1. Ringu (xem trailer)
Khi nói đến làn sóng phim kinh dị châu Á, người ta thường nghĩ ngay đến bộ phim này. Ringu là bộ phim mở đường cho phong trào dựng lại (remake) phim kinh dị châu Á ở Hollywood. Cũng giống như người anh em The Ring (2002), phim đạt được thành công vang dội và được khán giả trên toàn thế giới đón nhận nồng nhiệt. Ringu là bộ phim kinh dị ăn khách nhất mọi thời đại ở Nhật Bản với doanh thu 12 tỷ yên chỉ riêng thị trường trong nước (tương đương 137 triệu USD - một con số đáng nể đối với ngay cả những bộ phim bom tấn của Hollywood được công chiếu rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới).
Điều quan trọng nhất ở bộ phim là nhân tố tiên phong góp phần giới thiệu phim kinh dị châu Á đến với khán giả phương Tây. Thậm chí sức hút ghê gớm của Ringu còn tạo nên cả một trào lưu hâm mộ thể loại phim này. Bộ phim có cốt truyện khá đơn giản: một cuộn băng video mang một lời nguyền kỳ quái khiến bất cứ ai vô tình xem được sẽ chết trong vòng một tuần. Nhưng đạo diễn Hideo Nakata đã khéo léo lồng ghép, thêu dệt các chi tiết tưởng như lẻ tẻ, vụn vặt để tạo nên một bức tranh kinh dị hãi hùng về nền văn hoá công nghệ hiện đại của Nhật Bản.
Nếu như phiên bản của Hollywood liên tục mang lại sự sợ hãi, tấn công thử thách thần kinh của khán giả, thì Ringu lại xây dựng cảm giác căng thẳng kiểu Alfred Hitchcock cho đến một phân cảnh cao trào cực kỳ đáng nhớ.
2. A Tale of Two Sisters (xem trailer)
Bộ phim nói về cô con gái út của một bác sĩ giàu có và mối quan hệ phức tạp của cô bé với người mẹ kế tàn bạo đã được Hollywood dựng lại thành bộ phim The Uninvited vào năm 2009. Tuy nhiên, phiên bản Hollywood không còn giữ được nền tảng tâm lý vững chắc, cũng như không khí mơ hồ, đẹp đẽ, nhưng đầy hoang tưởng và mất phương hướng của bản gốc. Dựa trên câu chuyện dân gian Janghwa, Hongreyon-jon, A Tale of Two Sister nói về cô con gái vị bác sĩ nghĩ rằng người mẹ kế chính là tên thủ phạm máu lạnh đã giết chết chị gái của cô và cô là nạn nhân tiếp theo đang trong quá trình bị săn đuổi.
Kết thúc bất ngờ với việc nhân vật phản diện người mẹ kế thực ra không phải là kẻ giết người như trong tưởng tượng của cô gái (và của cả khán giả) khiến cho người xem muốn xem thêm nhiều lần nữa bởi chỉ cần một chút mất cảnh giác cao độ khi đang theo dõi bộ phim, bạn có rất nhiều khả năng bỏ lỡ một điều gì đó quan trọng. Chất trữ tình thơ mộng và câu chuyện đầy bi kịch trong ngôi nhà ám ảnh làm người xem liên tưởng đến bộ phim nổi tiếng The Sixth Sense.
3. The Eye (xem trailer)
Bộ phim đánh lừa khán giả bằng câu chuyện cảm động về một cô gái trẻ bị mù bẩm sinh được mang lại ánh sáng hy vọng nhờ trải qua một ca cấy ghép giác mạc. Sau khi làm mềm lòng người xem bằng sự đa cảm uỷ mị, bộ phim bất ngờ hé lộ phần thưởng rùng rợn của những gì tưởng như là tốt đẹp ấy. Cũng giống như những bộ phim kinh dị lừng danh khác của châu Á, The Eye đã được Hollywood xây dựng lại vào năm 2008, với diễn xuất của Jessica Alba.
Tuy nhiên, phiên bản Hollywood vẫn đi vào lối mòn của các tác phẩm remake và không chuyển tải hết được những yếu tố chất lượng đặc trưng của phim kinh dị châu Á. Dường như các nhà làm phim Hollywood đã quên mất rằng sự hấp dẫn thực sự của một bộ phim kinh dị không nằm ở những yếu tố máu me mà là ở việc xây dựng nên những tình huống khiến người xem thấy bất ngờ khi phải đối diện với sự kinh hãi tột độ và có thể đặt mình vào vị trí của nhân vật chính.
4. Audition (xem trailer)
Với việc mang lại một trải nghiệm kinh hoàng đến mức nhiều khán giả phải nhập viện, rõ ràng Audition không phải là một tác phẩm dành cho người yếu bóng vía. Phim nói về một người đàn ông trung niên goá vợ tổ chức một buổi tuyển diễn viên giả, hòng tìm kiếm một cô gái trẻ hấp dẫn để hẹn hò. Trong số những ứng cử viên triển vọng, ông lại bị mê hoặc bởi một nữ diễn viên múa ballet đã giải nghệ, bất chấp quá khứ đáng nghi ngờ của cô.
Đỉnh điểm của phim là cảnh tra tấn mà nhiều người không ngại ví von rằng nó khiến cho màn tra tấn của Kathy Bates với James Caan trong bộ phim Misery (1990) - một trong những khoảnh khắc đáng sợ nhất trong điện ảnh Hollywood - không khác gì "trò trẻ con!".
5. Matango (xem trailer)
Bộ phim kinh dị kinh điển của điện ảnh Nhật Bản có thể coi là một trong số những bộ phim lạ lùng, kỳ quặc và ảm đạm nhất đối với nhiều khán giả. Matango là câu chuyện về một chiếc du thuyền gặp nạn. Để tránh bão, các hành khách và thuỷ thủ đoàn phải tìm nơi trú ẩn trên hoang đảo, nơi họ phát hiện ra một con tàu nghiên cứu bị bỏ hoang và sự hiện diện khắp nơi của một loại nấm kỳ lạ.
Bộ phim có lẫn đôi chút yếu tố viễn tưởng khi đưa vào một lời nói bóng gió về thảm kịch nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, về sự kinh hoàng của những thảm kịch con người tự gây ra cho mình. Matango có một kịch bản thông minh, hấp dẫn với bầu không khí như một cơn ác mộng đang hiển hiện trước mắt. Từ câu chuyện một đám người gặp nạn bất hạnh cho đến lúc tất cả bọn họ chìm vào điên loạn và ngờ vực, bộ phim phơi bày hậu quả kinh hoàng của những thú vui chết người. Được làm từ những năm 1960, hiệu ứng kinh dị của Matango phần nào đã lỗi thời và không có sức thuyết phục với khán giả hiện đại.
6. Shutter (xem trailer)
Shutter khai thác câu chuyện ma quái về bóng ma xuất hiện trong bức ảnh. Tận dụng tính chất độc đáo của nhiếp ảnh, đây là đề tài được các nhà làm phim khai thác triệt để. Trong phim, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Tun và bạn gái Jane vô tình đâm một cô gái khi trên đường lái xe về nhà. Tun một mực đòi lái xe bỏ chạy, thay vì ở lại trợ giúp cô gái. Kể từ đó, anh và bạn gái phải chứng kiến và trải qua hàng loạt các sự kiện ma quái. Dần dần bí mật về quá khứ của Tun được hé lộ.
Tuy nhân vật phản diện của Shutter là một hồn ma nữ với mái tóc đen dài xõa xượi, vốn đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán trong các bộ phim kinh dị, các nhà làm phim Thái Lan đã tạo ra một nhân vật chính với nhiều góc cạnh đặc sắc, không đơn thuần là nhân vật nhạt nhòa, không có nét tính cách nổi trội theo các tiêu chuẩn thông thường của thể loại phim này. Chính chiều sâu và mâu thuẫn của nhân vật Tun đã tạo nên thành công cho bộ phim. Ngoài ra cũng phải kể đến những hình ảnh và hiệu ứng âm thanh rùng rợn khiến cho khán giả thêm phần sợ hãi khi xem.
7. Kairo (xem trailer)
Câu hỏi mà bộ phim đặt ra là liệu khoa học kỹ thuật có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai thế giới âm và dương, kết nối người sống và người chết với nhau không. Với đạo diễn Kiyoshi Kurosawa thì chỉ cần một phần mềm máy tính siêu việt cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Một chàng trai chọn cho mình cách giao lưu gặp gỡ bạn bè qua máy tính. Nơi đó anh gặp được những người cũng cô đơn và buồn bã như chính mình. Chỉ có điều một vài người trong số họ còn sống, những người khác đã chết.
Đây là câu chuyện về sự cô đơn và cô lập của con người trong xã hội hiện đại vốn bị tha hoá bởi công nghệ và chủ nghĩa tiêu thụ. Kairo là một bộ phim mang màu sắc ảm đạm và u tối. Chính vì thế, tính chất kinh dị của bộ phim giống như một cơn ác mộng tuyệt vọng hơn là một sản phẩm giải trí máu me giật gân. 4 năm sau khi nguyên tác được trình chiếu, Hollywood dựng lại bộ phim này với tên gọi Pulse (2005). Một lần nữa, các nhà làm phim Hollywood lại lấy đi chất châu Á đặc sắc trong các bộ phim kinh dị và thay thế bằng sự máu me rùng rợn trực tiếp.
8. Ju-On (xem trailer)
Ju-On là series phim kinh dị được nhào nặn bởi đạo diễn người Nhật Takashi Shimizu. Mặc dù bị hạn chế về ngân sách, Shimizu luôn tìm được cách tận dụng tối ưu các địa điểm chật hẹp để tạo ra không khí ma quái cho các bộ phim. Ông cũng là một trong những đạo diễn sẵn lòng cho phép các nhân vật hồn ma được xuất hiện trực tiếp trên màn ảnh, điều mà một số đạo diễn luôn tìm cách tránh. Phong cách kể chuyện tối giản của Shimizu được các nhà phê bình và khán giả khen ngợi bởi các cảnh máu me tuy ít khi xuất hiện trong phim nhưng rất đáng chú ý.
Phần thứ 3 của series Ju-On được phát hành quốc tế và gây nhiều tiếng vang hơn cả. Vẫn trung thành với mạch câu chuyện xuyên suốt của toàn bộ series về ngôi nhà bị ma ám, phần này phức tạp hơn, nhiều tầng lớp hơn, và cũng đáng sợ hơn. Sau thành công rực rỡ của phần 3, Shimizu bắt tay vào thực hiện các phiên bản Hollywood của Ju-On. Tuy không phải thất bại hoàn toàn, nhưng những bộ phim này vẫn chưa xứng tầm với người "anh em" Nhật Bản.
9. The Host (xem trailer)
Lấy cảm hứng từ một vụ bê bối có thật của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, đạo diễn Bong Joon-ho tưởng tượng và viết nên câu chuyện về thảm hoạ có thể xảy ra nếu những chất độc hoá học bị thải xuống sông Hàn tạo ra một thực thể sống to lớn và đáng sợ như quái vật ngoài hành tinh.
Bộ phim bình luận, châm biếm về sự có mặt của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, về đại dịch SARS, về hoàn cảnh của tầng lớp bình dân Hàn Quốc, về những vấn đề của cuộc sống gia đình thời hiện đại. Nhờ hiệu ứng đồ hoạ xuất sắc, The Host giống như một sự kết hợp của ba tác phẩm - Godzilla, King Kong và Cloverfield.
10. Dark Water (xem trailer)
Dark Water là một kiệt tác khác của Hideo Nakata và đội ngũ cộng sự đã tạo ra thành công của Ringu. Bộ phim kế thừa tâm trạng và bầu không khí hồi hộp, hấp dẫn, đáng sợ của Ringu và Joyuu-rei - tác phẩm đầu tay ghi dấu ấn của Nakata đối với thể loại phim kinh dị.
Phim là câu chuyện về tình yêu và sự tuyệt vọng. Không có yếu tố máu me ghê rợn, sức mạnh và sự kinh dị của Dark Water nằm ở những góc khuất bí ẩn của tâm lý. Những sự vật bình thường trong cuộc sống, dưới bàn tay nhào nặn khéo léo của Nakata, bị tước đi cảm giác an toàn vốn có và trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.
|
Châu Trần