Hơn 10 năm làm kỹ sư công nghệ, chưa bao giờ anh Tuấn (37 tuổi, TP. HCM) cảm thấy bất an như lúc này, khi công ty quyết định cắt giảm nhân sự, chuyển sang dùng AI. Anh là thu nhập chính trong gia đình có mẹ hơn 70 tuổi, vợ và hai con. Công ty sa thải, 4 tháng liền anh gửi CV khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm được công việc mới, câu trả lời là vấn đề tuổi tác và mức lương quá cao.
Đó là câu chuyện khủng hoảng tìm việc của một người bạn, được chị Nguyễn Thiên Kim, đồng sáng lập Aniday dẫn lại, như một minh chứng cho thực trạng khó tìm việc của nhân sự trình độ cao. Co-founder của Aniday cho biết, câu chuyện trên là một trong những lý do doanh nghiệp ra mắt hệ thống chat trực tiếp giữa các chuyên viên tuyển dụng và người tìm việc.
"Họ xứng đáng với cơ hội tốt hơn thế. Họ có năng lực thực sự. Chỉ là nhà tuyển dụng bây giờ ngân sách eo hẹp nên yêu cầu khắt khe hơn", chị Thiên Kim nói, thêm rằng ngay cả nhân sự chuyên môn cao vẫn có khả năng bị thay thế, rơi vào trạng thái chênh vênh, bất an. Điều người tìm việc cần ở đây không chỉ là công việc, mà còn là người đồng hành mọi lúc, kết nối họ tới nhà tuyển dụng.
Theo co-founder của Aniday, nền tảng này có mạng lưới hơn 30.000 đối tác headhunter, chuyên viên tuyển dụng sẵn sàng hỗ trợ ứng viên tìm việc. Ngoài giới thiệu việc làm, nhóm này đóng vai trò như "người dẫn đường" cho các ứng viên, hỗ trợ tối ưu hồ sơ, chuẩn bị buổi phỏng vấn, tư vấn về lộ trình phát triển sự nghiệp. "Điều này đặc biệt cần thiết cho những lao động đang tìm hướng đi mới hoặc muốn nâng cao vị thế bản thân, củng cố lợi thế cạnh tranh trước sự phát triển mạnh mẽ của AI", chị Thiên Kim nói.
Trên nền tảng này, người dùng cần tạo tài khoản và bắt đầu kết nối trực tiếp với các headhunter thông qua công việc được đề xuất hoặc tìm kiếm. Các vị trí tuyển dụng phân loại theo từng nhóm ngành, thông tin chi tiết từ mô tả công việc, công ty, mức lương, phúc lợi... được hiển thị minh bạch.
Bằng cách nhấp vào "Chat", ứng viên có thể trao đổi với các chuyên viên đang phụ trách tuyển dụng cho vị trí mà họ quan tâm, với tỷ lệ phản hồi 100%. Aniday chuẩn bị sẵn các mẫu tin nhắn gợi ý giúp ứng viên bắt đầu cuộc trò chuyện như "Tôi có thể gửi CV cho bạn được không?", "Tôi có thể đến phỏng vấn được không?"... Đặc biệt, kênh chat cho phép đính kèm CV trực tiếp, mang lại trải nghiệm liền mạch và nhanh chóng cho cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.
Đại diện Aniday cho rằng, trong thời điểm phần lớn các doanh nghiệp đang thắt chặt ngân sách vì kinh tế khó khăn, việc hỗ trợ ứng viên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. "Đồng cảm với nỗi lòng của người tìm việc, Aniday đã quyết định đầu tư mạnh tay mở rộng đội ngũ nhân sự, hoàn thiện tính năng và tăng cường hỗ trợ kịp thời ứng viên, dù đây là một quyết định đầy rủi ro và chưa chắc đem lại lợi ích ngắn hạn", đại diện Aniday nói, thêm rằng, những ngày đầu ra mắt, tính năng gặp một số khó khăn bởi hình thức Chat trực tiếp còn khá mới ở Việt Nam. "Từ đó, đội ngũ phát triển Aniday dành thời gian hướng dẫn, định hướng cách dùng, ghi nhận phản hồi để tìm ra cách thức thuận tiện, dễ dàng nhất cho người dùng".
Aniday công bố doanh nghiệp nhận đầu tư từ Insignia Ventures Partners và CyberAgent Capital từ những năm đầu thành lập, hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái tuyển dụng mang tính đột phá.
(Nguồn: Aniday)