Theo phân tích của Jon Monroe, một chuyên gia tư vấn vận chuyển có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng cuộc tranh chấp thương mại sẽ "lắng dịu" trong vài tháng tới và hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, Monroe đặt câu hỏi "điều gì sẽ xảy ra nếu kỳ vọng lạc quan này không thành hiện thực?"
"Một số nhà máy, đặc biệt là những đơn vị phụ thuộc vào đơn hàng từ Mỹ buộc phải đóng cửa hoàn toàn. Nhiều cơ sở khác đang chật vật đối phó với tình trạng đơn hàng bị hủy đột ngột cùng bầu không khí bất ổn khiến việc lập kế hoạch cho tương lai gần như bất khả thi," Monroe cho biết.
Ông cũng cảnh báo rằng, với các mức thuế nhập khẩu mới cùng chi phí bổ sung từ Mục 301 của Đạo luật thương mại Mỹ dự kiến có hiệu lực trong vòng chưa đầy 6 tháng tới, nước Mỹ có thể sẽ phải "đối mặt với nguy cơ đóng băng thương mại toàn diện".
Monroe đặt câu hỏi: "Liệu người tiêu dùng Mỹ đã thực sự sẵn sàng đối mặt với viễn cảnh các kệ hàng trống trơn tại các chuỗi bán lẻ lớn chưa? Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục mà không được kiểm soát, điều đó hoàn toàn có thể trở thành thực tế mới".
Khi thời gian trôi qua và tranh chấp thương mại vẫn chưa được giải quyết, mức độ bất ổn tại Mỹ và trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng gia tăng.
Cuộc chiến thương mại đã khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và kế hoạch kinh doanh của họ rơi vào tình trạng hỗn loạn: "Các công ty trong nhiều lĩnh vực, từ điện tử tiêu dùng đến ô tô và bán lẻ, hiện đang vật lộn để lên kế hoạch về hàng tồn kho, giá cả và logistics chuỗi cung ứng trong bối cảnh chính sách khó đoán định," Monroe nhận định.
Theo chuyên gia phân tích Antonella Teodoro của MDS Transmodal, trong khi các hãng vận tải đang đau đầu tìm hướng thích ứng, các nhà cung cấp dịch vụ của họ lần này lại có cùng mối bận tâm, cùng đánh giá lại cách thức phục vụ thị trường Mỹ.
"Cho dù các mức phí dự kiến áp dụng với tàu đóng tại Trung Quốc chưa có hiệu lực cho đến cuối năm 2025, một số hãng vận tải cần sớm tìm kiếm giải pháp thay thế để giảm thiểu rủi ro. Một trong những chiến lược khả thi là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhằm duy trì quyền tiếp cận thị trường mà không gánh chịu hoặc trì hoãn chi phí từ chính sách phí cảng mới của Mỹ", Teodoro cho biết.
Teodoro chỉ ra một số phương án khả thi như tái cấu trúc dịch vụ theo mô hình "hub and spoke" (trục và nan hoa), cho phép các tàu đóng tại Trung Quốc cập cảng khu vực, sau đó vận chuyển hàng sang Mỹ bằng các tuyến trung chuyển hoặc shuttle service.
Một lựa chọn khác là sử dụng thỏa thuận chia sẻ chỗ (slot agreement) với các đối tác trong liên minh vận tải, cách làm mà Cosco - hãng tàu có đội tàu chịu ảnh hưởng lớn từ quy định Mục 301 có thể tận dụng.
Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hóa tới các cảng Mexico hoặc Canada rồi tiếp tục dùng đường bộ hoặc đường sắt đưa hàng vào Mỹ cũng là một giải pháp, dù cách này sẽ làm gia tăng chi phí và phức tạp hóa chuỗi cung ứng.
"Trong khi khung quy định chi tiết về các loại phí mới vẫn đang được hoàn thiện, các hãng vận tải đã chủ động nghiên cứu nhiều phương án để giảm nhẹ tác động thương mại tiềm tàng. Liệu những điều chỉnh này sẽ tạo ra sự thay đổi cấu trúc lâu dài hay chỉ là biện pháp tạm thời còn phụ thuộc vào mức độ thực thi chính sách và phản ứng của thị trường", Teodoro kết luận.
Diệp Lâm (theo Seatrade Maritime News)