Khu tái định cư Long Cang, huyện Cần Đước (Long An) đã giải tỏa gần một năm, vẫn còn trong giai đoạn san lấp mặt bằng. |
Sáng 17/8 tại Khánh Hoà, Trưởng đoàn kiểm tra số 8 Bùi Ngọc Tuân đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Luật Đất đai ở địa phương này. “Đã mấy lần chúng tôi yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh cho mượn chỉ thị 36 của tỉnh, nhưng đến nay chưa được. Vì vậy chúng tôi không biết là trong chỉ thị đó có điều chỉnh, mà đặc biệt là có bãi bỏ một số nội dung trái với Luật Đất đai hay chưa?”.
Theo ông Tuân, các địa phương ở Khánh Hoà tỏ ra lúng túng trong quá trình tổ chức, thi hành các văn bản của tỉnh cũng như của trung ương. “Chúng tôi có cảm giác là vẫn chưa thoát ra khỏi cơ chế cũ. Có nơi vẫn ám ảnh về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp mà cái đó thì Luật Đất đai đã bãi bỏ rồi, tức là không còn hạn điền, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp nữa. Bây giờ chỉ còn hạn mức giao đất nông nghiệp không thu tiền. Nhưng ở một vài nơi chúng tôi đến kiểm tra thì các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí làm công tác quản lý vẫn còn lẫn lộn giữa hai chuyện này”.
Không chỉ ở Khánh Hòa, tại Long An dự án giải tỏa nhiều nhưng đền bù ít, khu tái định cư không có bao nhiêu... “Long An là một trong những tỉnh mà tôi nhận điện thoại của dân nhiều nhất, hầu hết đều phản ảnh việc bồi thường giải phóng mặt bằng không thỏa đáng, lấy đất làm dự án tràn lan nhưng chỗ ở của dân thì không quan tâm”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ nói trong buổi làm việc với UBND thị xã Tân An, tỉnh Long An, hôm 17/8.
Quả vậy, trong số trên 150 người dân tiếp xúc với đoàn từ 11h đến hơn 18h, hơn một nửa là “kêu” về giá bồi thường không thỏa đáng. Trong đó, người dân bị thu hồi đất ở Khu công nghiệp Xuyên Á (huyện Đức Hòa) bức xúc nhất. Đại diện các hộ dân này, bà Nguyễn Thị Thu Thảo (xã Mỹ Hạnh Nam) cho biết khu vực của bà, Nhà nước thu hồi đất với giá bồi thường chỉ 20.000-30.000 đồng/m2, giao cho doanh nghiệp, có người bị thu hồi hết đất phải che lều bạt ở tạm bợ.
Thế nhưng để mua lại đất ở khu tái định cư thì phải mất 1,2 triệu đồng/m2. Bà Thảo bị thu hồi trên 23.000 m2, nhưng số tiền đó không đủ mua một miếng đất cất nhà chứ đừng nói đến ruộng vườn canh tác.
Gần cuối buổi tiếp dân chiều qua (17/8), một cụ già được người dân dìu lại trước bàn của Thứ trưởng Đặng Hùng Võ. Ông chậm rãi cầm micro lên và đề đạt với Thứ trưởng ba vấn đề mà ông cho là “nóng” nhất hiện nay ở Long An. Thứ nhất, các đơn thư khiếu nại của dân phải giải quyết thế nào chứ hiện nay nó cứ đi lòng vòng từ huyện đến tỉnh, đến trung ương rồi trả lại cho dân và cuối cùng phải vứt vào sọt rác. Thứ hai, đề nghị đoàn đi kiểm tra ngay trên 30 dự án khu dân cư mà UBND tỉnh đã ký giao cho các doanh nghiệp, lấy đi trên 1.000 ha đất của nông dân, làm cho khoảng 5.000 người phải thất nghiệp. Các dự án này thực chất là lấy đất của dân, phân lô bán nền với giá cao khiến dân bất bình. Thứ ba, việc bồi hoàn không thỏa đáng cũng là nguyên nhân khiến khiếu kiện kéo dài, làm dân mất lòng tin.
Báo cáo của UBND thị xã Tân An với đoàn về tình hình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thị xã nổi lên một vấn đề: “Hầu hết các dự án của các nhà đầu tư tư nhân đều không có phương án tái định cư cho dân”. Trong số tám dự án của nhà đầu tư với diện tích 775,84 ha đã thực hiện xong giai đoạn chi trả bồi thường và giải phóng mặt bằng, chỉ hai dự án có phương án tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa giao đất tái định cư cho hộ bị giải tỏa.
Lướt qua danh mục các dự án có chủ đầu tư, trưởng đoàn kiểm tra Võ Tử Can chất vấn: “Sao không thấy khu tái định cư cho dân ở đâu hết, vậy trường hợp này thì ai sẽ lo chỗ tái định cư cho dân?”. Câu hỏi này không được UBND thị xã Tân An trả lời rõ. Tiến sĩ Trần Hồng Lĩnh, thành viên đoàn kiểm tra, bức xúc: “Đối với những dự án chủ đầu tư không lo chỗ tái định cư cho dân, chẳng lẽ Nhà nước phải lo? Mà nếu làm vậy thì khác gì Nhà nước tự mua dây trói mình”.
Trước đó vào chiều 16/8, ông Võ Tử Can đã đi thực địa kiểm tra tình hình tái định cư cho các hộ dân ở những khu vực bị giải tỏa. Tại khu tái định cư Mai Thị Non (huyện Bến Lức), đứng trước những căn nhà xây dựng đồ sộ, nhiều tầng, ông Võ Tử Can băn khoăn: “Liệu đây có thật sự là nhà của người dân tái định cư, tôi thấy họ đều là dân nghèo thì làm sao xây nổi nhà nhiều tầng như thế này?”
Ngày 17/8, ông Nguyễn Khải, trưởng đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Luật Đất đai tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện chính quyền địa phương báo cáo không đúng sự thật về công tác đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư. Theo UBND huyện, những người dân bị giải tỏa trắng trong các dự án triển khai tại huyện đều được tái bố trí hoặc nhận tiền đi thuê nhà. Nhưng qua tiếp xúc, người dân phản ảnh dự án triển khai từ năm 2001 nhưng đến tháng 4-2005 họ mới được nhận tiền thuê nhà. Ông Khải cho biết sẽ yêu cầu lãnh đạo tỉnh trả lời về việc này.
Theo các thành viên trong đoàn, nội dung số đơn thư của người dân Bà Rịa - Vũng Tàu gửi đến đoàn chủ yếu đều liên quan đến đền bù giải tỏa, tái định cư và giá đền bù. Số đơn thư khiếu kiện còn tồn ở tỉnh chưa giải quyết xong gần 1.700 đơn.
(Theo Tuổi Trẻ)