Oldboy (2003)
Oldboy được đánh giá là hay nhất trong bộ ba phim cùng chủ đề trả thù của đạo diễn Park Chan Wook, hai phim còn lại là Sympathy for Mr. Vengeance và Sympathy for Lady Vengeance.
Phim kể về người đàn ông mang tên Oh Dae Su bất ngờ bị bắt cóc và cầm tù ở tòa nhà bí ẩn suốt 15 năm. Trong thời gian đó, vợ ông bị sát hại còn con gái ông mất tích. Sau khi được thả ra, Oh Dae Su đi tìm kẻ đã gây tai họa cho gia đình mình để trả thù, cuối cùng nhận ra sự thực đau đớn.
Bên cạnh một kịch bản thông minh, bất ngờ, phim tạo được không khí giật gân trong từng trường đoạn u tối. Tác phẩm được đánh giá là kinh điển của thể loại hình sự, có màu riêng biệt của điện ảnh xứ kim chi. Giải thưởng lớn nhất phim giành được là Jury Prize (Giải thưởng Ban giám khảo) ở LHP Cannes.
Memories of Murder (2003)
Dựa trên một vụ án có thật kéo dài 5 năm từ 1986 đến 1991 ở Hàn Quốc, tác phẩm kể về hai cảnh sát phải về vùng nông thôn lạc hậu ở Hàn Quốc để truy tìm kẻ sát nhân hàng loạt đã gieo tang tóc cho vô số tổ ấm trong vùng.
Bối cảnh thôn quê nghèo nàn, bạo lực của người địa phương hiện lên trong phim rất ấn tượng qua lối quay phim xuất sắc. Ngoài ra, diễn xuất của tài tử Song Kang Ho cũng được ca ngợi. Đây là phim thứ hai của đạo diễn Bong Joon Ho, sau phim đầu tay Barking Dogs Never Bite.
Sympathy for Lady Vengeance (2005)
Sau thời gian ngồi tù vì tội giết người mà mình không hề phạm phải, một cô gái trẻ quyết định đi tìm kẻ sát nhân thực để trả thù.
Tác phẩm xoay quanh một nhân vật nữ phản anh hùng (kẻ chỉ làm theo lương tâm của bản thân) là phần cuối trong bộ ba phim về trả thù của Park Chan Wook. Phim từng tranh giải Sư Tử Vàng ở LHP Venice 2005 và sau đó nhận nhiều giải thưởng ở các LHP khác. Bộ phim, có màu sắc tươi sáng hơn rất nhiều so với hai phim trước đó của Park Chan Wook.
A Bittersweet Life (2005)
Có tên tiếng Việt là Cuộc đời ngọt đắng, phim hòa trộn nhịp nhàng các yếu tố tâm lý, bạo lực, thêm một chút màu sắc triết lý. Diễn xuất của tài tử Lee Byung Hun được đánh giá rất cao bên cạnh phần dựng và nhạc phim được ví như đàn em xứ Hàn của In the Mood for Love.
Phim kể về một gã tay chân xã hội đen lạnh lùng nhưng đa cảm. Vì lỡ yêu cô bồ quyến rũ của trùm băng đảng, y bị truy đuổi sát hại và phải sống cuộc đời không bằng chết. Cùng cuộc trốn chạy của gã tay sai là những cuộc thanh trừng đẫm máu trong giới giang hồ Hàn Quốc mà kết cục dành cho tất cả đều tàn khốc.
A Dirty Carnival (2006)
Sự ngây thơ và toan tính, thù hận và tình thân đều có trong A Dirty Carnival. Cốt truyện xoay quanh một gã gangster vừa phải nhận nhiệm vụ ám sát một công tố viên tham ô, vừa lo toan gánh nặng gia đình, vừa tìm cách bao bọc người bạn chí cốt.
Đây là phim thứ tư của đạo diễn Yoo Ha và được đánh giá là mô tả chân thực lối sống cận kề cái chết của một kẻ bất đắc dĩ theo con đường tội phạm. Với màu sắc bạo lực khốc liệt, các cảnh hành động - bao gồm đấu súng và đánh tay không, đánh dao và dùng cả vợt bóng chày trong phim - được ca ngợi là đắt giá.
The Chaser (2008)
Nếu chỉ xem qua trailer tưởng như chẳng có gì của The Chaser, rất nhiều người sẽ bỏ qua bộ phim được nhà phê bình quá cố Roger Ebert đánh giá là tác phẩm lớn của điện ảnh Hàn Quốc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.
Bộ phim đầu tay của đạo diễn Na Hong Jin kể về một cựu cảnh sát chuyển nghề dắt gái bỗng phải đi tìm người yêu mất tích, để rồi phải chiến đấu với một tên sát nhân hàng loạt man rợ nhiều thủ đoạn. Đằng sau kịch bản kịch tính được nén căng cứng trong từng khung hình, bộ phim phơi trần một xã hội đô thị Hàn Quốc khắc nghiệt và đầy bạo lực.
Breathless (2008)
Cốt truyện của phim kể về hành trình của một gã đâm thuê chém mướn máu lạnh, làm bạn với một cô nữ sinh trung học ngây thơ, dần được thức tỉnh phần lương tâm trong sáng.
Đây là bộ phim kinh phí thấp nhất trong danh sách này, do Jang Ik June viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất, dựng phim và kiêm diễn viên chính. Thế nhưng phim độc lập ít ngân sách này lại rất được ưa chuộng ở các LHP và khẳng định sự nghiệp của nhà làm phim trẻ Jang Ik June.
Mother (2009)
Sau khi cậu con trai thiểu năng 25 tuổi bị bắt giam vì bị nghi giết một cô gái trẻ, bà mẹ Do Joon quyết tâm đi phá án để đòi lại công bằng cho đứa con yêu quý, dù nguy hiểm và cái chết đang rình rập bà.
Đây là một câu chuyện hình sự, huyền bí và tâm lý độc đáo của đạo diễn Jooh Ho Bong và là phim tiếp theo sau khi ông gây tiếng vang thế giới với tác phẩm The Host. Bộ phim không chỉ gây sợ hãi mà còn lay động khán giả bởi sự quyết liệt của bà mẹ trên hành trình đi tìm sự thật liên quan đến cậu con trai.
The Man from Nowhere (2010)
Người đàn ông bí ẩn kể về một cựu điệp viên mất vợ con sống cuộc đời cô độc ở tiệm cầm đồ nhỏ và khó tái hòa nhập vào cuộc sống. Một ngày anh đi cứu một bé gái nhà hàng xóm bị một băng đảng bắt cóc.
Phim đứng đầu doanh thu phòng vé Hàn Quốc năm 2010. Sự đồng cảm và tính nhân văn ngập tràn trong tác phẩm lấy chủ đề về buôn nội tạng, buôn thuốc phiện, bắt cóc và giết người này. Tác phẩm bạo lực, đen tối còn giới thiệu với khán giả châu Á diễn xuất đỉnh cao của tài tử Won Bin.
New World (2010)
Phim được đánh giá là phiên bản Hàn của Internal Affairs và The Departed. Chuyện phim kể về một cảnh sát phải trà trộn vào thế giới tội phạm ngầm lớn nhất Hàn Quốc, để rồi phải đối mặt nguy cơ đánh đổi cả mạng sống của mình. Xen vào những giây phút nghẹt thở giữa sự sống và cái chết là những khoảnh khắc dày vò nội tâm của kẻ luôn phải phân vân giữa lòng trung thành với bạn bè tốt ở băng đảng và những người đồng nghiệp cảnh sát phía bên kia ranh giới.
Vũ Văn Việt