Với nhiều ưu điểm, công nghệ nhận diện khuôn mặt của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đã vào top 30 bài kiểm tra đo lường và đánh giá chất lượng toàn cầu của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST).
Được thế giới công nhận, bài đo của NIST là "dấu tích xanh" cho giá trị của các giải pháp công nghệ,. "Việc vượt qua bài đánh giá còn góp phần khẳng định năng lực công nghệ của người Việt đủ khả năng cạnh tranh với giải pháp từ các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới", đại diện Viettel Solutions chia sẻ.
Thành tựu của công nghệ nhận diện khuôn mặt Make in Vietnam
Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được ứng dụng rộng rãi ở các quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc,.... Hiện tại, các công ty, tổ chức có nhiều cách để khai thác tiềm năng của nhận diện khuôn mặt trong các lĩnh vực như lĩnh vực tài chính ngân hàng, doanh nghiệp, bán lẻ, bảo mật an ninh....
Đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng với đó là tầm quan trọng ngày càng gia tăng của việc cá nhân hóa, công nghệ này được dự báo sẽ góp mặt trong hầu hết các lĩnh vực. Infiniti Research Limited (Tổ chức nghiên cứu và dự báo thị trường toàn cầu) dự báo thị trường công nghệ nhận diện khuôn mặt toàn cầu sẽ tăng 18,1 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2024 và đạt mốc 22,7 tỷ USD vào năm 2027.
"Tuy nhiên, để có thể sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) nhận ra một người thông qua thuật toán sinh trắc học là điều không đơn giản, nhất là ở trong một không gian rộng. Đây cũng chính là bài khó nhất trong các bài đánh giá của NIST nhưng cũng là cách tốt nhất nhằm đưa công nghệ này vào cuộc sống hàng ngày. Công nghệ nhận diện khuôn mặt Viettel đã làm được điều đó", anh Lê Thành Công, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions cho hay.
Cũng theo anh Công, đây là thành công cho bài 1:N, liên quan tới định danh. Bài đầu tiên của NIST là bài 1:1, đơn giản chỉ dành cho việc xác thực, chẳng hạn như EKYC",
Bài đánh giá Verification xác minh khuôn mặt, so sánh 1:1 xem hai khuôn mặt đó có phải là một hay không. Bài đánh giá Identification định danh khuôn mặt, so sánh 1:N khuôn mặt một người với một tập cơ sở dữ liệu gồm rất nhiều người để xác định danh tính của người đó.
NIST yêu cầu tất cả các giải pháp đều được yêu cầu xử lý trên máy tính (giới hạn 1 core CPU) với thời gian dưới một giây trên một bức ảnh. Mục tiêu của những tiêu chuẩn khắt khe này là tìm ra phương pháp chính xác về nhận dạng và tối ưu thời gian xử lý, đảm bảo khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Kết quả cho thấy công nghệ của Viettel Solutions mất chưa tới 0,1 giây để giải đề bài đưa ra với sai số thấp.
"Việc vượt qua bài kiểm tra khó nhất này góp phần khẳng định rằng các sản phẩm Việt Nam có thể tương đương với giải pháp mà các doanh nghiệp hàng đầu thế giới cung cấp", anh Công cho biết.
Tiềm năng ứng dụng và sự tự chủ công nghệ của người Việt
Khác với các công nghệ xác thực khác, nhận diện khuôn mặt mang lại những lợi ích như không phải tiếp xúc, cải thiện độ chính xác và tăng mức độ bảo mật. Ngoài ra, nền tảng này còn dễ dàng tích hợp với các tính năng bảo mật hiện có.
Tại Việt Nam, công nghệ này đang được ứng dụng trong giải pháp kiểm soát vào ra như phát hiện người ra vào vùng cấm, được triển khai từ tháng 1.Viettel đã tích hợp giải pháp này vào nền tảng VMS (Viettel Management System) và nền tảng IVA (Intelligent Video Analytics), đây là những ứng dụng hiệu quả trong các mô hình trung tâm điều hành thông minh của Viettel tại các địa phương.
Nói về tiềm năng ứng dụng, anh Lê Thành Công cho biết giải pháp cũng có thể được ứng dụng để giải bài toán truy xuất tội phạm, nhận dạng và phát hiện đối tượng tình nghi. Nó cũng có thể được sử dụng cho khu vực biên giới và xuất nhập cảnh. Ngoài ra, giải pháp cũng có thể ứng dụng trong lĩnh vực du lịch và các ngành dịch vụ khác.
"Trong bối cảnh cá nhân hóa ngày càng được đề cao, giải pháp này trở nên phù hợp để được triển khai hệ thống này ở lối ra vào công sở, tòa nhà, đơn vị.... Không chỉ dừng lại ở phát hiện người mới, nó có thể nhận diện khách quen, giúp khách hàng cảm thấy mình được chào đón hơn và cũng góp phần giảm áp lực cho lực lượng an ninh", anh Công nói thêm.
Thực tế, khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, công nghệ cũng được triển khai cho hệ thống camera y tế nhận diện khuôn mặt; phát hiện người không đeo khẩu trang trong phòng và kiểm soát an ninh an toàn...
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng ứng dụng, giải pháp của Viettel Solutions còn có những ý nghĩa lớn hơn đối với sự tự chủ công nghệ của người Việt. Theo anh Công, vượt qua bài đo của NIST không chỉ cho thấy công nghệ Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ của thế giới mà còn góp phần làm chủ công nghệ.
Bên cạnh đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt Viettel cũng góp phần khẳng định khả năng nghiên cứu, làm chủ công nghệ của Viettel Solutions - một trong những Tổng công ty đại diện cho tập đoàn trong hoạt động kiến tạo xã hội số.
Thế Đan