Thanh Huyền -
Ban tổ chức Orange cho biết, việc có một giải thưởng dành riêng cho các cây bút nữ vẫn là điều cần thiết, dù họ hoàn toàn có thể giật giải trong những cuộc cạnh tranh công bằng với nam giới.
Danh sách sơ khảo giải Orange 2008 có tên tiểu thuyết gia Anne Enright với cuốn The Gathering - tác phẩm từng đoạt giải Booker, giải thưởng không phân biệt giới tính - cách đây không lâu. Trong hai năm qua, rất nhiều nữ văn sĩ đã được tôn vinh tại cả giải Booker lẫn Costa.
Nhà văn A. S. Byatt. |
Nhà văn Tim Lott - người khơi mào cho cuộc bút chiến năm nay - cho rằng, việc thành lập giải thưởng chỉ dành riêng cho một giới là điều sai lầm.
"Tôi nghĩ, nó sẽ tạo ra một trò cười. Nếu giả sử có một giải dành riêng cho các nhà văn nam, tôi sẽ không gửi tác phẩm của mình đi dự thi. Làm gì có loại văn chương phụ nữ và văn chương nam giới. Chỉ có văn hay và văn tồi thôi", Lott nói.
Nhà văn A. S. Byatt phát biểu, Orange là giải thưởng văn học mang nhiều thành kiến giới tính nhất. Để bày tỏ sự phản đối, bà cấm nhà xuất bản gửi tác phẩm của mình đến dự thi. "Không việc gì phải cần đến một giải thưởng như thế cả", Byatt nói.
Giáo sư John Sutherland cho rằng, việc phân loại với ý nghĩa quy nhà văn nữ vào thứ hạng thấp kém gây hại cho họ nhiều hơn là thể hiện sự rộng lượng. Anita Brookner, tác giả từng đoạt giải Booker, cũng kiên quyến phản đối sự phân biệt. Bà cũng từng từ chối cho phép tác phẩm của mình dự giải Orange.
Chimamanda Ngozi Adichie - tác giả đoạt giải Orange 2007. |
Tuy nhiên, Harriet Hastings, trưởng ban tổ chức giải Orange, lại tỏ ra coi thường mọi lời chỉ trích. Bà khẳng định, Orange là một giải thưởng mang tầm quốc tế và không có cớ gì để phải xét lại sự tồn tại của nó. "Dù phụ nữ có thể giành được những giải thưởng lớn, giá trị của Orange vẫn là tôn vinh sáng tác của những cây bút nữ".
Bà bác bỏ những ý kiến cho rằng, phụ nữ có thể sẽ la ó nếu tự dưng xuất hiện một giải thưởng dành cho các nam nhà văn. Hastings khẳng định, bản thân bà chào đón sự ra đời của giải thưởng này.
Kirsty Lang, Trưởng Ban giám khảo Orange 2008, thể hiện thái độ bất đồng với những người coi Orange là giải thưởng mang tính phân biệt đối xử. Theo bà, phần lớn độc giả là nữ giới, nên giải thưởng có mục đích thu hút sự chú ý của đối tượng độc giả đông đảo này.
Tuy nhiên, Lang thừa nhận, trong số 120 tác phẩm dự thi năm nay, bà nhận ra khá nhiều "rác", quá nhiều những sáng tác lặp lại đề tài "hồi ức bất hạnh". "Nếu nhà văn nào không có một quá khứ đau đớn, họ sẽ bịa ra. Tác phẩm của họ có quá nhiều cảnh lạm dụng tình dục trẻ em một cách tàn nhẫn", bà nói.
"Các tác phẩm phần lớn được viết từ lăng kính gia đình. Điều này có sao không? Tất nhiên là chẳng sao. Phần lớn độc giả là phụ nữ. Họ thích đọc những tác phẩm phản ánh những trải nghiệm của giới mình. Nhưng tôi hy vọng được đọc các sáng tác đề cập đến những chủ đề rộng lớn hơn", Lang nhận xét.
Muriel Gray, trưởng Ban giám khảo 2007, cũng từng gây ra một cuộc tranh cãi lớn khi đánh giá rằng, các nhà văn nữ chủ yếu khai thác 'chuyện trong nhà' hơn là mở rộng ra các đề tài xã hội.
Năm nay, trong thành phần ban giám khảo có sự tham gia của Lily Allen - một ngôi sao nhạc pop mới 22 tuổi. Thông tin này từng làm dấy lên những nghi ngờ về chất lượng ban giám khảo. Nhưng Lang khẳng định: "Lily Allen thực sự thích đọc sách. Và tôi có thể nói là cô ấy không hề trẻ con hay nhảm nhí. Cô ấy tham gia rất nhiệt tình vào các cuộc trao đổi bằng mail giữa các thành viên Ban giám khảo".
(Nguồn: AFP, Independent)