Câu hỏi lớn được đặt ra là "Ai dễ phát triển các di chứng? Có phải một số F0 có nguy cơ gặp vấn đề thần kinh, nhận thức, thể chất cao hơn người khác hay không?".
Nhóm nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, đã theo dõi hồ sơ sức khỏe của hơn 200 bệnh nhân trong hai đến ba tháng sau nhiễm nCoV để xác định liệu đặc điểm sinh học có liên quan đến Covid-19 kéo dài hay không. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 25/1 trên tạp chí Cell. Các nhà khoa học phát hiện 4 yếu tố cơ bản để xác định sớm F0 có dễ gặp di chứng hay không. Phát hiện mới có thể đặt nền móng cho việc ngăn ngừa hoặc điều trị, phát triển thuốc kháng virus.
Yếu tố đầu tiên là mức độ RNA của nCoV trong máu ở giai đoạn nhiễm bệnh - đây là chỉ số đo tải lượng virus.
Yếu tố thứ hai là một số kháng thể tấn công nhầm vào mô người, tình trạng tương tự người bị lupus và viêm khớp dạng thấp.
Yếu tố thứ ba là sự tái hoạt động của virus Epstein-Barr. Virus lây nhiễm cho gần như mọi người khi còn là trẻ nhỏ, sau đó chúng chuyển sang trạng thái ngủ đông.
Yếu tố cuối cùng là F0 mắc tiểu đường type 2. Dù vậy, trong các nghiên cứu lớn hơn, chuyên gia cho rằng tiểu đường chỉ là một trong số nhiều tình trạng bệnh lý dễ dẫn đến Covid-19 kéo dài.
Steven Deeks, giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, nhận định lý thuyết mà các chuyên gia đề cập đều hợp lý về mặt sinh học, phù hợp với quan điểm mà các nhà khoa học khác theo đuổi.
Jim Heath, chủ tịch của Viện Sinh học Hệ thống, thanh tra chính của nghiên cứu, cho biết: "Khi đã có cách nhận biết, chúng ta sẽ dễ tìm được phương pháp xử lý hơn. Chúng tôi thực hiện phân tích vì biết một lúc nào đó, bệnh nhân sẽ đến gặp bác sĩ và nói họ mệt mỏi. Bác sĩ chỉ có thể khuyên họ nên ngủ nhiều hơn. Lời khuyên này không hữu ích cho lắm. Vì vậy chúng tôi thực sự muốn hiểu các đặc điểm bệnh và thừa nhận sức khỏe bệnh nhân không ổn".
Nghiên cứu mới chia thành nhiều giai đoạn, có sự tham gia của hàng chục nhà khoa học. Nhóm tình nguyện viên chính gồm 209 người, tuổi từ 18 đến 89, nhiễm nCoV trong năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Họ thăm khám tại Trung tâm Y tế Thụy Điển hoặc một phòng khám liên kết. Nhiều người phải nhập viện vì nhiễm trùng cấp tính, song chỉ được xem là bệnh nhân ngoại trú.
Các nhà khoa học phân tích mẫu máu, dịch mũi khi bệnh nhân được xác nhận dương tính và giai đoạn hai đến ba tháng sau cấp tính. Họ khảo sát bệnh nhân về 20 triệu chứng Covid-19 kéo dài, bao gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở... thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử.
Theo tiến sĩ Heath, 37% bệnh nhân gặp ba di chứng trở lên sau ba tháng nhiễm bệnh. 24% có một đến hai triệu chứng. 39% không gặp vấn đề sức khỏe nào. Ở nhóm bệnh nhân gặp ba triệu chứng trở lên, 95% có ít nhất một trong 4 yếu tố sinh học được xác định ở trên.
Yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất dường như là kháng thể tấn công nhầm vào mô người, chiếm hai phần ba số trường hợp Covid-19 kéo dài. Các yếu tố còn lại xuất hiện ở khoảng một phần ba trường hợp.
Để chứng thực kết luận này, tiến sĩ Helen Chu tại Đại học Washington cùng các đồng nghiệp, đã thực hiện thêm một nghiên cứu độc lập trên 100 bệnh nhân. Nhiều người có triệu chứng cấp tính nhẹ. Họ thu được kết quả tương tự. Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch Đại học Yale, cho biết: "Đây là nghiên cứu lớn và toàn diện, là một nguồn tài nguyên tuyệt vời trong lĩnh vực Covid-19 kéo dài".
Tiến sĩ Avindra Nath, trưởng ban nhiễm trùng hệ thần kinh tại Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia, cho rằng nghiên cứu vẫn còn điểm hạn chế. Bệnh nhân chỉ được theo dõi trong hai đến ba tháng. "Đây là khoảng thời gian quá ngắn. Một số chỉ đang phục hồi tự nhiên theo thời gian", ông giải thích.
Tiến sĩ Iwasaki lưu ý 71% bệnh nhân trong nghiên cứu đã phải nhập viện. Do đó, ở người có triệu chứng ban đầu nhẹ, chưa thể kết luận yếu tố sinh học liên quan đến di chứng sau này. Theo một số chuyên gia, người có tải lượng virus cao thường dễ bị Covid-19 kéo dài. Vì vậy, sử dụng thuốc kháng virus ngay sau khi được chẩn đoán nhiễm bệnh có thể ngăn ngừa tình trạng này.
"Ai loại bỏ virus càng nhanh thì càng ít khả năng phát triển triệu chứng dai dẳng hoặc bệnh tự miễn", tiến sĩ Iwasaki nói.
Tiến sĩ Nath cũng chú ý đến yếu tố virus Epstein-Barr. Thực tế, khá nhiều bệnh truyền nhiễm đã đánh thức loại virus này. Nó gây ra hội chứng mệt mỏi mạn tính, giống với Covid-19 kéo dài và bệnh đa xơ cứng. Tiến sĩ Deeks cho biết có thể tiêm thuốc kháng virus hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch với những bệnh nhân gặp tình trạng virus Epstein-Barr tái hoạt động.
Một số chuyên gia cho rằng người gặp vấn đề hô hấp kéo dài có nồng độ hormone cortisol thấp, có thể điều trị hiệu quả bằng các liệu pháp thay thế cortisol.
Tiến sĩ Heath chỉ ra rằng triệu chứng thần kinh kéo dài là do máu của một số F0 chứa hàm lượng protein cao liên quan đến chu kỳ ngủ thức. Theo tiến sĩ Deeks, mức trung hòa của kháng thể thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến di chứng. "Nếu không có phản ứng kháng thể tốt, bạn không thể loại bỏ được virus. Bạn có nhiều virus trong cơ thể, từ đó dẫn đến Covid-19 kéo dài", ông nói.
Thục Linh (Theo NY Times)