-
10h30
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 được VnExpress tổ chức lần đầu tiên với mong muốn tạo một sân chơi dành cho các nhà khoa học chuyên và không chuyên, truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế.
Sáng kiến khoa học là cuộc thi dành cho các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên, dưới 40 tuổi, trên toàn Việt Nam. Cuộc thi hướng đến 5 lĩnh vực gồm: y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Mục đích cuộc thi nhằm tìm kiếm những sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống. Phát động từ tháng 2/2022, sau 4 tháng cuộc thi đã thu hút hơn 100 hồ sơ tham gia, 88 hồ sơ hợp lệ bước vào vòng sơ loại. Ban tổ chức đã chọn 29 dự án vào vòng chung kết.
Theo cơ cấu giải thưởng, BTC sẽ trao Giải nhất trị giá 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng, cho những giải pháp xứng đáng. Ngoài ra, một giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng sẽ được trao cho tác giả của nghiên cứu xuất sắc - nhằm tôn vinh giải pháp có tác động sâu, rộng tới các khía cạnh kinh tế, xã hội.
Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là một quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
-
11h06
Ban giám khảo nhận hoa từ ban tổ chức
Cuộc thi Sáng kiến khoa học có thành phần ban giám khảo là những nhà khoa học có nhiều đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Trong đó:
PGS. TS Hà Phương Thư - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. PGS Hà Phương Thư nghiên cứu trong lĩnh vực nano y sinh, nổi tiếng với ứng dụng công nghệ nano cho các sản phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung bướu. Chị có hơn 100 công bố khoa học, sở hữu 4 bằng độc quyền sáng chế, một giải pháp hữu ích và 5 đơn đăng ký đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận, đồng thời làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Nafosted.
PGS. TS Mai Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS Mai Anh Tuấn đã công bố 60 bài báo trên các tạp chí, hội nghị quốc tế và trong nước. Hướng nghiên cứu của ông ở lĩnh vực y sinh, nông nghiệp thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong đó có nhiều công trình điển hình như chế tạo cảm biến điện hóa và thiết bị đo xác định virus cúm A, cảm biến sinh học hay linh kiện cơ, quang điện tử và vật liệu cấu trúc nano.
TS Đào Văn Dương - Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa. Ông là một trong 5 nhà khoa học Việt nằm trong top các nhà bình duyệt toàn cầu năm 2019. Ông cũng nằm trong top 100.000 nhà nghiên cứu thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus năm 2019. Ông có hơn 100 công trình khoa học trên tạp chí ISI, 13 công trình trên tạp chí quốc tế khác, sở hữu hai sáng chế cùng một chương sách trên nhà xuất bản Willey (Đức).
TS Nguyễn Phi Lê - Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI). Nữ tiến sĩ có hơn 60 kết quả nghiên cứu đã được công bố tại các hội thảo, tạp chí uy tín trên thế giới. Cô tham gia hội đồng kỹ thuật của nhiều hội thảo uy tín như ICC, WCNC, Globecom...
Ông David Nguyen - Chủ tịch Ban Cố vấn Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Australia. Ông David Nguyen nhiều năm đảm nhiệm vai trò tư vấn cấp cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ mới. Ông tham gia hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu trong các dự án được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu Australia (ARC).
-
11h10
Trưởng ban tổ chức: 'Các sáng kiến khoa học là động lực tổ chức chương trình'
Bà Bùi Thanh Vân, Thư ký tòa soạn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, đây là năm đầu tiên VnExpress tổ chức một cuộc thi về khoa học nhằm vinh danh những ứng dụng khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tế, làm cho cuộc sống thuận tiện hơn hay những ứng dụng giải quyết được một vấn đề cho cộng đồng, cho một tệp người dùng trong một lĩnh vực cụ thể.
Theo bà Vân, sau hơn 4 tháng làm chương trình này, ban tổ chức nhận thấy sự đam mê khoa học trong giới trẻ Việt Nam là rất lớn. Các bạn cần có sân chơi để giao lưu và học hỏi, quan trọng hơn là nguồn đầu tư để phát triển những sáng kiến của mình, để ứng dụng vào thực tế.
Từ đó, trách nghiệm của Ban tổ chức không chỉ là truyền cảm hứng, tạo động lực để các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học mà còn có vai trò là cầu nối giúp các sáng kiến khoa học tiếp cận được với các đơn vị sản xuất, với các quỹ đầu tư để các sáng kiến có thể ứng dụng ở những nơi cần thiết. Bà cũng kỳ vọng, nền khoa học công nghệ Việt Nam phát triển sẽ là nền tảng và động lực để phát triển kinh tế, phát triển đất nước.
"Chính đam mê của các bạn và các sáng kiến thú vị đã truyền cảm hứng ngược lại cho chúng tôi. Đấy chính là động lực lớn để VnExpress tổ chức các cuộc thi Sáng kiến khoa học mùa tiếp theo và những sự kiện khoa học công nghệ khác", bà Vân nhấn mạnh.
-
11h15
Trưởng ban giám khảo: 'Tất cả sáng kiến đều xứng đáng đạt giải'
PGS. TS Mai Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - trưởng ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao việc VnExpress đã tổ chức sân chơi cho các bạn trẻ. Khác với cuộc thi có hàm lượng khoa học cao, cuộc thi "Sáng kiến Khoa học 2022" dành cho toàn dân, giúp thông điệp lan tỏa đến tất cả các ngành, thu hút sự quan tâm của xã hội.
Để tìm ra các sáng kiến đạt giải, ông cho biết ban tổ chức và ban giám khảo có những buổi thảo luận căng thẳng, đặt lên bàn cân nhiều lần. "Tất cả đội chơi đều xứng đáng nhận giải. Những đội chưa đạt giải chủ yếu do chưa may mắn, chưa chuẩn bị kỹ các yếu tố kỹ thuật", ông Tuấn nói.
-
11h17
3 sáng kiến đạt giải khuyến khích của cuộc thi
Sau thời gian cân nhắc, đánh giá các tiêu chí với hàng trăm bài dự thi. Ban tổ chức đã tìm ra 3 sáng kiến đạt giải Khuyến khích.
Trà định tâm Assamica
Trà định tâm Assamica được trao giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng, là sản phẩm của nhóm MEDTECH do Nguyễn Long Hoàng (23 tuổi), vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM dẫn đầu.
Trà định tâm Assamica được phát triển từ nguồn dược liệu quý Crotalaria Assamica - tên gọi của cây lục lạc lá ổi dài tại vùng núi cao Langbiang, Lâm Đồng.
Đây là loại trà được phát triển từ nguồn dược liệu quý Crotalaria Assamica - tên gọi của cây lục lạc lá ổi dài, lần đầu tiên được nghiên cứu, trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ (organic standard) tại vùng núi cao Langbiang, Lâm Đồng. Trà Assamica có tác dụng giải stress, chống mất ngủ; hiện có 4 dòng sản phẩm trà túi lọc, trà hòa tan, trà đóng chai và trà ly tiện dụng.
Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ AI để giám sát quá trình sản xuất, nhằm tối ưu chi phí. Sản phẩm được thực hiện các thử nghiệm độc tính cấp (độ an toàn), tác dụng phụ và hoạt tính an thần trên mô hình in vitro (dòng tế bào) và in vivo (thử nghiệm trên chuột) tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho kết quả an toàn cho sức khỏe. Hiện nhóm đã hoàn tất các thủ tục về đăng ký độc quyền sáng chế.
Thiết bị tự động đo thân nhiệt phòng Covid-19, điểm danh bằng thẻ RFID giúp dễ quản lý học sinh.
Sáng chế từ nhóm của thầy giáo Lê Đức Quốc, trường THCS-THPT Thạnh Lộc (Kiên Giang) nhận giải khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng.
Ý tưởng được thực hiện trong 6 tháng, phát triển thiết bị có hai tính năng nổi bật: đo thân nhiệt và sử dụng thiết bị hồng ngoại dùng để quẹt thẻ RFID điểm danh, giúp giáo viên quản lý học sinh trên phần mềm mà không cần làm thủ công như trước đây.
Hệ thống đã được thử nghiệm thực tế tại 2 phòng học của trường THCS-THPT Thạnh Lộc từ đầu năm đến nay và được đánh giá cao. Khi mở rộng hệ thống, nhà trường chỉ cần đầu tư phần lập trình, nạp thêm thông tin vào phần mềm để quản lý.
Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy chưa sử dụng được tiếng Việt
Dự án của nhóm Dream Makers do Đoàn Thị Hà Giang (18 tuổi) học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên làm trưởng nhóm nhận giải khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng.
Dự án được thực hiện với ước mong giúp bà con dân tộc Mông không nghe nói được tiếng phổ thông có thể thi được bằng lái xe máy. Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy có file âm thanh dành riêng cho bà con dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt. Nhóm mong muốn phát triển hướng tới các dân tộc khác chưa biết nói tiếng Việt.
Ý tưởng này được Hội đồng Giám khảo nhận xét "rất đáng khích lệ" khi thí sinh tuổi còn nhỏ nhưng đã biết hướng tới khoa học công nghệ hỗ trợ cho người thân, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.
-
11h23
Công nghệ chống hàng giả bằng blockchain nhận giải Ba
Công nghệ Deep Signature do nhóm của PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Đại học Bách khoa TP HCM (ĐHQG TP HCM) nghiên cứu, nhận giải Ba (trị giá 20 triệu đồng). Dự án giúp nhà sản xuất kích hoạt mã ID đại diện duy nhất cho sản phẩm bằng công nghệ blockchain để người tiêu dùng có thể xác thực nguồn gốc chính hãng.
Bằng việc sử dụng một blockchain phi tập trung bất kỳ để mã hóa một mã ID đại diện sản phẩm thống nhất với địa chỉ ví blockchain của nhà sản xuất, tạo ra "chữ ký" duy nhất giúp xác thực hàng hóa đúng nguồn gốc, khiến hoạt động làm hàng giả trở nên bất khả thi. Điểm đặc biệt của hệ thống là sáng tạo ra cơ chế "xác thực một lần" chống việc sao chép lại mã ID của hàng thật để gắn lên hàng giả.
Hệ thống ứng dụng trong thương mại, phân phối, công nghiệp sản xuất, y tế, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm. Với mức chi phí thấp, từ 200 đến 300 đồng mỗi mã sản phẩm (rẻ hơn hàng chục lần so với tem chống hàng giả điện tử SMS hiện nay), nhóm kỳ vọng giải pháp sẽ góp phần xây dựng thị trường tiêu dùng lành mạnh, minh bạch trong nước và nước ngoài.
-
11h25
Thiết bị nội soi 3D giành giải Nhì cuộc thi sáng kiến khoa học
Thiết bị phẫu thuật nội soi xương 3D nhằm lấy triệt để khối u nhưng không làm tổn thương các lớp sụn, xương của bệnh nhân khi mổ. Nghiên cứu của nhóm BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh và các cộng sự từ Đại học VinUni phát triển nhận giải Nhì, giải thưởng trị giá 30 triệu đồng.
Thiết bị được thiết kế để dẫn đường giúp bác sĩ tạo ra một đường hầm đi từ bề mặt ngoài xương (vùng an toàn) tới chính xác trung tâm khối u. Qua đường hầm này bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi để loại bỏ khối u một cách tiện lợi, an toàn và không làm tổn thương bất kỳ cấu trúc nào khác của khớp. Nhóm thực hiện nghiên cứu với bệnh u nang xương sên, xảy ra khi bệnh nhân chơi thể thao, vận động nhiều gây tổn thương ở nang xương trong xương sên gần bề mặt khớp cổ chân.
Theo nhóm nghiên cứu, thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D là dạng mô hình cải tiến hỗ trợ bác sĩ tăng khả năng thành công trong ca mổ và nằm trong danh mục kỹ thuật được Bộ Y tế công nhận.
Ban tổ chức hy vọng nhóm tác giả có thêm động lực, sáng kiến để tiếp tục hành trình nghiên cứu khoa học của mình.
-
11h30
Sáng kiến chiết tách lycopen từ quả gấc nhận giải Nhất
Sáng kiến của nhóm nhà khoa học G5-nhóm nghiên cứu phát triển vật liệu mới thuộc Viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được trao giải Nhất, giải thưởng trị giá 50 triệu đồng. Công trình đã tách chiết thành công lycopen tinh khiết 98% và nano lycopen dễ tan trong nước.
Lycopen và hệ nano lycopen là những nguồn dược liệu quý, có tiềm năng ứng dụng lớn trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm và công nghệ thực phẩm. Nhận thấy hàm lượng lycopen từ quả gấc cao gấp 70-100 lần so với cà chua, sau 3 năm nghiên cứu nhóm nhà khoa học G5 đã tách chiết thành công.
Đưa ra quy trình công nghệ đơn giản, giải pháp này có thể giúp các công ty hóa mỹ phẩm, thực phẩm nhập được nguồn nguyên liệu có độ tinh khiết cao với giá cả hợp lý. Theo tính toán của nhóm, 1 kg lycopen chiết được có giá khoảng 50- 60 triệu đồng, rẻ hơn 1/3 so với các sản phẩm ngoại nhập (giá trên dưới 150 triệu đồng trên thị trường). Nghiên cứu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 1/2021.
-
11h35
Sáng kiến ngành nông nghiệp nhận giải Đặc biệt
Công trình được vinh danh giải Đặc biệt trị giá 100 triệu đồng thuộc về tác giả Đồng Quang Hùng (Khánh Hòa) Giải pháp nhóm đưa ra là sự kết hợp giữa công nghệ vệ tinh hiện đại với chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả. Sự kết hợp mang tính cải tiến và đột phá giúp mở ra hướng khai thác mới cho ngành ngư nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại các vùng biển xa bờ, ngư trường truyền thống và vùng biển nước sâu nơi trữ lượng hải sản dồi dào.
Với giải pháp này, ngư dân chỉ cần thả 3-5 phao dò đặt cạnh 3-5 chà tại các vị trí khác nhau. Dựa vào các dữ liệu phao dò cá gửi về thông qua sóng vệ tinh, chủ tàu có thể xác định vị trí đánh bắt, các tín hiệu dự báo như: tọa độ, cá ở độ sâu bao nhiêu, khối lượng cá dự kiến, nhiệt độ nước, dòng chảy... Khi có tín hiệu cá, ngư dân mới thực hiện đánh bắt, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu, chi phí mỗi chuyến đi.
Ưu điểm lớn của giải pháp là chỉ với chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ngư dân có thể tiếp cận được công nghệ và tăng sản lượng đánh bắt cá từ 3 đến 5 lần, đồng thời tiết kiệm 40% nhiên liệu.
Giải pháp cũng giúp cung cấp nguồn dữ liệu có ý nghĩa trong việc đánh giá dự báo ngư trường, phục vụ cơ quan nghiên cứu và dự báo nguồn lợi khai thác hải sản.
Theo tác giả, với khoảng gần 44.000 tàu các nghề (lưới vây, lưới rê, câu cá ngừ đại dương), giải pháp này có thể đem đến quy mô thị trường giá trị lên đến 5 triệu USD/năm (10$/tàu/tháng).
Lên sân khấu nhận giải thưởng cùng sản phẩm trên tay, đại diện nhóm Đồng Quang Hồng, Giám đốc công ty TNHH Zunibal Việt Nam, chia sẻ về quá trình tạo ra sản phẩm và mong ước giúp cho người ngư dân bớt vất vả hơn. Nhắc đến dự định, anh Hồng cho biết bản thân sẽ cố gắng tập trung giới thiệu để người nông dân biết nhiều hơn về sản phẩm của mình, sẽ phát triển thêm các sản phẩm hỗ trợ người nông dân.