Trong trường hợp đang sử dụng gói bảo hiểm mà doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm có vấn đề phải giải thể thì khoản phí tôi đã đóng bảo hiểm sẽ giải quyết như thế nào?
Nguyễn Thị Ly
Đại diện Chubb Life Việt Nam tư vấn độc giả VnExpress:
Bạn Ly thân mến, xin cám ơn bạn đã đưa ra vấn đề cũng là thắc mắc chung của rất nhiều khách hàng khi quyết định tham gia bảo hiểm.
Khi đưa ra sản phẩm bảo hiểm với thời gian bảo hiểm dài, đa số các sản phẩm hiện nay bảo hiểm khách hàng đến 99 hoặc 100 tuổi, bảo vệ khách hàng về lâu dài, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ dựa trên những cơ sở pháp lý. Các chính sách đầu tư quy định rõ sự tồn tại và phát triển lâu dài của các hoạt động đầu tư.
Do vậy, hầu hết các trường hợp khi hết thời hạn theo giấy phép đầu tư, doanh nghiệp sẽ được gia hạn giấy phép để tiếp tục các hoạt động cũng như bảo vệ khách hàng tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các công ty trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Theo đó trong mọi trường hợp chấm dứt hoạt động vì bất cứ lý do gì thì doanh nghiệp cũng phải giải quyết tất cả các quyền lợi đã cam kết với khách hàng trước khi chính thức ngưng hoạt động.
Bên cạnh đó, các hợp đồng bảo hiểm đã ký với khách hàng và đang có hiệu lực tại thời điểm đó cũng đều phải được chuyển nhượng sang doanh nghiệp bảo hiểm do cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm chỉ định. Vì vậy, các quyền lợi của khách hàng trong các hợp đồng bảo hiểm luôn được duy trì và trách nhiệm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng sẽ thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận việc chuyển nhượng đó.
Pháp luật hiện hành cũng có những quy định chặt chẽ đảm bảo tình hình tài chính của các doanh nghiệp luôn ổn định để có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với khách hàng. Trong suốt thời gian hoạt động phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về duy trì khoản tiền ký quỹ, trích lập các khoản dự phòng nghiệp vụ (gồm dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường...), đảm bảo đủ khả năng thanh toán bằng việc duy trì biên khả năng thanh toán tối thiểu.
Ngoài các quy định trên và nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm thì pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng đã có quy định về việc thành lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Theo đó doanh nghiệp có trách nhiệm trích nộp một phần phí bảo hiểm vào quỹ này trong suốt thời gian doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động.
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm cho khách hàng theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, bị phá sản. Do vậy, trong mọi trường hợp nếu doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản thì các khách hàng được bảo đảm quyền lợi theo đúng cam kết trong hợp đồng bảo hiểm.