Nằm cách TP HCM 150 km, Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, rộng gần 7.400 ha, với hệ sinh thái đất ngập nước cuối cùng còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười. Sau nhiều năm vắng bóng, hôm 7/3, bốn sếu đầu đỏ tìm về vườn chừng 30 phút, bay lượn ở phân khu A5 rộng 60 ha.
"Lâu lắm rồi chúng mới quay lại nơi đây dù trước đó là bãi ăn quen thuộc", ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim, nói, cho biết thông thường sau chuyến "tiền trạm" đàn sếu sẽ kiếm ăn dọc các cánh đồng lúa quanh đây 7-10 ngày, sau đó về vườn trú ngụ đến hết mùa khô.
Theo ông Nhanh, sự trở lại của đàn sếu diễn ra sau hàng loạt giải pháp mà vườn triển khai nhằm thu hút loài chim quý. Cụ thể sau khi vườn tiến hành đốt cỏ chủ động, cây năng kim - thức ăn khoái khẩu của sếu, đã hồi sinh, tạo củ to bằng đầu đũa.
"Năng kim rất quan trọng với hệ sinh thái Tràm Chim bởi vào mùa khô, chỉ loài thực vật này sinh sôi mạnh, bên dưới còn có nhiều loài côn trùng là thức ăn của chim cò", ông Nhanh nói.
Ban quản lý vườn Tràm Chim còn cho nhân viên dùng máy cày trục đất, tạo rãnh rộng 40-60 m, cách ly vùng cỏ chuẩn bị đốt. Đến nay vườn đã đốt chủ động 260 ha đồng cỏ, dự kiến đốt thêm 60 ha nữa. Do ngâm nước nhiều năm, lớp thực bì bên dưới dày 70-100 cm, khiến nhiều loài côn trùng không thể sinh sôi, đàn cá cũng suy giảm do thiếu thức ăn.
Sắp tới vườn còn tạo thêm một số bãi ăn cho loài sếu gồm những khu đất trống, cỏ không quá cao. Vì theo tập tính, sếu có bản năng cảnh giác, thích tìm đến những nơi có tầm quan sát rộng. Đàn sếu sẽ cử một con cảnh giới trong khi cả bầy tìm thức ăn. Cả đàn chỉ rời đi khi tất cả thành viên tìm đủ thức ăn.
Ngoài ra, Tràm Chim đã triển khai công nghệ giúp ích việc phòng cháy, thu thập số liệu, theo dõi biến động đàn chim, cò đặc biệt là những loài quý hiếm. Cụ thể, 5 trạm quan trắc đất, nước, không khí thu thập các chỉ số về nhiệt độ, ẩm độ, pH, tự động cảnh báo (gửi tin nhắn điện thoại) khi phát hiện cháy.
TS Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, cho hay những thay đổi trên của Tràm Chim sẽ thu hút đàn sếu di cư hàng năm tìm về. Điều đáng nói là những giải pháp này được thực hiện đúng lúc, từ đó giúp những sếu già từng đến vườn còn lưu giữ bản đồ di trú trong đầu, dẫn dắt những con mới trưởng thành trở lại Việt Nam.
"Nếu trễ hơn e rằng hệ sinh thái của vườn phục hồi, sếu cũng không biết đường quay về", ông Ni cho biết.
TS Trần Triết, Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, cho biết sếu đầu đỏ Đông Dương có số lượng ít và đang bị suy giảm rất nhanh. Việc tỉnh Đồng Tháp bảo tồn hệ sinh thái Tràm Chim, khôi phục loài sếu thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện công ước đa dạng sinh học.
"Không phải ngẫu nhiên Tràm Chim được công nhận là Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Con số này được sắp đặt trước và dành cho vùng đất có hệ sinh thái quan trọng của thế giới", TS Triết nói.
Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Chim có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu ba năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.
Cuối năm ngoái, Đồng Tháp thông qua đề án bảo tồn đàn sếu với tổng đầu tư 185 tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm. Theo kế hoạch, tỉnh nhận chuyển giao 60 cặp sếu từ Thái Lan sau đó gầy đàn thêm 40 con. Sau quá trình chăm sóc, huấn luyện chúng được thả về tự nhiên ở Tràm Chim.
Ngọc Tài