Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Học viện Đào tạo Doanh nghiệp thuộc FUNiX chia sẻ trong chương trình giao lưu hội viên VINASA Talk 2023 diễn ra ngày 7/4. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, nhằm góp phần hiến kế cho các doanh nghiệp đối phó với thách thức trong thời kỳ kinh tế khó khăn, làn sóng sa thải đe dọa tới sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nặng nề nhất trong ba thập kỷ qua. Các doanh nghiệp cần có chính sách đặc biệt cùng với việc đào tạo kiến thức, kỹ năng liên tục cho đội ngũ nhân sự nhằm giữ chân nhân tài.
Dẫn chứng thống kê từ McKinsey, bà Thu Hiền lưu ý, có tới 87% CEO các doanh nghiệp cho biết nhận thấy khoảng cách về kỹ năng của nhân viên. Trong nhiều trường hợp, ban lãnh đạo công ty đã phải thực hiện các bước để đào tạo lại kỹ năng của người lao động nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công ty.
Báo cáo Tương lai Việc làm năm 2020 từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các công ty ước tính khoảng 40% người lao động cần đào tạo lại trong vòng 6 tháng thậm chí ít hơn. 94% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ mong muốn nhân viên tiếp thu các kỹ năng mới trong công việc - tăng mạnh so với con số 65% trong năm 2018.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng ước tính đến năm 2025, có tới 85 triệu việc làm có thể bị ảnh hưởng do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người và máy móc. Dự báo, sẽ có 97 triệu việc làm mới có thể xuất hiện để phù hợp với sự phân công lao động mới này.
Hiện, doanh nghiệp cùng lúc phải đối mặt nhiều vấn đề lớn như già hóa dân số, xu hướng tuyển dụng chú trọng vào kỹ năng hơn là chú trọng về bằng cấp kiểu truyền thống, chuyển đổi số diễn ra rộng khắp và mạnh mẽ. Đặc thù về hình thức làm việc cũng thay đổi, trong đó làm việc từ xa và làm việc linh hoạt lên ngôi...
Tất cả những biến động này đều góp phần đặt ra yêu cầu mới mẻ, bức thiết với các tổ chức doanh nghiệp về mặt đào tạo nhân sự. Nếu không thể đáp ứng, doanh nghiệp dễ gặp khó thậm chí đổ vỡ vì thiếu hụt nhân lực hoặc không thích ứng được với hoàn cảnh mới.
Bà Thu Hiền cho biết thêm, bằng việc chuẩn bị các phương án dự phòng kết hợp cách đào tạo nhân lực phù hợp, hiệu quả, các doanh nghiệp không chỉ thích ứng được với điều kiện mới của thế giới, mà còn thay đổi tình thế. Chú trọng vào đào tạo nội bộ, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực và bứt phá trong làn sóng sa thải và biến động này.
Cũng theo vị giám đốc này, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp để xây dựng chương trình phù hợp, thiết thực nhất với nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức là tìm kiếm những tổ chức đào tạo chuyên nghiệp đồng hành. Một gợi ý là sử dụng Udemy for Business - nền tảng đào tạo trực tuyến với 59 triệu người học toàn cầu, hơn 200.000 khóa học trực tuyến, được phát triển bởi 71.000 chuyên gia hướng dẫn giảng dạy.
"Các chương trình của Udemy Business được hơn 14.000 doanh nghiệp lớn trên toàn cầu sử dụng để đào tạo nội bộ", bà Hiền cho biết.
Tại Việt Nam, FUNiX là đối tác của Udemy, hợp tác cung cấp gần 2.000 khóa học gồm phụ đề tiếng Việt và các khóa do chuyên gia người Việt thiết kế. Hai đơn vị muốn trở thành nền tảng có nhiều nội dung đào tạo nhất, đáp ứng hầu hết nhu cầu nâng cấp kỹ năng cho đội ngũ doanh nghiệp tại Việt Nam.
"Đội ngũ hỗ trợ từ FUNiX sẽ làm việc với từng khách hàng để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu, mang lại tác động tối ưu cho doanh nghiệp", bà Thu Hiền khẳng định.
Quỳnh Anh