Họp báo chiều 16/7, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết thời gian qua các trường hợp mắc Covid-19 tử vong đa số lớn tuổi, có bệnh lý nền. Một vài trường hợp xuất hiện ở nhóm trẻ hơn, tuy nhiên cũng quanh ở độ tuổi 60.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, tính đến hết ngày 15/7, TP HCM ghi nhận 142 ca tử vong. Hai ngày trước đó, số này lần lượt là 130 và 119.
"Tỷ lệ tử vong của người mắc Covid-19 tại TP HCM là 0,75%, thấp hơn so với tỷ lệ trên 2% của thế giới", ông Nam nói. Tỷ lệ tử vong trung bình cả nước (0,55%).
Theo ông Nam, ngành y tế thành phố đang cố gắng kéo giảm tỷ lệ tử vong bằng việc thiết lập các bệnh viện điều trị theo mô hình tháp 4 tầng. Trong đó, tầng 4 chuyên dành cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, thay thế mô hình điều trị 3 tầng ở Bắc Giang mà thành phố từng áp dụng. Chủ lực của tầng cao nhất này là Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vừa thành lập, tận dụng từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với 1.000 giường, cùng 200 giường tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới.
Số lượng F0 tăng nhanh khiến việc điều phối đến các bệnh viện điều trị chưa đáp ứng kịp. Sở Y tế thời gian qua thành lập các bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng một số bệnh viện, nâng số giường bệnh lên 20.000 và có kế hoạch mở rộng 50.000 giường, đầu tư thêm cơ sở vật chất để khắc phục quá tải.
TP HCM đang sử dụng nguồn nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện của thành phố. Bộ Y tế và các tỉnh thành chi viện dự kiến 10.000 người, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết dịch tễ, phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị...
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng chiều 16/7 cũng gửi văn bản khẩn đến các đơn vị, triển khai phương án điều chuyển các F0 đến bệnh viện, giảm áp lực cho hệ thống y tế quận huyện và giảm tử vong đối với F0 chuyển nặng, nguy kịch.
"Không để F0 lưu lại địa phương quá 12 giờ, chuyển F0 có triệu chứng hay bệnh lý nền đến các bệnh viện chuyên trị Covid-19 và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nhằm giảm tử vong", ông Thượng nhấn mạnh trong công văn này. "Trong tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận điều trị".
Trong 8 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, số ca nhiễm tại TP HCM được ghi nhận tăng liên tục cả trong khu cách ly phong tỏa và cộng đồng, có ngày lên tới hơn 2.000 ca.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, thành phố đang tận dụng "tuần lễ vàng" giãn cách còn lại để thực hiện có hiệu quả các biện pháp khoanh vùng, cách ly tập trung, dập dịch và tích cực điều trị.