Tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhận được 17 câu hỏi của 16 vị đại biểu liên quan tới 3 nhóm vấn đề là tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, điều hành giá cả và định mức chi ngân sách. Trong đó, hai vấn đề được quan tâm nhất là tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và điều hành giá tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, 9 tháng đầu năm, giải ngân trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp hơn so với kế hoạch. Có 5 nguyên nhân của thực trạng này. Thứ nhất là công tác lên kế hoạch hóa và chuẩn bị dự án chưa tốt, việc xây dựng chưa căn cứ khả năng thực tế của chủ đầu tư.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp chủ đầu tư đăng ký kế hoạch rất cao nhưng khi triển khai thực tế gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, vốn trái phiếu chính phủ được giao từ tháng 7/2006 để thực hiện 1.062 dự án. Song tính đến tháng 10 vừa qua, vẫn còn 457 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa có quyết định xây dựng, thậm chí ngay cả thiết kế kỹ thuật cũng chưa hoàn thiện nên không triển khai được.
Ở một số dự án, việc giải phóng mặt bằng chậm. Có một số dự án đã duyệt từ trước, tới thời kỳ thực hiện giá vật liệu tăng nên phải kiểm tra, phê duyệt lại tổng mức đầu tư khiến quá trình thực hiện cũng bị chậm lại.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, để khắc phục thực trạng giải ngân chậm chạp trên, Bộ đã ban hành sửa đổi 5 thông tư hướng dẫn về giải ngân vốn đầu tư. Một trong những giải pháp là tin học hóa việc thanh toán vốn đầu tư, thực hiện giao dịch thông qua cổng điện tử của kho bạc Nhà nước để thúc đẩy giải ngân. Quy định cơ chế tạm ứng trong vòng 5 ngày và thanh toán trong vòng 7 ngày.
Theo kế hoạch năm 2007, huy động vốn trái phiếu chính phủ phải đạt 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên Bộ trưởng cho biết, do giải ngân chậm nên chính phủ điều chỉnh xuống còn 16 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 10, đã huy động được 7.996,6 tỷ đồng và đã giải ngân 7.492,8 tỷ đồng, đạt 93,7%. Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ thực hiện giải ngân đến đâu, huy động tới đó, không để đọng vốn quá nhiều.
Ngoài vấn đề về giải ngân vốn xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng giải đáp nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm tăng tới 8,12%. Trong đó, ông nhấn mạnh vào các nguyên nhân như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiên tai diễn biến phức tạp, thu nhập của dân cư tăng...
Do thời gian không đủ, nên trong chiều nay, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh mới trả lời chất vấn bằng văn bản. Sáng mai, ông sẽ trả lời trực tiếp từ các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.
Ngay trong chiều nay, 3 đại biểu đã nêu câu hỏi trước với Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Trong đó, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết ở Lạng Sơn có hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của Bộ Tài chính về giải ngân khống trong đề án 112.
Đại biểu Đặng Văn Xướng, Long An thì đề nghị Bộ trưởng phân tích kỹ hơn về vai trò quản lý Nhà nước trong việc bình ổn giá tiêu dùng thời gian qua. Ngoài ra, ông Xướng cũng thắc mắc vì sao sau khi Bộ Tài chính giảm thuế 18 mặt hàng, một số mặt hàng vẫn không giảm giá. Bộ sẽ xử lý thế nào đối với các doanh nghiệp cam kết giảm giá mà không giảm.
Cũng liên quan tới vấn đề giá cả, đại biểu Trần Văn Kiệt ở Vĩnh Long cho rằng, ở một số nước như Trung Quốc, Malaysia cũng bị tác động bởi giá thế giới như VN, nhưng CPI chỉ 4-5%. Việc CPI 10 tháng đầu năm lên tới 8,12% có phải do chủ quan của các cơ quan chức năng hay là do sức đề kháng của nền kinh tế còn kém?
Hà Vy