Khu vực đô thị tại Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng nhưng phần lớn địa phương vẫn trong tình trạng ứng phó bị động, hiệu quả thấp. Nhận thức rõ điều này, Tecotec đã xây dựng một trung tâm dữ liệu cho khu vực nhằm ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngày 10/5, đơn vị đã ký kết hợp tác chiến lược cùng Công ty Nelen & Schuurmans (Hà Lan) nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, bền vững.
Tại sự kiện, ông Phạm Ngọc Phúc - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tecotec Group cho biết, do đặc điểm tự nhiên về vị trí địa lý, Hà Lan là một quốc gia có khả năng trị thủy tốt. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, số hóa đã giúp quốc gia này tạo liên kết bền vững, chống biến đổi khí hậu hiệu quả.
Khi các mô hình thủy động lực và kho dữ liệu lớn được xây dựng sẽ là giải pháp công nghệ thông tin dành cho nhà khoa học, nhà nghiên cứu liên quan tới mô hình hóa rủi ro về lũ lụt, thuỷ văn và biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó góp phần gia tăng tính khả thi cho các kịch bản chống biến đổi khí hậu, giúp hạn chế tác động tiêu cực lên đời sống hàng ngày của người dân tại khu vực này.
Tecotec là doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ và thiết bị đo lường - kiểm định - hiệu chuẩn tại Việt Nam. Trong khi đó, Nelen & Schuurmans là công ty tư vấn và cung cấp giải pháp phần mềm về tài nguyên nước, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý lũ lụt, an ninh nước với hơn 30 năm hoạt động. Doanh nghiệp này cung cấp mô hình thủy động lực (3Di) và kho dữ liệu lớn (Lizard) - giải pháp CNTT dành cho nhà khoa học, nhà nghiên cứu liên quan tới mô hình hóa rủi ro về lũ lụt, thuỷ văn, các công ty cần API phát triển giải pháp hệ thống thông tin địa lý (GIS), hay giải bài toán liên quan đến vấn đề chất lượng nước và mô hình, biến đổi khí hậu.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình thời tiết biến đổi cực đoan. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo khi nước biển dâng cao 1 m sẽ có khoảng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, tại Đồng bằng sông Cửu Long, rủi ro về lũ lụt gia tăng nhanh chóng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trận mưa có cường độ cao kéo dài. Đi kèm hiện tượng mưa gây ngập lụt, tốc độ sụt lún trung bình trong vòng 10 năm trở lại đây của khu vực này cũng đang trong tình trạng báo động. Đánh giá của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Utrecht (Hà Lan) và Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, tốc độ sụt lún trung bình 0,96cm một năm, nước biển dâng cao khoảng 0,35cm một năm.
Thế Đan