"Khi được chủ động trong sử dụng nguồn lực, ngành giáo dục với thẩm quyền, đặc điểm của mình sẽ biết chính xác mình cần gì, thiếu gì. Việc điều động giáo viên sẽ linh hoạt hơn rất nhiều", Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa nói tại phiên họp tổ ngày 9/11.
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (phụ trách đào tạo nghề) là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý. Hai Bộ này cũng sẽ được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng; điều phối biên chế giáo viên trong các trường công lập.
Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, hoặc phân cấp cho trường tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm. Phương thức tuyển dụng gồm xét tuyển hoặc thi tuyển, bắt buộc có phần thực hành sư phạm.
Dự thảo đã có sự thay đổi so với hiện nay. Theo luật hiện hành, hai Bộ chỉ quản lý chuyên môn đối với nhà giáo, không quản lý số lượng, biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm. Ở địa phương, việc này được giao cho Sở Nội vụ làm đầu mối.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhìn nhận đây là chính sách mới và còn những tranh luận, song triển khai thực tế sẽ "khả thi và hợp lý". Hiện cả nước thiếu rất nhiều giáo viên. Với việc tháo gỡ nút thắt, ngành giáo dục với số lượng biên chế và nguồn lực như hiện tại, sẽ chủ động vận hành để đảm bảo chất lượng tương xứng hoặc cao nhất có thể, tránh chuyện thừa, thiếu cục bộ.
Ông Nghĩa chỉ nhiều bất cập trong tuyển dụng giáo viên hiện nay. Ở cấp học mầm non, tiểu học, THCS, việc tuyển dụng thuộc thẩm quyền của UBND huyện. "Có tình trạng huyện này thừa, nhưng không điều sang huyện bên cạnh được vì vướng mắc thẩm quyền. Ngành nội vụ chủ trì tham mưu chính trong lĩnh vực này chứ không phải ngành giáo dục", ông chỉ ra bất cập hiện nay.
Bên cạnh đó, nhà giáo là viên chức và chỉ được công tác ở một đơn vị sự nghiệp công lập. Việc này dẫn đến nhà giáo công lập không thể dạy liên trường, liên cấp, trong khi thực tế giáo viên ngoại ngữ có thể dạy 3-4 trường. "Với việc giao quyền sử dụng nguồn lực, ngành giáo dục sẽ phá được thế khó, cô giáo có thể dạy liên trường, liên cấp tạo sự thay đổi linh hoạt hơn nhiều", ông Nghĩa nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (đại diện cơ quan thẩm tra) cho biết hiện nay quản lý tổng biên chế là Bộ Chính trị và tại địa phương là cấp ủy chính quyền. Tổng biên chế sau khi giao, cơ quan nội vụ địa phương có trách nhiệm phân bổ lại cho các ngành.
"Cơ quan soạn thảo và thẩm tra có chung quan điểm là nên giao cho ngành giáo dục chủ động quản lý, tuyển dụng, thuyên chuyển, điều động và tiếp nhận giáo viên", ông Vinh nói. Tự chủ trong tuyển dụng đã được áp dụng hiệu quả ở bậc đại học. Hiệu trưởng và giám đốc tuyển chứ không phải chủ tịch tỉnh, thành phố.
Song qua thẩm tra, ông Vinh lưu ý một số đại biểu lo ngại việc cho ngành giáo dục tự chủ tuyển dụng có đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, nhất là khi trình độ quản lý, lãnh đạo ở một số cơ sở giáo dục chưa cao. Ví dụ với trường mầm non ít giáo viên, chỉ có một cô hiệu trưởng liệu đã có đủ kinh nghiệm trong tuyển dụng?
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho biết qua làm việc với cơ quan, đã thống nhất điều chỉnh theo hướng "chỉ nơi nào đủ điều kiện thì mới cho tuyển". Trường hợp không đủ điều kiện, việc tuyển dụng được giao cho cơ quan quản lý giáo dục, có thể là sở hoặc phòng giáo dục để phù hợp với cơ cấu, chuyên môn.
"Sau này nếu tuyển không đảm bảo đúng chuyên môn thì ngành giáo dục không thể thoái thác được. Thẩm quyền phải gắn với trách nhiệm", ông Vinh phân tích.
Đại biểu Thái Văn Thành (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng chính sách mới giúp cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được chủ động sử dụng biên chế theo kế hoạch. Việc luân chuyển biệt phái tránh được thừa, thiếu cục bộ. "Như hiện nay, giáo viên huyện này không thể điều sang huyện kia được. Dù chỗ này thừa rất nhiều giáo viên ngoại ngữ, huyện khác rất cần nhưng cũng chịu", ông Thành chia sẻ thực tế ở địa phương.
Theo đại biểu tỉnh Nghệ An, đội ngũ nhà giáo hiện thiếu 120.000, trong đó hơn 72.000 chưa tuyển được do chậm bố trí biên chế. Việc bố trí này phải qua nhiều tầng nấc, từ Bộ Nội vụ, qua Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ. "Ba, bốn vòng với rất nhiều tầng nấc nên làm chậm việc tuyển dụng, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, vào năm học rồi mà giáo viên chưa có", ông nói, đề nghị dự luật bổ sung các cơ chế để giải quyết khúc mắc cho các địa phương.
Năm học 2023-2024, cả nước có 1,25 triệu giáo viên, tăng hơn 17.200 người. Tuy nhiên, số thiếu vẫn gần 113.500, diễn ra ở hầu hết địa phương. Trong khi đó, số học sinh vẫn không ngừng tăng, toàn quốc tăng hơn 9.400 lớp học.
Thiếu giáo viên dẫn tới tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn định mức, thấp nhất ở cấp mầm non. Cấp này cần tối thiểu 2,2 giáo viên mỗi lớp, nhưng chỉ đạt 1,81. Việc triển khai chương trình mới với cấp phổ thông cũng gặp khó, nhất là những môn mới như Tin học ở bậc tiểu học, môn tích hợp bậc THCS và Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT.
Ngoài ra, cơ cấu giáo viên giữa các môn, cấp học chưa đồng bộ (thừa, thiếu cục bộ) khiến các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm những hoạt động, môn học ngoài chuyên môn chính, ví dụ giáo viên Văn dạy thêm Giáo dục công dân, Toán dạy thêm Công nghệ. Nhiều nhà quản lý đánh giá việc này ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, tạo thêm áp lực cho thầy cô.
Sơn Hà