"Pan-pan" (thông báo khẩn về tình huống cấp bách) hay "squawk" (thông báo chọn mã tiếp sóng) chỉ là vài ví dụ về ngôn ngữ đặc biệt của các phi công, bất kể họ mang quốc tịch gì.
Ngôn ngữ của những chuyến bay gồm khoảng 300 từ kết hợp cả những biệt ngữ chuyên nghiệp lẫn tiếng Anh thông thường, được gọi là Aviation English (Tiếng Anh hàng không). Ngôn ngữ này được tạo ra để tránh lỗi giao tiếp giữa phi công và nhân viên kiểm soát không lưu, hạn chế rủi ro hay các tai nạn chết người.
Những bài học đắt giá
Thực tế, một trong những tai nạn thảm khốc nhất của lịch sử hàng không đã xảy ra do phi công và nhân viên kiểm soát không lưu không hiểu ý nhau.
Năm 1977, một cơ trưởng người Hà Lan đang chuẩn bị cho máy bay khởi hành đến Tenerife, thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Cơ trưởng thông báo với trạm kiểm soát không lưu: "We are at take-off" (Chúng tôi đang ở điểm cất cánh).
Thông điệp này bị hiểu nhầm, cộng thêm điều kiện thời tiết xấu, nên nhân viên kiểm soát không lưu không thể thấy hai chiếc máy bay đang đâm thẳng vào nhau trên đường băng. Vụ va chạm khiến 583 người thiệt mạng.
Năm 1990, chuyến bay mang số hiệu 52 của hãng Avianca lao thẳng xuống bờ biển New Jersey, Mỹ từ độ cao hơn 11.200 m. 73 trong tổng số 158 hành khách có mặt trên máy bay tử vong. Các nhà điều tra tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra do phi hành đoàn không thể báo với trạm kiểm soát không lưu rằng họ đã hết nhiên liệu.
Ngày 12/11/1996, chiếc máy bay Boeing 747 của hãng Saudi Arabian Airlines va chạm trên không với máy bay Ilyushin Il-76 của hãng Air Kazakhstan phía trên làng Charkhi Dadri, tây New Delhi, Ấn Độ. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 349 người, do phi công hai bên không thể hiểu nhau.
Theo Telegraph, một vụ va chạm từng xảy ra tại sân bay Charles de Gaulle, Paris, Pháp khiến hai người thiệt mạng cũng vì bất đồng ngôn ngữ. Một phi hành đoàn nói tiếng Pháp đã cho máy bay di chuyển tới cùng một điểm với một máy bay khác, mà phi công trên đó chỉ nói tiếng Anh.
Sau rất nhiều vụ tai nạn khác, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) chỉ định tiếng Anh nên được dùng làm ngôn ngữ quốc tế của ngành hàng không vào năm 2008. Mặc dù tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất, tuy nhiên trước đó chưa có tiêu chuẩn tối thiểu nào cho người trong ngành.
Theo đó, các phi công và nhân viên kiểm soát không lưu phải có hiểu biết cơ bản về thứ ngôn ngữ này. Mặc dù được hiểu là tiếng Anh hàng không, song ngôn ngữ này không hề giống thứ tiếng Anh phổ thông nhiều người vẫn sử dụng.
"Học cách giao tiếp qua bộ đàm máy bay là một trong những phần khó nhất khi học bay, những phi công mới vào nghề phải ghi chép và trải qua nhiều bài kiểm tra thực hành để chứng minh kỹ năng của mình", theo trang blog Oxford Dictionary.
Henry Emery, cố vấn hàng không người Anh, nhận định rằng tiếng Anh hàng không có thể không hữu dụng trong tất cả trường hợp và cũng không đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ cao siêu.
Tuy nhiên, những từ chuyên ngành này có thể đảm bảo phi công đủ khả năng xử lý và giao tiếp với trạm kiểm soát không lưu trong những trường hợp khẩn cấp. "Ví dụ, khi một phi công Uzbekistan gặp sự cố trong không phận Peru, anh ta hoàn toàn có thể hiểu chỉ dẫn của bộ phận mặt đất", ông Henry diễn giải.
Một đoạn quảng cáo hài hước về sự cố giao tiếp trong ngành hàng hải. Video: YouTube.
Giải mã những gì phi công nói
Phi công cần phải vượt qua những bài kiểm tra ngôn ngữ "khó nhằn" để điều khiển những chuyến bay an toàn, tuy nhiên ngôn ngữ hàng không liên tục thay đổi.
Để hiểu được ngôn ngữ của phi công, bạn phải biết bảng chữ cái quốc tế, trước khi bắt đầu học một danh sách từ vựng bạn có thể đã nghe thấy trên chuyến bay nào đó. Dưới đây là mốt số ít trong danh sách khoảng 300 từ của tiếng Anh hàng không.
Affirm: Khi phi công muốn xác nhận là "Có".
Approach: Chuẩn bị hạ cánh.
Deadhead: Từ này chỉ một người thuộc phi hành đoàn đang ngồi ghế hành khách trên máy bay, để tới một sân bay khác làm nhiệm vụ. Người này có thể là phi công hoặc tiếp viên, họ sẽ không làm việc trên chuyến bay đó.
MEL – Minimum Equipment List: Thông báo một thiết bị cụ thể trên máy bay hỏng hóc, nhưng không ảnh hưởng đến sự an toàn của máy bay. Thiết bị đó có thể là máy pha cà phê, lò vi sóng...
Mayday: Đây là một trong những từ hành khách không muốn nghe nhất khi đi máy bay. Phi công chỉ dùng biệt ngữ này để thông báo cho những trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đến tính mạng, như động cơ hỏng hoàn toàn, hỏa hoạn trên máy bay...
Pan-pan: Biệt ngữ này được dùng trong trường hợp cấp bách nhưng không gây nguy hiểm tính mạng như mayday. Từ này có gốc từ tiếng Pháp, "panne", có nghĩa là hỏng hóc. Phi công sẽ nói "pan-pan" ba lần khi cần báo cáo.
Roger: Từ này có nghĩa là "đã nhận tin nhắn", nhưng không có nghĩa là phi công sẽ thực hiện theo chỉ định.
Squawk: Phi công thường nói từ này khi chọn hệ thống tiếp sóng, nhờ vậy trạm kiểm soát không lưu có thể xác định vị trí máy bay trên radar.
Standby: Từ này có nghĩa là "Xin hãy đợi", thường được nhân viên kiểm soát không lưu dùng khi quá bận để nhận tin nhắn từ phi công.
Wilco: Đây là từ nói tắt của cụm "will comply", cho thấy phi công đã nhận tin nhắn và sẽ thực hiện theo chỉ thị.