Đại diện tập đoàn cho biết, những giải pháp đưa ra nhằm tạo nên những sản phẩm gạo sạch, an toàn, khuyến khích sản xuất lúa gạo có chứng nhận và truy xuất rõ ràng về nguồn gốc. Đây là mục tiêu được nêu cụ thể trong "Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030", hướng đến việc giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên vào năm 2025.
Chọn giống kháng bệnh
Các giống lúa mẫn cảm với khí hậu nắng nóng, khô hạn hay ngập mặn rất dễ thu hút sâu bệnh. Trong quá trình canh tác, nông dân thường áp dụng thuốc xịt để chống rầy nâu, sâu cuốn lá vào thời điểm 40 ngày đầu tiên sau khi trồng lúa. Tuy nhiên, tác động của thuốc xịt trong giai đoạn đầu có thể gây ra sự phát triển của sâu bệnh thứ cấp. Như vậy, cần phải có giải pháp chủ động hơn việc sử dụng thuốc.
Hiệu quả nhất là phòng ngừa bằng cách chọn giống kháng bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng và từng mùa vụ ở vùng trồng. Phương pháp quản lý dịch hại này được các chuyên gia đánh giá ít tốn kém, thân thiện với môi trường, đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chẳng hạn, ST25 là giống gạo đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì kháng mặn tốt, khả năng phòng sâu bệnh cao, đặc tính thân cứng cáp, chống bệnh dịch tốt. Bên cạnh việc chọn lọc loại giống để gieo trồng phù hợp, cần chọn mua giống từ nơi uy tín, đảm bảo giống nguyên chủng hoặc giống xác nhận.
Bảo vệ thực vật và quản lý dịch hại an toàn
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) định nghĩa quản lý dịch hại là: "Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp khác khi quần thể dịch hại tới ngưỡng kinh tế nhằm giảm thiểu nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, động vật và môi trường. Khuyến khích cơ chế phòng ngừa dịch hại bằng biện pháp tự nhiên".
Cục Bảo vệ thực vật đưa ra các giải pháp quản lý dịch hại an toàn gồm: tận dụng lợi thế của khí hậu, đất, nước...; bảo tồn thiên địch tự nhiên trên đồng ruộng; biện pháp canh tác như sạ với mật độ phù hợp, luân canh cây trồng; cơ học vật lý gồm bẫy đèn, bẫy màu vàng, làm luống và phủ bạt; các tác nhân phòng trừ, trong đó có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong trường hợp cần thuốc bảo vệ thực vật, nông dân cần có những kiến thức chắc chắn về sản phẩm và cách sử dụng phù hợp.
Tập huấn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm
Nông dân trực tiếp tham gia vào quá trình canh tác và sản xuất trên cánh đồng. Khi hiểu rõ về sản phẩm này, nông dân sẽ đảm bảo được hai yếu tố quan trọng là hiệu quả và an toàn. Mục đích cuối cùng là kiểm soát dịch hại sớm, quản lý dư lượng thuốc ở mức an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cây trồng.
Các buổi tập huấn được tổ chức với mục đích giúp nông dân hiểu rõ hơn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Trong đó xoay quanh nội dung: tác hại của việc lạm dụng thuốc, tuân thủ đúng hướng dẫn về cách sử dụng, liều lượng và thời gian phun xịt, trang bị vật dụng bảo hộ cá nhân, thời gian cách ly...
Là một trong những doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường sản xuất - cung ứng gạo, gạo A An của Tập đoàn Tân Long đang nỗ lực liên kết với nông dân để sản xuất lúa gạo theo phương thức canh tác an toàn, sử dụng có kiểm soát hoặc loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, nhãn gạo này đang tập trung vào các dòng sản phẩm gạo đóng túi chất lượng cao và truy suất nguồn gốc rõ ràng như gạo thơm Jasmine, Japonic, gạo đặc sản Sóc Trăng ST21, ST24, ST25 và một số sản phẩm gạo lúa tôm, organic khác...
Cuối năm 2021, gạo A An giới thiệu sản phẩm gạo ST24 organic dẻo thơm, hàm lượng dinh dưỡng cao; đạt các chứng nhận quốc tế của USDA (Mỹ), EU (châu Âu), COR (Canada), JAS (Nhật Bản). Các chứng nhận được cấp và quản lý bởi Bộ Nông nghiệp và Chính phủ các nước dành cho các sản phẩm vượt qua kiểm định, đạt yêu cầu xanh, sạch, an toàn theo tiêu chuẩn khắt khe của từng quốc gia.
Minh Huy (Ảnh: Tân Long)