1. Drive (xem trailer)
"Drive" vắng mặt ở hạng mục "Phim hay nhất" tại cả Quả cầu vàng lẫn Oscar 2012. |
Từng giành giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes hè năm ngoái, Drive mang hơi hướng dòng phim Neo-Noir hiện đại và được đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2011. Câu chuyện phim không mới song lại không hề cũ qua cách kể đầy cảm xúc của đạo diễn Nicolas Winding Refn qua từng khuôn hình. Diễn xuất của tài tử Ryan Gosling cũng đem tới một sức hút dữ dội, mãnh liệt cho Drive. Việc tác phẩm này vắng mặt trong hạng mục Phim hay nhất của cả Quả cầu vàng lẫn Oscar là bất ngờ lớn với người hâm mộ điện ảnh năm nay.
2. The Girl With The Dragon Tattoo (xem trailer)
"Cô gái có hình xăm rồng" bản Mỹ giành được 5 đề cử Oscar năm nay nhưng không có "Phim hay nhất". |
Được làm lại từ bản gốc của Thụy Điển năm 2009, nhưng Cô gái có hình xăm rồng bản Mỹ do đạo diễn David Fincher thực hiện còn có nhiều phần nhỉnh hơn, đặc biệt là ở quay phim, âm thanh, âm nhạc, diễn xuất. Tại Oscar 2012, phim giành được 5 đề cử nhưng lại vắng mặt ở hai hạng mục quan trọng nhất là Đạo diễn xuất sắc và Phim hay nhất. David Fincher (năm ngoái từng được đề cử với phim The Social Network) đùa rằng vì Cô gái có hình xăm rồng có quá nhiều cảnh quay nhạy cảm nên khó mà được đề cử Oscar.
3. Bridesmaids (xem trailer)
Việc "Bridesmaids" không được đề cử "Phim hay nhất" tại Oscar năm nay để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả. |
Bộ phim hài hay nhất năm 2011 không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn được giới phê bình đánh giá cao bởi kịch bản xuất sắc, hài hước mà lại gây xúc động. Nhiều người cho rằng với 9 phim được đề cử Phim hay nhất mà thiếu tên Bridesmaids thì hơi bất công. Trường hợp của Bridesmaids khá giống với The Hangover hồi năm 2010. Theo phán đoán của nhiều chuyên gia, lý do Bridesmaids bị gạt khỏi đề cử Phim hay nhất là Viện Hàn lâm từ trước tới nay không dành nhiều sự quan tâm cho thể loại hài.
4. Melancholia (xem trailer)
"Melancholia" bị tẩy chay tại nhiều LHP và giải thưởng điện ảnh sau scandal vạ miệng của đạo diễn Lars von Trier. |
Khai thác đề tài ngày tận thế nhưng xoáy sâu vào tâm lý và nỗi sợ hãi của con người, Melancholia của đạo diễn Đan Mạch, Lars von Trier, từng gây sự chú ý tại LHP Cannes năm ngoái và giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Kirsten Dunst. Tuy nhiên, scandal vạ miệng "hiểu và thông cảm" với trùm phát xít Adolf Hitler của đạo diễn Lars von Trier đã khiến Melancholia bị nhiều giải thưởng và LHP tẩy chay. Chính vì vậy, việc bộ phim này vắng tên tại Oscar năm nay là điều đáng tiếc, nhưng cũng dễ hiểu.
5. J. Edgar (xem trailer)
Leonardo DiCaprio trong phim "J. Edgar" của đạo diễn Clint Eastwood. |
J. Edgar do đạo diễn kiêm diễn viên Clint Eastwood - là người vốn rất có duyên với Oscar - thực hiện. Mặc dù phim được nhiều tạp chí cũng như Viện phim Mỹ đưa vào danh sách 10 phim hay nhất năm 2011 nhưng dường như lần này, Clint Eastwood đã bị Viện Hàn lâm "làm ngơ". J. Edgar không có tên trong bất kỳ hạng mục tranh giải nào. Với phần thể hiện tuyệt vời khi hóa thân thành cựu giám đốc FBI, Leonardo DiCaprio tưởng như nắm chắc một trong năm suất của đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc, nhưng cuối cùng điều đó đã không xảy ra.
6. We Need To Talk About Kevin (xem trailer)
"We Need To Talk About Kevin" là một câu chuyện dữ dội về đề tài bạo lực học đường. |
Được làm dựa trên cuốn tiểu tuyết cùng tên của nhà văn Lionel Shriver, We Need To Talk About Kevin xoay quanh tâm trạng của Eva, mẹ của một cậu bé gây ra vụ thảm sát tại trường học, và những đau khổ, cắn rứt của bà khi phải chịu trách nhiệm về hậu quả do con mình gây ra. Từng gây chấn động tại LHP Cannes năm ngoái bởi cách thể hiện quá dữ dội với chủ đề bạo lực học đường, nhưng We Need To Talk About Kevin lại bị Oscar cho "ra rìa". Phim không có tên trong bất cứ hạng mục đề cử nào của năm nay.
7. My Week With Marilyn (xem trailer)
"My Week With Marilyn" ngọt ngào và cay đắng. |
Giành được hai đề cử cho Nữ diễn viên chính xuất sắc (Michelle Williams) và Nam diễn viên phụ xuất sắc (Kenneth Branagh) nhưng nhiều người vẫn tiếc vì My Week With Marilyn không thể tranh giải Phim hay nhất. Dựa trên cuộc đời thật của huyền thoại màn bạc Marilyn Monroe, phim đã đem tới cho người xem những cảm xúc nhẹ nhàng, xen lẫn giữa ngọt ngào và cay đắng. Không được đề cử Phim hay nhất, mọi hy vọng của người hâm mộ dồn vào Michelle Williams với niềm tin cô sẽ chạm tay vào tượng vàng sau ba lần được đề cử.
8. The Ides of March (xem trailer)
Hình ảnh ấn tượng của Ryan Gosling và George Clooney trong phim "The Ides of March". |
Khai thác đề tài chính trị thông qua những vụ chơi khăm, vận động tranh cử bất hợp pháp, The Ides of March của đạo diễn kiêm diễn viên chính George Clooney là một phim rất "khó nhằn". Tuy nhiên, phim mang nhiều ý nghĩa về đạo đức xã hội và lột tả rõ nét những gì đã diễn ra trong cuộc đua tranh tổng thống ở nước Mỹ. Chính vì yếu tố chính trị quá nặng mà The Ides of March không thể lọt vào danh sách tranh giải Phim hay nhất của Oscar năm nay, dù trước đó phim từng gây ấn tượng rất lớn tại LHP Venice hồi tháng 9 năm ngoái.
9. 50/50 (xem trailer)
"50/50" tiếp tục là một bộ phim độc lập của tài tử Joseph Gordon Levitt không có duyên với Oscar. |
Có kinh phí vỏn vẹn 8 triệu USD, 50/50 là bộ phim độc lập thuộc thể loại tâm lý, hài bi kịch nổi bật trong năm qua. Phim khai thác cuộc sống của một chàng trai từ sau khi biết mình bị ung thư và mang tới cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc từ khóc tới cười, từ sự chua chát đến nỗi thấm thía về cuộc đời. Nhiều tạp chí điện ảnh và các nhà phê bình đưa 50/50 vào Top 10 phim hay nhất năm 2011. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm đã bỏ quên cả bộ phim lẫn diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên Joseph Gordon Levitt.
10. Harry Potter 7.2 (xem trailer)
Một cảnh trong phim "Harry Potter 7.2" - tập được đánh giá là hay nhất trong cả loạt phim. |
Cả 8 tập phim của cậu bé phù thủy trong một thập kỷ qua đã nhận được 12 đề cử Oscar, nhưng đa phần ở những hạng mục nhỏ và chưa bao giờ được vinh danh. Harry Potter 7.2 được coi là tập hay nhất và để lại nhiều cảm xúc nhất cho người xem. Tuy nhiên, một bộ phim "bom tấn" như Harry Potter vẫn chưa chinh phục được Viện hàn lâm, dù có làm tốt tới đâu. Diễn viên Daniel Radcliffe đã rất bức xúc và lên báo chí chỉ trích Oscar bất công vì gạt Harry Potter 7.2 khỏi hạng mục Phim hay nhất, đặc biệt là khi so sánh với Hugo - một phim cũng dành cho thiếu nhi - nhưng được đề cử 11 giải.
Nguyên Minh