Kỷ niệm 109 năm ngày sinh của thiên tài thiết kế Christian Dior (21/1/1905), các tín đồ thời trang thế giới ngoài đăng những tấm ảnh thời trang ấn tượng gắn với tên tuổi nhà tạo mẫu còn điểm lại một loạt sự kiện đáng nhớ trong sự nghiệp của ông vào những năm 1940 và 1950. Năm 1947, Dior ra mắt làng mốt với cửa hàng đặt tại Avenue Montaigne, Paris (Pháp). Chiêm ngưỡng các mẫu thiết kế của Christian Dior, biên tập viên thời trang nổi tiếng của Harper Bazaar's lúc đó là Carmel Snow phải thốt lên: "Đây đúng quả là một cuộc cách mạng, Christian thân mến. Những bộ váy của anh có dáng vẻ mới hoàn toàn khác biệt". Cụm từ "dáng vẻ mới" (New Look) gắn liền với các mẫu thiết kế của Dior vào khoảng thời gian này. Tạp chí Vogue cũng dành hết lời có cánh đối với những trang phục Christian Dior. Tháng 9 cùng năm, nhà tạo mẫu người Pháp lần đầu đặt chân đến Mỹ và được nhận giải thưởng thời trang Neiman Marcus. Christian Dior còn gây sốc khi may một bộ váy từ hơn 45 mét vải. Sự xa xỉ trong việc tạo nên mỗi bộ váy bị không ít người phê phán. Tuy vậy, những trang phục gắn mác "'New Look" của Dior chiếm tới 75% giá trị ngành thời trang xuất khẩu của Pháp thời bấy giờ. Ngoài váy áo, Vogue cho biết, Dior cũng là một trong những hãng đi đầu xu hướng mũ lệch kèm với kiểu tóc cắt ngắn. Năm 1948, Dior mở chi nhánh đồ ứng dụng tại New York nhằm phục vụ thị trường Mỹ. Trang phục của ông bán chạy đến nỗi không ít người "nhái" lại để bán trên khu Seventh Avenue, Manhattan, New York. Trong năm này, ông còn mở thêm chi nhánh sản xuất đồ lông tại Pháp. Năm 1950, Dior bắt đầu đăng ký bản quyền cho các dòng sản phẩm như mũ, đồ lông, khăn choàng, găng tay, trang sức, túi, dệt kim và đồ lót. Vào lúc này, các trang phục của nhà thiết kế người Pháp bắt đầu đặt ra những quy chuẩn mới về vẻ đẹp của người phụ nữ. Thậm chí, Vogue còn đưa lời khuyên trên tạp chí rằng: "Để mặc được đồ có thiết kế mảnh mai, trước hết bạn cần một cơ thể như vậy". Năm 1951, xu hướng trang phục nữ tính tiếp tục được làng mốt ưa chuộng. Để phục vụ được nhu cầu này, ngoài tập trung cho các mảng chính như váy áo, đồ lông..., Dior còn tự sản xuất găng tay và tất với số nhân viên lên tới 900 người. Vào tháng 2, hãng này có cơ hội được thiết kế váy cưới đính 6.000 viên kim cương cho Soraya Esfandiary-Bakhtiari với quốc vương Iran. Đến tháng 8, thiết kế của Dior tiếp tục lọt vào mắt xanh của công chúa Anh, Margaret. Năm 1952, Dior bắt đầu giới thiệu bộ sưu tập mũ của riêng mình. Tháng 9, người mẫu Suzi Parker cũng đã chọn một mẫu thiết kế của nhà tạo mẫu Pháp khi được chụp bìa cho Vogue. Năm 1953, Dior vẫn giữ nguyên vị trí thống trị trong làng thời trang. Nhà thiết kế giày Roger Vivier đã phối hợp với hãng Delman để sản xuất riêng một dòng giày dành cho các mẫu váy của Christian Dior. Năm 1954, Dior cho ra cuốn sách Little Dictionary of Fashion (Từ điển thời trang) tạo nên "cơn sốt" cho giới mộ điệu. Lúc này, Coco Chanel cũng bắt đầu trở lại làng mốt và giới thiệu một mẫu váy nhằm cạnh tranh với Dior để giành lại vị trí số một. Năm 1955, nhà mốt Dior cán mốc doanh thu 18 triệu USD. Năm 1956, số lượng nhân viên của nhà mốt Dior ở Pháp tăng lên tới 1.200 nhân viên. Đây là hãng lớn và làm ăn thịnh vượng nhất tại Paris lúc bấy giờ. Số lượng công ty con của hãng không dưới con số 8 trong khi các cửa hàng nhượng quyền là 16. "Christian Dior không khác gì vị thần Atlas. Một mình anh ấy gánh cả ngành thời trang Pháp", một chuyên gia đương thời phải thốt lên. 1957 là năm kết thúc sự huy hoàng của Dior. Đây là thời điểm Chanel nổi lên với các mẫu thiết kế mỏng manh, Balenciaga và Givenchy với các kiểu váy suông dài ngang đùi. Trong khi đó, những chiếc váy chiết eo tôn lên thân hình đồng hồ cát đã trở nên lỗi mốt. Tháng 3, Christian Dior xuất hiện trên Vogue nhằm kỷ niệm 10 năm thành lập. Tháng 10 cùng năm, nhà thiết kế người Pháp đột ngột qua đời ở tuổi 52 vì bị đau tim. Khoảnh khắc ấn tượng của thời trang Dior Thành Trương Ảnh: HPNhững bộ váy Christian Dior đẹp nhất trên thảm đỏ 2013 Thời trang cao cấp của Dior những năm 1952 - 1962