Nguyễn Trung Thu -
Nguyễn Minh Châu bị "gẫy"
Một dịp nhà văn Nguyễn Minh Châu về quê và được một cán bộ tuyên huấn dẫn đến trường học nói chuyện văn chương. Nhà văn mới nói được một chập thì các cử tọa tỏ ra "không thèm nghe", cứ làm việc riêng, mỗi lúc một ồn ã, rồi thì kẻ ra người vào khá nhốn nháo. Nhà văn cũng đã thấy ngao ngán, chưa biết xử sự thế nào thì đồng chí cán bộ tuyên huấn dẫn nhà văn đi nói chuyện xông lên bục "quảng cáo" về nhà văn rất kêu, nào Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn, nổi tiếng khắp nước và khắp... thế giới; nào Nguyễn Minh Châu làm đến chức Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn... Người cán bộ bước xuống, Nguyễn Minh Châu sau một lát né sang một bên, tiếp tục ra đứng trước micro đăng đàn. Nhưng tình thế không hề xoay chuyển tốt lên, ngược lại thêm xấu đi. Nguyễn Minh Châu nghĩ, lúc này thượng sách là đánh bài chuồn, bèn "nói tóm lại" vắn tắt ít phút, cám ơn mọi người "đã chú ý lắng nghe, "hẹn một dịp khác gặp lại"... rồi rút lui vội.
Điều thú vị là khi Nguyễn Minh Châu kể lại cho bạn bè về cái lấn đăng đàn "bị gẫy 100%" của mình như trên, nhà văn không hề tỏ ra mảy may đau khổ gì sất, ngược lại còn có vẻ... khoái.
Xuân Quỳnh "đền" Nguyễn Minh Châu
Một chiều cuối năm 1985, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đến nhà tôi chơi. Khi Quỳnh và Vũ xách túi sửa soạn ra về, tôi rủ: "Anh Châu có nhà đấy, ta sang anh Châu đã...". Tôi rủ Quỳnh và Vũ thế vì tôi biết là cả hai đều rất quý Nguyễn Minh Châu mà nhà tôi thì chỉ cách nhà anh Châu có mươi bước, và đã như thành lệ, trước đấy, lần nào Quỳnh và Vũ ghé đến chơi nhà tôi, chúng tôi cũng đều kéo sang anh Châu trò chuyện mãi. Lần này Quỳnh từ chối ngay: "Quỳnh và Vũ đang vội, để khi khác". Vũ thì không nói gì, chỉ cười cười. Tôi nghĩ ngay, không hẳn hai bạn "vội" và cảm thấy có điều gì đây...
Tối hôm đó tôi sang nhà anh Châu, vừa thông báo vừa thăm dò: "Quỳnh và Vũ chiều nay ghé bên tôi. Rủ sang anh nhưng Quỳnh nói vội không sang được". Anh Châu buồn buồn chậm rãi: "Bà ấy ghét mặt tôi đấy. Mấy tháng nay bà ấy cứ lảng mặt tôi. Cái hôm tập Bến quê in xong, tôi đến nhà xuất bản lấy sách, bà ấy mắng tôi một trận té tát, bảo tôi chạy để in tác phẩm".
À ra vậy, tôi nói với anh Châu: "Thế sao anh không kể đầu đuôi với Xuân Quỳnh?. Anh Châu bảo: "Tôi chả nói gì. Nói sao kịp với bà ấy đang cơn thịnh nộ".
Đầu đuôi là thế này:
Sau khi anh Châu gửi nhà xuất bản Tác phẩm mới (bây giờ là nhà xuất bản Hội Nhà văn) bản thảo tập truyện ngắn Bến quê, tôi có hỏi thăm anh về tập truyện. Anh Châu cho biết: "Nhà xuất bản sắp đưa in nhưng gác lại Con mèo hoang và Con chim (tức truyện Một lần đối chứng và Chú chim).
Tôi đã được anh Châu đưa cho đọc hai truyện này khi anh mới viết xong, tôi thấy đó là hai truyện tốt, hay và không hiểu sao khi nghe anh Châu nói thoáng qua như vậy mà tôi cứ đinh ninh là hẳn các anh, các chị nhà xuất bản nghĩ hai truyện này in được nhưg sợ nó "gai góc", sợ bị cấp trên "xà lú" nên phải gác lại. Do vậy mà mấy hôm sau, không nói với anh Châu ý định của mình, tôi mượn anh bản thảo đánh máy hai truyện ngắn bị gác lại và đưa nhờ nhà phê bình Hà Xuân Trường đọc (bấy giờ Hà Xuân Trường là Trưởng ban Văn hóa - văn nghệ Trung ương Đảng và tôi là một cán bộ giúp việc cho anh). Tôi cứ đem điều mình đinh ninh nói với anh Hà Xuân Trường về việc gác lại hai truyện ngắn này.
Chỉ qua một đêm, anh Hà Xuân Trường đã chuyển lại cho tôi bản thảo hai truyện ngắn và nói: "Truyện Chú chim thì còn có phần bối rối, chứ cái Một lần đối chứng là truyện ngắn hay đấy, truyện này không những đặt ra được vấn đề có ý nghĩa rất đáng suy nghĩ mà viết tài lắm - gác lại thì uổng quá".
Được sự đồng ý của anh Trường, tôi đã viết một bức thư ngắn gửi anh Vũ Tú Nam, bấy giờ là giám đốc và anh Nguyễn Kiên là phó giám đốc nhà xuất bản Tác phẩm mới nói ý kiến anh Hà Xuân Trường "để các anh tham khảo".
Xong các việc đó, hôm trả anh Châu bản thảo, tôi có kể lại với anh Châu. Anh Châu bình thản, không tỏ gì vui vẻ, đồng tình và cũng không tỏ ý phản đối việc tôi làm.
Vài tháng sau, tập Bến quê được phát hành, anh Châu cho tôi sách trong đó có in truyện Một lần đối chứng. Tôi nghĩ mọi chuyện như thế là tốt đẹp, vui vẻ cả.
Ngờ đâu, Xuân Quỳnh là người biên tập cuốn Bến quê đã đề xuất ý kiến gác lại hai truyện trên, không phải vì sợ nó gai góc, sợ bị "xà lù" gì cả mà là thấy chưa được. Riêng truyện Một lần đối chứng sau này tôi nghe Vũ nói, Xuân Quỳnh cho là nó có cái gì ác ác, thiếu nhân bản. Chắc khi thấy những người phụ trách chuyển ý kiến anh Hà Xuân Trường cho mình thì Xuân Quỳnh cho là anh Nguyễn Minh Châu chạy chọt cấp trên để in thêm truyện vào tập sách nên "ghét mặt mắng té tát" anh Châu.
Ngay sau hôm biết chuyện này, tôi đến nhà Xuân Quỳnh kế lại đầu đuôi sự việc và nói: "Mọi chuyện là như thế, chứ anh Châu không hề tác động, không chạy chọt gì đâu, đừng nghĩ oan về anh Châu, tội nghiệp". Xuân Quỳnh chăm chú nghe xong cười ré lên và nói ríu rít như không tỏ ra có chút xíu gì áy náy về sự hiểu lầm anh Châu sất cả:
- Hôm ấy, Quỳnh mắng "cậu" một trận, "cậu" cứ đực ra, không cãi được câu nào...
Nói đoạn, Xuân Quỳnh mở ngăn tủ lấy ra hai gói chè hương thượng hạng nhờ tôi "kính biếu anh Châu hộ Quỳnh, nói Quỳnh đền "cậu" ấy".
Trở về, tôi sang ngay anh Châu chuyển lời và chuyển quà của Xuân Quỳnh. Anh bóc gói chè đưa lên mũi hít hít rồi vừa pha trà vào ấm vừa cười nói:
- Cái con mụ đốp Quỳnh này, nó ghê lắm...
(Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội số 651)