tình nguyện viên 20 tuổi, cho biết: “Liên hoan phim Tokyo là dịp để tôi có thể trau dồi ngoại ngữ khi giao tiếp với các vị khách quốc tế, đồng thời được thưởng thức các bộ phim điện ảnh đặc sắc liên tiếp trong nhiều ngày. Có rất nhiều sinh viên muốn được làm tình nguyện viên cho sự kiện này nhưng thường ban tổ chức hay chọn những người có khả năng tiếng Anh”.
Tới xem một suất chiếu của Liên hoan phim Tokyo cũng có thể thấy văn hóa xem phim của người Nhật. Họ có thể đi một nhóm hoặc đi một mình nhưng khi ngồi trong rạp lúc tác phẩm bắt đầu, tất cả đều im phăng phắc, thậm chí việc nhai bắp rang bơ cũng có thể tạo nên tiếng động nghe rất rõ. Kết thúc phim, khán giả vẫn ngồi lại cho tới dòng chữ cuối cùng của credit, sau đó mới vỗ tay và lần lượt ra khỏi phòng chiếu.
Anh Takeshi Shingawa, một nhân viên công sở 35 tuổi, vẫn còn mặc nguyên vest đen và túi xách khi tới xem suất chiếu bộ phim The High Sun vào 9h tối. Anh cho biết: “Tôi rất đam mê điện ảnh và năm nào cũng đi xem các phim chiếu ở liên hoan phim. Thường thì nếu bạn bè bận rộn, tôi hay đi xem một mình. Ở Nhật, chuyện đi xem phim một mình là rất bình thường vì dù có đi một nhóm nhiều người, khi ngồi xem phim trong rạp chúng tôi cũng tập trung vào phim chứ không nói chuyện với nhau”.
Dịch vụ hoàn hảo làm nên ấn tượng về văn hóa
Người Nhật nổi tiếng là kỹ tính nên khi tổ chức một sự kiện tầm cỡ quốc gia như Liên hoan phim Tokyo, họ cũng tính toán và tỉ mỉ tới từng khâu. Liên hoan thường diễn ra vào giữa tháng 10 thì việc chuẩn bị bắt đầu từ trước một năm.
Liên hoan phim Tokyo có rất nhiều hội thảo cũng như cuộc giao lưu giữa đoàn phim quốc tế với khán giả nhưng gần như chưa gặp phải vấn đề nào về khâu dịch thuật. Các phim đều có phụ đề tiếng Anh và tiếng Nhật cũng như các phiên dịch viên túc trực ở từng suất chiếu có sự tham gia của nghệ sĩ để giúp truyền tải thông tin.
Những đầu bếp nổi tiếng của Tokyo cũng được huy động tập trung ở Roppongi Hills – khu vực tổ chức chính – để đem tới những bữa ăn ngon miệng nhất cho các vị khách trong nước và quốc tế muốn tìm hiểu và trải nghiệm ẩm thực Nhật Bản. Những đầu bếp này còn được coi là nghệ sĩ, xuất hiện trên thảm đỏ và được giới thiệu đầy đủ tên, tuổi.
Để quảng bá văn hóa truyền thống của người Nhật thì ngoài điện ảnh, ban tổ chức Liên hoan phim còn sắp xếp những hoạt động xem triển lãm, xem kịch hay các show ca nhạc của ca sĩ đương đại để các khách mời quốc tế có thể trải nghiệm được sâu sắc tư duy văn hóa của người Nhật. Họ luôn coi trọng yếu tố truyền thống nhưng không đóng cửa với sự tân tiến, hiện đại.
Qua cách tổ chức và tầm nhìn của ban tổ chức cũng như Chính phủ Nhật Bản, có thể thấy sức ảnh hưởng của LHP Tokyo trong việc quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia. Với những thành công và ấn tượng tốt đẹp đã đạt được trong lần tổ chức thứ 28 vừa qua, Liên hoan phim Tokyo đang dần trở thành một sự kiện văn hóa được mong chờ thường niên ở châu Á, không chỉ là nơi chiếu phim, trao đổi phim mà còn là một dịp để học hỏi cách người Nhật giới thiệu về đất nước, con người như thế nào thông qua phim ảnh.
Liên hoan phim Tokyo 2015 (22 - 31/10) qua những con số |
- Số phim chiếu: 207 |
Nguyên Minh