Các rủi ro phổ biến khi thiên tai ập đến là chập cháy do dây điện bị đứt, thiết bị điện bị đổ vỡ dẫn đến rò rỉ điện, hoặc hệ thống điện quá tải khi nguồn điện được khôi phục đột ngột. Khi rung lắc mạnh làm đổ cột điện, đứt dây điện trên cao hoặc dây trong nhà bị kéo căng, rơi xuống sàn nhà, khu vực sinh hoạt... Điều này có thể gây nguy hiểm nếu có người vô tình chạm vào hoặc tiếp xúc với vật dễ cháy.
Động đất cũng có thể làm lỏng kết nối tại các ổ cắm điện, công tắc, hộp điện, dẫn đến chập điện, phát sinh tia lửa gây cháy nổ; hay máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng... bị dịch chuyển, đổ nghiêng, gây hư hỏng dây cắm và rò rỉ điện. Ngoài ra, lưới điện có thể bị ngắt đột ngột trong trận động đất, dẫn đến gián đoạn sinh hoạt và tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng điện trở lại.

Các nguy cơ về điện khi xảy ra động đất. Ảnh minh họa: Cadivi
Những sự cố này không chỉ đe dọa tính mạng con người, mà còn làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về tài sản và môi trường. Do đó, nếu hệ thống điện không được lắp đặt đúng tiêu chuẩn hoặc sử dụng dây cáp kém chất lượng, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Các chuyên gia khuyến nghị người dân chủ động kiểm tra hệ thống điện định kỳ, lắp đặt thiết bị bảo vệ và chọn dây cáp điện đạt tiêu chuẩn chất lượng để giảm thiểu rủi ro. Trước tiên, các gia đình cần kiểm tra hệ thống điện định kỳ để đảm bảo luôn trong tình trạng tốt, không có dây điện bị rạn nứt, lỏng lẻo hoặc bị ăn mòn.
Người dân cũng nên sử dụng cầu dao tự động, aptomat chống giật để ngăn chặn nguy cơ chập cháy do dòng điện quá tải hoặc rò rỉ điện. Đồng thời, mỗi thành viên đều nên biết vị trí của cầu dao điện tổng để có thể ngắt điện nhanh chóng khi cần thiết; sử dụng dây buộc hoặc giá đỡ để cố định các thiết bị điện nặng như tủ lạnh, TV, lò vi sóng, máy giặt... tránh bị đổ trong trận động đất.
Bên cạnh đó, việc sử dụng dây cáp điện đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ giúp hạn chế tối đa rủi ro khi xảy ra sự cố. Người dùng không chạm vào ổ điện, dây điện, thiết bị điện, đặc biệt là khi thấy dây điện bị rơi xuống hoặc có tia lửa điện.
Nếu tình huống cho phép và không nguy hiểm, gia đình nên nhanh chóng ngắt cầu dao điện tổng để giảm nguy cơ chập cháy; tránh xa khu vực có dây điện rơi xuống nếu đang ở ngoài trời, tránh xa các cột điện, đường dây điện bị đứt và không tự ý tiếp cận khu vực nguy hiểm. Lúc này, việc sử dụng thang máy cũng gây nguy hiểm vì gây tình trạng kẹt khi ngắt điện đột ngột.

Các biện pháp an toàn điện khi động đất. Ảnh minh họa: Cadivi
Theo đó, sau khi xảy ra động đất, người dân nên thực hiện các bước sau:
Kiểm tra lại hệ thống điện: Trước khi bật lại nguồn điện, kiểm tra xem có dấu hiệu chập cháy, dây điện đứt hay không. Nếu có, không tự ý sửa chữa mà cần nhờ đến thợ điện chuyên nghiệp.
Không bật thiết bị điện ngay lập tức: Các thiết bị có thể bị ảnh hưởng sau động đất, hãy kiểm tra kỹ trước khi sử dụng.
Báo ngay cho công ty điện lực nếu phát hiện sự cố: Nếu thấy dây điện đứt, cột điện nghiêng đổ hoặc bất kỳ nguy cơ nào liên quan đến điện, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng để được xử lý an toàn.
Dùng dây cáp điện đạt chuẩn để hạn chế nguy cơ chập cháy: Đây là một trong những cách hiệu quả để giảm rủi ro về điện sau động đất.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều thiên tai, một hệ thống điện an toàn phụ thuộc vào thiết kế và chất lượng dây cáp điện. Việc sử dụng dây cáp điện đạt tiêu chuẩn an toàn là giải pháp quan trọng để bảo vệ gia đình và cộng đồng, đặc biệt là trong trường hợp động đất.

Sản phẩm dây điện LF và LSHF của Cadivi. Ảnh: Cadivi
Khi chọn lựa dây cáp điện, người dùng nên ưu tiên chất lượng và độ an toàn bởi đây là yếu tố quyết định đến sự bền vững của hệ thống điện trong mọi điều kiện, kể cả khi có động đất. Đồng thời, người dân có thể lựa chọn dây cáp điện sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giúp đảm bảo cuộc sống an toàn và góp phần giảm thiểu rủi ro từ thiên tai.
(Nguồn: Cadivi)