Chương trình tọa đàm "Phòng chống tác hại thuốc lá - Hành động mới từ góc nhìn toàn cầu" do báo VnExpress tổ chức, có sự tham gia của: ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Vũ Đức Nam - Phó Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương; bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, cùng PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Hô hấp TP HCM và Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Ủy viên ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học, Hội Phổi Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi TW.
Đánh giá về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho rằng việc truyền thông đơn thuần về tác hại của thuốc lá hiện đã cũ và không thực sự có hiệu quả. Bởi lẽ, các tác hại thuốc lá gây ra đến nay thì hầu như mọi người và đặc biệt người hút thuốc đều biết. Khó khăn lớn nhất ở đây là cách làm cho họ bỏ hút thuốc. Dù thống kê cho thấy 25% người hút thuốc đã cai được thuốc lá, hành vi hút thuốc lá cũng đã giảm nhiều ở những nơi công cộng thì vẫn còn 75% người không thể cai thuốc. Những người này phải đối mặt với nhiều nguy hại về sức khỏe cá nhân đồng thời gây ảnh hưởng tới gia đình, cộng đồng. Do đó, cần có biện pháp về kiểm soát, kinh tế, cũng như giải pháp về các sản phẩm thay thế ít tác hại hơn cho nhóm người chưa cai được thuốc lá.
Các loại thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) cũng đã xuất hiện nhiều năm nay trên thị trường qua đường "xách tay" và nhập lậu với mức giá rẻ. Thậm chí, người tiêu dùng có thể tự mua thiết bị và nguyên liệu về chế biến. Nhiều sản phẩm thuốc lá lậu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm soát về chất lượng, không in nhãn cảnh báo. Sử dụng TLTHM lậu ngoài những người đã hút thuốc lại có giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên, thậm chí còn coi đây là trào lưu thời thượng.
Chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu tác hại thuốc lá tại Mỹ, Giáo sư Brad Rodu, phụ trách các Nghiên cứu Giảm tác hại Thuốc lá tại Trung tâm Ung thư Brown, cho biết hiện có nhiều loại TLTHM tại Mỹ. Trong đó, một số loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm định và cấp phép lưu hành trên thị trường. Những năm qua, số lượng người hút thuốc lá điếu tại Mỹ đã giảm đáng kể khi mọi người chuyển sang TLTHM.
Đóng góp ý kiến tại chương trình, Giáo sư David Sweanor, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn, Trung tâm Luật, Chính sách và Đạo đức Y tế, Đại học Ottawa (Canada), cho biết thêm kết quả tương tự cũng được ghi nhận tại các nước như Nhật Bản, Na Uy, Anh, New Zealand... từ sau khi đưa ra khung pháp lý quản lý các sản phẩm TLTHM.
"Đó là cách chúng ta ngăn chặn 8 triệu ca tử vong mỗi năm. Tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể cân nhắc đổi mới để thay thế thuốc lá điếu nhanh nhất có thể", ông Sweanor nói.
Dưới góc độ pháp lý, ông Lê Đại Hải cho hay rào cản của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách nhằm kiểm soát TLTHM như nhiều quốc gia hiện nay chính là quan điểm của các cơ quan ban ngành có liên quan còn khác biệt, dẫn đến việc chưa thống nhất quy định, chế tài quản lý loại sản phẩm này.
Tại thời điểm Việt Nam xây dựng Luật Phòng chống Tác hại của thuốc lá, TLTHM vẫn còn xa lạ nên quy định chủ yếu về thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, theo ông Hải, nếu xét theo Luật Phòng chống Tác hại của thuốc lá thì đã có quy định khái niệm thuốc lá là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá; cũng có quy định nguyên liệu thuốc lá là gì, trong đó có bao gồm "nguyên liệu thay thế khác". Như vậy, nếu các sản phẩm TLTHM như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá thì theo định nghĩa của Luật sẽ là đối tượng được điều chỉnh của Luật này.
Theo đó, ông Hải khẳng định TLLN là thuốc lá nên không có rào cản pháp lý đối với việc đưa sản phẩm này vào quản lý theo Luật hiện hành, bao gồm Luật Đầu tư (quy định thuốc lá là ngành được phép kinh doanh có điều kiện) và Luật Phòng chống Tác hại của thuốc lá. Đồng thời cũng cần có khung pháp lý mạnh để xử lý sản phẩm trôi nổi, nhập lậu, không đảm bảo chất lượng đối với mặt hàng tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, ông Hải đề nghị các cơ quan quản lý cần phải phân định rõ, các sản phẩm chứa ma túy, chất cấm dưới vỏ bọc TLĐT thì không được coi là sản phẩm thuốc lá nữa và đương nhiên là phải bị cấm.
"Bộ Công thương và Bộ Y tế cần sớm thống nhất các ý kiến còn khác biệt để trình Chính phủ hướng xử lý. Cần có sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý để đưa ra chính sách phù hợp, hài hòa giữa việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, đồng thời hướng tới giảm tác hại thuốc lá", ông Hải nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên bổ sung thêm, các nhà quản lý phải thống nhất ý kiến để đưa TLTHM vào Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá sửa đổi, nhằm quản lý TLTHM ngay từ khâu sản xuất đến lưu hành. Cần có chế tài cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nếu vi phạm quy định về sản xuất và sử dụng TLTHM.
Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, giúp những người không thể cai thuốc lá chuyển qua sử dụng sản phẩm giảm tác hại là giải pháp hợp lý về mặt y khoa. "Với những trường hợp đó, chúng ta có thể tư vấn về biện pháp giảm tác hại", BS Ngọc nhấn mạnh.
Anh Ngọc