Ngày 20/7, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay cơ quan này đã hoàn thành giảm mức đóng xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375.000 doanh nghiệp, tương ứng 11,2 triệu lao động, số tiền giảm đóng tạm tính khoảng 4.300 tỷ đồng.
Thời gian giảm đóng áp dụng trong một năm, tính từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022. Theo quy định hiện hành, mức đóng áp dụng 0,5% hoặc 0,3% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp tùy từng nhóm doanh nghiệp. Quỹ này dùng để trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật, phục hồi sức khỏe, hỗ trợ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động...
Đây là một trong 12 chính sách nằm trong gói an sinh 26.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội. Số tiền được miễn, doanh nghiệp phải sử dụng để hỗ trợ người lao động (thuộc đơn vị quản lý) bị ảnh hưởng bởi dịch.
TP HCM là nơi giảm mức đóng lớn nhất cả nước với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu lao động, tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Hà Nội trên 87.000 doanh nghiệp, 1,4 triệu lao động, kinh phí hơn 640 tỷ đồng. Đồng Nai gần 11.000 doanh nghiệp với hơn 750.000 lao động, tương ứng 330 tỷ đồng. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh... thuộc nhóm được hỗ trợ tương đối lớn.
Chính sách thực hiện nhanh, bởi doanh nghiệp thuộc diện thụ hưởng đều nằm sẵn trong hệ thống dữ liệu của ngành bảo hiểm. Cơ quan này đã hoàn tất thủ tục, gửi thông báo số tiền được giảm về cho doanh nghiệp biết từ hôm 16/7.
Chính phủ hôm 1/7 tung gói an sinh 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch. Sau hai mươi ngày, nhiều địa phương đã có kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành dù đã ban hành kế hoạch hỗ trợ cho các nhóm lao động có giao kết hợp đồng, song vẫn "đang nghiên cứu" hình thức hỗ trợ lao động tự do.
Hồng Chiêu