![]() |
|
Có hai dạng tai nạn do chim gây ra. Một là khi máy bay đỗ trong nhà chờ, chim có thể chui vào trong làm tổ. Khi khởi động, cánh quạt nghiến phải mỏ cứng của chim nên bị cong vênh, va chạm vào các thiết bị khác, dễ gây nổ. Hai là khi máy bay cất, hạ cánh hoặc đang bay bị va đập vào chim. Ước tính, một con chim nặng 500 gram va vào chiếc Boeing 747 đang bay với tốc độ siêu âm, thì lực va chạm có thể lên tới 5 tấn.
Tại sân bay Nội Bài, từ năm 1995 đến 1999 đã có 14 vụ máy bay va đập vào chim. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng nhiều lần phải đón các chuyến hạ cánh khẩn cấp do sự cố loại này. |
Cho tới nay, ở nước ta đã có một số đề tài nghiên cứu để xua đuổi chim khỏi các sân bay như: dùng âm thanh, bù nhìn, sóng siêu âm, ánh sáng laser và dùng đạn để xua đuổi (của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài), hay dùng trực thăng, tàu lượn, bắn tiêu diệt... (của các sân bay quân sự). Nhưng nhìn chung các biện pháp đó hoặc chưa được triển khai hoặc không hiệu quả, và các loài chim nhanh chóng quen với giải pháp.
Thượng tá Vũ Xuân Khôi và cộng sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (chi nhánh phía Nam) đã đi theo một hướng mới: dùng các biện pháp sinh học để cắt đứt nguồn thức ăn của chim, thực hiện tại một sân bay ở miền đông Nam Bộ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu sinh cảnh của sân bay này, tìm ra những loài chim đặc trưng và 3 giải pháp chính để đối phó với chúng.
Với các loài chim ăn thịt (như ưng lớn, diều đầu trắng, diều mướp), giải pháp là diệt cỏ ở ven đường băng. Biện pháp này sẽ loại bỏ được nơi ẩn náu và bãi kiếm ăn của côn trùng, bò sát, chuột, động vật lưỡng cư, chim nhỏ... (là thức ăn của chim ăn thịt) khiến chúng bỏ đi nơi khác. Do vậy, chim săn mồi cũng không thể tới đó kiếm ăn nữa.
Với các loài chim ăn quả dại trong sân bay, nhóm nghiên cứu đề nghị chặt chọn lọc những cây có quả để chim mất nguồn thức ăn. Giải pháp thứ ba là phát ra tín hiệu của kẻ thù để "khủng bố" tinh thần của chúng. Biện pháp này cũng đã khiến một số loài chim phải cao chạy xa bay.
Ngoài các giải pháp sinh học, nhóm nghiên cứu còn thử nghiệm biện pháp "mõ gió", mô phỏng dụng cụ đuổi chim của người Êđê (dụng cụ này hoạt động nhờ sức gió), và đã cho kết quả tốt. Hàng nghìn con cò, vạc đã di cư đến nơi khác.
Theo Thượng Tá Vũ Xuân Khôi, chủ nhiệm đề tài, ưu điểm của các biện pháp sinh học là có tác dụng "bền" hơn, đồng thời vẫn bảo tồn được các loài động vật hoang dã.
Đó là một trong những giải pháp sinh học đầu tiên thuộc loại này ở Việt Nam, được thực hiện từ năm 1999 và công bố tháng 1/2002. Bộ Quốc phòng đã đồng ý triển khai áp dụng thử biện pháp này cho một số sân bay quân sự ở miền nam, giai đoạn 2003-2004.
Nhật Minh