Trên các trang mạng nhan nhản thông tin mở các khóa học về Thần số học, lan tỏa "môn" này với nhiều nội dung phi thực. Như vậy có phải mê tín dị đoan không? Nếu có thì biện pháp chế tài là gì và cơ quan nào xử lý?
Độc giả Tuyết Hoa
Luật sư tư vấn
Theo Từ điển của nhà xuất bản đại học Cambridge thì Thần số học, tạm dịch và có thể hiểu là một môn hoặc một trường phái nghiên cứu về các con số.
Mỗi người sẽ có một con số đại diện cho mình, được tính toán và xác định dựa trên ngày sinh. Từ các con số ấy, mỗi chúng ta có thể luận giải về đường đời, hiểu rõ hơn các kiểu hành vi của chính mình và những người xung quanh, cũng như tính chất về mối quan hệ (tương hỗ, xung khắc...) giữa những con người có những con số đại diện khác nhau khi đặt trong một mối liên hệ nhất định (như quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, sếp - nhân viên, bạn làm ăn...).
Theo Từ điển Tiếng Việt do Viện Khoa học và xã hội vùng Nam Bộ, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam phát hành, thì "mê tín" là động từ chỉ một ai đó "tin một cách mù quáng" vào một điều gì đó; còn "dị đoan" là danh từ chỉ "những điều tin tưởng lạ lùng".
Như vậy, có thể thấy, Thần số học là một môn, một trường phái nghiên cứu (tuy có quan điểm cho rằng đây là một trường phái "ngụy khoa học"); còn "mê tín, dị đoan" là một kiểu niềm tin mù quáng, tin vào những điều lạ lùng, không có cơ sở khoa học.
Nói cách khác, nếu lạm dụng niềm tin vào các con số để tự huyễn hoặc về tương lai hay tự bi quan hóa số phận một cách thái quá thì có thể đã vượt qua ranh giới của Thần số học (là một môn, một trường phái nghiên cứu) để rơi vào thế giới của mê tín, dị đoan (là hành vi vi phạm pháp luật).
Còn về mặt pháp lý, hiện chưa có văn bản nào định nghĩa hay xác định "mê tín, dị đoan" là gì. Nhưng nếu xét về hành vi thì việc tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan có thể bị xử phạt khá nặng, từ 15 đến 20 triệu đồng (điểm đ, khoản 7 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo).
Ví dụ, việc tổ chức các lớp học về thần số học, nhưng thực chất lại là việc lợi dụng để thao túng, tác động đến tâm lý, niềm tin của người học, làm cho người học bị hiểu sai, hoặc tin một cách mù quáng vào những điều viển vông, không có cơ sở sẽ bị xử lý về mặt hành chính.
Về mặt hình sự, theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự thì những ai "dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác" đã bị xử lý về mặt hành chính mà vẫn tiếp tục có hành vi này thì ngoài việc có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, còn có thể bị phạt tù lên đến 10 năm (nếu làm chết người hoặc có thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Như vậy, tôi cho rằng, mỗi cá nhân cần chủ động, biết tự kiểm soát hành vi, tự kiểm soát thông tin mà mình tiếp nhận để tránh bị rơi vào hoàn cảnh bị lừa dối bởi những hoạt động mê tín, dị đoan thường được tổ chức dưới những hình thức rất tinh vi (như lớp học, tour du lịch...) để tránh thiệt hại cho chính bản thân mình và cho những người thân.
Còn với những người nghiên cứu, phổ biến môn Thần số học, cũng nên tự đặt ra cho mình những giới hạn nhất định trong việc phổ biến kiến thức về môn học, giúp người học định hướng được việc sử dụng kiến thức một cách tích cực. Tránh những hành động nhằm lợi dụng niềm tin của người học để trục lợi, gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại đến tài sản cho người học và ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Luật sư Ngô Quí Linh
Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Mai Đăng Khang