Khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ quy định: vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con, tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần.
Việc một bên ngoại tình (vi phạm chế độ một vợ một chồng) không là căn cứ để tước quyền nuôi con của người đó. Tuy nhiên, tòa sẽ có xem xét đến yếu tố liệu hành vi ngoại tình của cha mẹ có ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần của trẻ hay không. Nhất là trong trường hợp cả hai bên đều có đủ điều kiện về vật chất và thời gian để chăm sóc, nuôi dưỡng con thì đây cũng là yếu tố quan trọng để tòa án quyết định giao con cho bên nào.
Câu 6: Người ngoại tình không được chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.