Nghiên cứu này thực hiện từ năm 2009 đến 2010 ở phường Phương Mai (quận Đống Đa) và xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), thuộc Hà Nội. Kết quả vừa được công bố cho thấy trong số 966 người trên 60 tuổi tham gia khảo sát có đến 12,8% suy giảm trí tuệ do tai biến mạnh máu não, nguyên nhân thứ hai là đái tháo đường (9,2%). Cứ sau 5 năm, tỷ lệ người bị suy giảm trí tuệ tăng 1,5 đến 2 lần.
Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, người cao tuổi có tiền sử tai biến mạch máu não, đái tháo đường là nhóm nguy cơ số một bị suy giảm trí nhớ. Bệnh xu hướng tăng dần theo tuổi tác. Một nghiên cứu trên 2.000 người cao tuổi ở Italy năm 2009 cũng cho thấy 13,5% các cụ tuổi 80-84 gặp vấn đề về trí nhớ, trong khi đến 30,8% người tuổi 85-89 mắc tình trạng này. Đến 52,8% cụ trên 94 tuổi bị suy giảm trí nhớ, trong khi tuổi 90-94 có tỷ lệ 39,5% người bị lẫn.
Suy giảm trí nhớ thường gặp ở người ngoài 60 tuổi khi cơ thể sản sinh ra nhiều gốc tự do. Gốc tự do làm xơ hóa các bao myelin và các đầu sợi trục tế bào thần kinh, khiến liên kết giữa các tế bào này với nhau bị giảm cả về số lượng và chất lượng, từ đó các chức năng não dần rối loạn và gây suy giảm trí nhớ. Hệ quả là người bệnh suy giảm khả năng nhận thức, ngôn ngữ, hành vi ứng xử… Về lâu dài, 10% trường hợp bị suy giảm trí nhớ có thể chuyển thành Alzheimer - bệnh sa sút trí tuệ phổ biến gây tử vong.
Nguy cơ suy giảm trí nhớ thường cao trội đối với người già bị tai biến mạch máu não ở một số vùng điều khiển trí nhớ như hệ viền, hồi hải mã, đồi thị, đặc biệt là vùng thái dương và não… Bệnh nhân bị đái tháo đường lâu ngày làm tổn thương mạch máu cũng có nguy cơ đãng trí.
Nhóm nguy cơ thứ hai bị suy giảm trí nhớ, theo bác sĩ Hùng, là những người thường gặp stress trong cuộc sống hoặc lạm dụng rượu bia. Thường đây là nhóm người trong độ tuổi lao động và tuổi đời còn rất trẻ. Áp lực cuộc sống hiện đại được cho là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ người trẻ bị suy giảm trí nhớ. Báo cáo công bố đầu tháng 9 năm nay của Hiệp hội Alzheimer cho biết, có 42.325 người trẻ Anh trong độ tuổi từ 30 đến 65 bị sa sút trí tuệ khởi phát sớm (Young Onset Dementia - YOD), chiếm 5% tổng số người Anh mắc bệnh này. Khoảng 10% trường hợp liên quan đến rượu và 12% do gia đình có tiền sử bệnh. Tại Mỹ, con số người trẻ mắc bệnh khoảng 200.000, chiếm tỷ lệ 4-10% trường hợp mất trí nhớ ở nước này. Việt Nam, chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ người trẻ hay quê, song ước tính 20-30% người mắc bệnh suy giảm trí nhớ trong độ tuổi dưới 35.
Giải thích điều này, bác sĩ Hùng cho rằng stress kéo dài cùng với thói quen sử dụng bia rượu, ngủ không đủ giấc… khiến cơ thể tăng cường sản sinh các gốc tự do gây hại cho tế nào não. Duy trì những thói quen xấu này thường xuyên, người trẻ dễ bị suy giảm trí nhớ và mắc các chứng bệnh sa sút trí tuệ nguy hiểm khi về già.
Thanh thiếu niên chịu nhiều áp lực học tập, đặc biệt khi gần đến kỳ thi, cũng dễ gặp tình trạng này. Đây là nhóm người dưới 18 tuổi có thể gặp nguy cơ suy giảm trí tuệ nếu không biết sắp xếp lịch học tập và chế độ ăn uống dinh dưỡng một cách khoa học. Theo Phó giáo sư, bác sĩ Vũ Anh Nhị, áp lực bài vở và căng thẳng bởi áp lực thành tích thường gây nên bệnh hay quên, đi kèm mất tập trung ở lứa tuổi học sinh sinh viên. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến lứa trẻ lâm vào tình trạng lẫn sớm, tư duy chậm, mất dần tính sáng tạo, học trước quên sau, trầm cảm...
Ngoài ra, những người bị chấn thương sọ não, u não, nhiễm trùng não, tràn dịch não áp lực, rối loạn nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa hoặc sử dụng chất kích thích, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm... cũng có nguy cơ cao bị suy giảm trí nhớ. Người béo phì, có thói quen sử dụng thức ăn nhanh, đồ chiên xào, nước ngọt, lười tập thể dục, sử dụng thuốc an thần, ma túy... cũng dễ gặp vấn đề về trí nhớ.
Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 4 trên tạp chí Brain, thanh thiếu niên béo phì có nguy cơ khởi phát sớm bệnh sa sút trí tuệ cao gấp 2,7 lần và bệnh suy giảm nhận thức ở thể nhẹ, nhiều hơn 3,6 lần so với bình thường. Nghiên cứu này của Giáo sư Jenny Nyberg, Đại học Gothenburg (Thụy Điển), thực hiện trên 1,1 triệu thanh niên trên 18 tuổi.
Minh Tân