HLV Tan Cheng Hoe tạo ấn tượng mạnh với chiến thuật nhất quán và hiệu quả cho Malaysia. Ảnh: Đức Đồng. |
Phong cách trái ngược
Dưới thời HLV Park Hang-seo, Việt Nam thường chơi với đội hình thấp, nhường quyền kiểm soát bóng, kéo đối thủ ra xa khung thành trước khi trừng phạt họ bằng các pha phản công nhanh hoặc những đường chuyền ra sau lưng hàng thủ. Nhà cầm quân Hàn Quốc từng nói triết lý của ông thực chất là chẳng có triết lý nào cả, bởi điều duy nhất ông quan tâm là: "Làm thế nào để chiến thắng".
Malaysia thì ngược lại. Họ luôn muốn kiểm soát đối thủ và kiểm soát trận đấu. Đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe hiếm khi lùi sâu và chờ đối phương tấn công, mà phải chủ động kiểm soát bóng bằng những pha di chuyển tam giác và những đường chuyền ngắn. Lựa chọn này làm CĐV của Malaysia rất thích thú. Truyền thông Đông Nam Á đang gọi cách đá ấy là "lối chơi của Tan Cheng Hoe", để so sánh với "Sarri-ball" - thuật ngữ nói về lối chơi ưu tiên tấn công mà HLV Maurizio Sarri đang triển khai ở Chelsea.
Tính đến trước các trận chung kết, Malaysia luôn vượt trội về thời gian kiểm soát bóng. Trận bán kết lượt về với Thái Lan là lần duy nhất họ giữ bóng ít hơn đối thủ, nhưng ngoại lệ này phần nhiều xuất phát từ thực tế rằng đội quân của HLV Tan Cheng Hoe chỉ cần bảo vệ tỉ số 2-2 trong 15 phút cuối. Trái lại, Việt Nam chỉ kiểm soát bóng nhiều hơn ở trận đấu với Lào và Campuchia - những đối thủ quá yếu. Ở trận gặp Malaysia tại vòng bảng, các học trò của Park Hang-seo chỉ giữ bóng 39%.
Sơ đồ và cách vận hành của Malaysia
Tương tự Philippines, sơ đồ cơ sở của Malaysia ở AFF Cup 2018 cũng là 4-4-2. Nhưng do sơ đồ chiến thuật thường chỉ có tính tham khảo, do các vị trí ở đó không ngừng di chuyển. Bởi vậy, chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội nhìn rõ hình dạng 4-4-2 của Malaysia, trừ những lúc họ lùi xuống và thiết lập được thế trận phòng ngự tương đối ổn định.
Khác với Việt Nam thường để đối phương dẫn bóng tới giữa sân rồi mới bắt đầu pressing (mid-block), Malaysia tổ chức vây ráp từ sớm, ngay cả khi bóng đang được đối phương triển khai ở hàng hậu vệ. Định hướng pressing của họ như tấm hình dưới đây:
Một tiền đạo Malaysia sẽ gây sức ép với hai trung vệ, một tiền đạo khác lùi xuống để "phủ bóng" một tiền vệ trung tâm của đối phương (khối tam giác màu xám). Lúc này, các lựa chọn chuyền bóng lên phía trên của trung vệ Thái Lan đều đã bị chặn hoặc đang chịu sức ép. Nếu không muốn đá dài lên, giải pháp duy nhất là chuyền về cho thủ môn để xoay sang phía đối diện. Nhưng nếu trung vệ Thái Lan chuyền về, tiền đạo của Malaysia sẽ dâng lên ngay. Và khi bóng đến được chân của trung vệ Thái Lan, rất có thể anh ta sẽ phải chịu sức ép còn kinh khủng hơn.
Đó là khi Malaysia không có bóng. Còn khi có bóng, hai tiền vệ cánh của họ sẽ được đẩy lên rất cao, thường là ngang với các tiền đạo. Một trong hai tiền đạo, đa phần là Norshahrul Idlan Talaha, cầu thủ mang áo số 9, sẽ lùi xuống chơi như một tiền vệ.
Hình ảnh trên, cắt từ trận gặp Việt Nam ở vòng bảng, là điều rất thường thấy khi Malaysia lên bóng. Hai tiền vệ cánh và tiền đạo của họ sẽ dâng cao và "ghim" các hậu vệ. Khi đó, giữa hàng hậu vệ và tiền vệ của đối thủ sẽ xuất hiện một khoảng trống khá lớn, và đấy chính là không gian hoạt động ưa thích của Talaha. Tiền đạo 32 tuổi này là nhân tố quan trọng bậc nhất trong cách vận hành của Malaysia. Chính anh là người tạo ra các "tam giác" như HLV Tan Cheng Hoe đã nói, dưới đây:
Malaysia rất mạnh trong các pha tấn công biên. Nhưng tấn công biên về cơ bản là lựa chọn thiếu ổn định (một pha tấn công biên muốn hiệu quả phải nhanh, gọn, và khả năng bóng chuyển sang quyền sở hữu của đối phương sau các quả tạt luôn là rất cao). Bởi vậy, Malaysia cần một người đóng vai trạm trung chuyển bóng ở trung lộ như Talaha để có thể phát triển bóng một cách ổn định. Như trong tình huống dưới đây, việc Talaha lùi xuống sâu để nhận và giữ bóng đã giúp cho hậu vệ cánh phải của họ đủ thời gian để dâng cao như một tiền vệ cánh phải, trong khi tiền vệ cánh phải thì lùi vào trong chơi như một tiền đạo:
Ngoài ra, trong vai trò của một cầu thủ tự do, Talaha sẽ liên tục di chuyển về hướng bóng để tạo ra các tình huống nhiều đánh ít (overload). Với các HLV thuộc trường phái kiểm soát, việc tạo ra các tình huống nhiều đánh ít ở những vị trí quan trọng (tuyến giữa hoặc những khu vực tấn công trọng điểm, với Malaysia là ở hai biên) là một nhiệm vụ bắt buộc. Và có thể nói là Talaha đã làm rất tốt nhiệm vụ này.
Tình huống trên là một ví dụ. Trong một thế trận "bình thường", tiền vệ cánh trái và hậu vệ cánh trái của Malaysia sẽ phải đối mặt với hậu vệ phải và tiền vệ phải của Thái Lan. Nhưng sự xuất hiện kịp thời của Talaha và cả Zaquan đã giúp Malaysia tạo được thế 4 đánh 3; ở sát đường biên dọc, hậu vệ trái của họ - người tự do (freeman) - đã sẵn sàng nhận bóng giữa một khoảng trống lớn và hầu như không phải chịu sức ép tức thời nào.
Vũ khí đánh biên của Malaysia
Không có gì khó hiểu khi Malaysia lựa chọn tấn công biên làm vũ khí chính. Họ có những tiền vệ cánh rất nhanh và khéo, nhất là cầu thủ nhập tịch Sumareh (số 13, chơi ở cánh phải). Họ cũng có những hậu vệ biên tấn công tốt, luôn sẵn sàng lao lên để thực hiện các pha chồng cánh. Hậu vệ phải Safari thậm chí còn ghi được bàn thắng trong trận bán kết lượt về với một cú sút xa đẹp mắt từ ngoài vòng cấm. Bàn thắng đó, được ghi sau một pha phối hợp từ thủ môn, bóng cũng qua chân Talaha ở trung lộ trước khi tới Safari, cũng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc lên bóng ổn định ở trung lộ với những pha tấn công biên. Đó là những khái niệm mà có lẽ với nhiều người là không liên quan gì tới nhau.
Trở lại với vũ khí đánh biên của Malaysia. Theo quan sát của VnExpress từ vòng bảng, Malaysia có khá nhiều "bài" tấn công biên. Một trong đó, như đã nói, là sử dụng Talaha để tạo ra các tình huống nhiều đánh ít. Cầu thủ mang áo số 9 sẽ xuất hiện để giữ chân đối thủ, để một trong hai cầu thủ tấn công biên còn lại (tiền vệ hoặc hậu vệ) trở thành "người tự do". Hoặc chính Talaha sẽ đóng vai "người tự do", tranh thủ lẻn vào khoảng trống khi hậu vệ biên và tiền vệ biên của Malaysia đang phối hợp với nhau, như trong tình huống dưới đây ở trận gặp Thái Lan:
Việc sở hữu một cầu thủ nhập tịch gốc châu Phi như Sumareh trong đội hình giúp cho những bài tấn công biên của Malaysia trở nên rất nguy hiểm và khó lường. Sumareh là mẫu cầu thủ toàn năng. Anh có thể một mình cầm bóng đột phá qua hai, ba cầu thủ đối phương. Anh cũng có thừa tốc độ và thể lực để chiến thắng trong những cuộc đua tốc độ. Và Sumareh cũng sở hữu khả năng tì đè, có thể giữ bóng đủ lâu trong khi chờ các đồng đội dâng lên chiếm khoảng trống, như tình huống trên.
Tùy vào thời điểm, Malaysia sẽ có những cách riêng để khai thác những điểm mạnh của Sumareh. Ở trận vòng bảng, hệ thống phòng ngự của Việt Nam cũng không ít lần được "trải nghiệm" sự nguy hiểm của cầu thủ này.
Trong tình huống trên, tiền vệ của Malaysia khi cảm thấy không thể xuyên phá được tuyến phòng ngự của Việt Nam đã quyết định đổi chiến thuật. Anh ta phất một đường bóng dài ra sau lưng hàng phòng ngự để Sumareh đua tốc độ.
Lợi thế hơn về nhiều mặt (tốc độ tốt hơn, xuất phát sớm hơn), Sumareh cuối cùng là người có được bóng. Anh không vội vàng tạt vào trong, mà chờ đợi các đồng đội chiếm được các vị trí tốt. Và khi phát hiện Safari đang băng xuống rất nhanh sẵn sàng cho một pha chồng biên, cầu thủ gốc Gambia đã thả một quả bóng thuận lợi để hậu vệ mang áo số 4 đưa vào trong. Ở thời điểm nhận bóng, tốc độ của Safari là rất cao (do xuất phát sớm), nên các hậu vệ ở cánh của Việt Nam gần như trở tay không kịp và đành phải phó mặc cho các trung vệ ở phía trong.
Những pha chồng biên giữa Safari và Sumareh chính là một "đặc sản" của Malaysia. Có nhiều tình huống Sumareh là người chuyền bóng để Safari băng xuống và tạt (hoặc căng ngang), như tình huống trên. Cũng có nhiều tình huống, Safari lại co vào trong nhận bóng, còn Sumareh là người di chuyển dọc biên, như dưới đây:
Trong pha bóng này, Malaysia chỉ cần hai cầu thủ, nhưng vẫn có thể đánh bại ba cầu thủ của Việt Nam. Quả tạt sớm sau đó của Sumareh đã đưa bóng đi cắt ngang khung thành một cách rất nguy hiểm. Các hậu vệ nói chung rất ngại những pha căng ngang như thế. Và thực tế trong tình huống trên, suýt chút nữa Trọng Hoàng đã phá thẳng bóng về lưới nhà.
Trong trường hợp đối thủ tập trung sự chú ý ở biên, tin rằng các cầu thủ của Malaysia sẽ phối hợp với nhau rồi tạt vào, họ có thể có sự lựa chọn khác. Đó là chuyền sớm vào trung lộ. Như đã nói ở trên, tiền đạo Talaha thường xuyên lùi xuống để nhận và điều tiết bóng. Nên khi xâm nhập vòng cấm, anh thường trễ hơn các cầu thủ khác ít giây. Chính điều đó khiến cho sự có mặt của Talaha ít khi được sự chú ý dù ai cũng biết anh là cầu thủ nguy hiểm nhất của Malaysia.
Trong tình huống trên, khi Sumareh có bóng bên cánh phải, gần như tất cả cầu thủ phòng ngự của Việt Nam đều tin rằng cầu thủ mang áo số 13 sẽ chuyền xuống cho Safari, người đang băng lên theo đúng bài. Ngay cả Xuân Trường (số 6) cũng bị hút về phía bóng. Hệ quả, khi Sumareh bất ngờ thực hiện một đường chuyền vào trong cho Talaha, cả hệ thống phòng ngự áo đỏ đều "ngớ" hết cả ra. May mắn là trong tình huống ấy, số 9 của Malaysia sút không trúng tâm bóng.
Đó chắc chắn là một pha bóng mà HLV Park Hang-seo nên cho các cầu thủ hậu vệ và tiền vệ xem đi xem lại nhiều lần. Một pha di chuyển tương tự như thế đã giúp Talaha có được bàn thắng trong trận đấu với Thái Lan:
Sau quả căng ngang của cầu thủ mang áo số 14 của Malaysia, Talaha đã âm thầm di chuyển về phía trước hai trung vệ của Thái Lan để nhận bóng. Hai tiền vệ trung tâm của Thái Lan hoàn toàn "bỏ quên" anh. Talaha có đủ thời gian để khống chế một nhịp rồi mới xoay người dứt điểm vào góc cao.
Như thế, có thể thấy Malaysia tấn công biên nhưng không phải theo kiểu cố gắng tạt thật nhiều bóng vào trong cho các tiền đạo thi bật nhảy với các trung vệ đối phương. Hoặc họ sẽ cố gắng tạt sớm, đưa trái bóng căng, cuộn vào khoảng trống giữa thủ môn hàng thủ của đối phương, là tình huống mà mọi hàng thủ đều rất ngán (do khi bóng được căng ngang kiểu này, tiền đạo đối phương hay hậu vệ đội nhà chạm bóng đều dễ thành bàn thắng). Hoặc là họ sẽ chuyền ngược lại cho các cầu thủ ở tuyến hai, thường là Talaha, lúc đó đã âm thầm chiếm được vị trí quan trọng.
Vấn đề của Malaysia
Malaysia là một đối thủ khó chơi. Họ nhanh, khỏe, thường không để đối phương có nhiều thời gian để xử lý bóng. Khi tấn công, họ cũng có nhiều mảng miếng sắc sảo, với những cá nhân nổi bật. Nhưng nói thế không có nghĩa là Việt Nam phải sợ đối thủ này, dù tôn trọng là điều chắc chắn. Bởi, ngoài việc chất lượng con người chưa đủ tốt để các mảng miếng có thể đạt hiệu quả tuyệt đối như kỳ vọng của HLV (vấn đề của mọi đội bóng ở Đông Nam Á), họ vẫn tồn tại không ít vấn đề trong lối chơi - nhất là ở hàng thủ.
Như đã nêu trên, Malaysia chủ trương gây sức ép ngay khi đối phương có bóng. Khi làm điều đó, các cầu thủ của họ thường xuyên rời vị trí. Chính vì vậy, Malaysia không tạo được một hệ thống phòng ngự chặt chẽ khi không có bóng. Khoảng cách giữa các tuyến và giữa các vị trí của họ thường là khá lớn. Như trong tình huống dưới đây, Thái Lan đã tận dụng sự lỏng lẻo đó để đưa bóng thẳng từ trung lộ tới khu vực hành lang trong. Đây là một khu vực rất "nhạy cảm", bởi cầu thủ khi nhận bóng ở đó sẽ có nhiều lựa chọn để chuyền bóng hơn so với ở biên, và có góc quan sát tốt hơn so với các cầu thủ nhận bóng ở trung lộ:
Chính sự lỏng lẻo trong hệ thống và sự thiếu ý thức của các cá nhân là nguyên nhân dẫn tới bàn thua đầu tiên của Malaysia trong trận bán kết lượt về với Thái Lan:
Tình huống bắt đầu với việc trung vệ Thái Lan dễ dàng tìm thấy đồng đội ở bên cánh trái, khi vị trí của bốn tiền vệ Malaysia là quá xa nhau, chiếm trọn gần hết bề ngang sân. Cự ly tối đa giữa hai vị trí gần như trong một tuyến chỉ nên là 4 hay 5 mét. Nhưng ở đây, các cầu thủ Malaysia đứng cách xa nhau trên dưới 10 mét. Với cự ly như thế, họ không có cách gì ngăn đối phương đưa bóng xuyên qua tuyến phòng ngự của mình.
Ở tình huống tiếp theo, một vấn đề khác lại phát sinh. Từ khi bóng được đưa sang cánh trái, tới khi bóng bắt đầu được cầu thủ Thái Lan treo vào vòng cấm là bảy giây, nhưng tiền vệ trái của Malaysia (số 11, Safawi Rasid) vẫn lững thững ở khu vực cách xa khung thành. Cầu thủ tấn công của Thái Lan, do đó, thoải mái tấn công vào khoảng trống sau lưng bốn hậu vệ của Malaysia, rồi đánh đầu ngược trở lại cho số 8 ghi bàn mở tỷ số.
Một vấn đề khác của Malaysia, cũng xuất phát từ việc các tiền vệ biên hỗ trợ tấn công kém, là họ phòng ngự ở biên không tốt.
Ở tình huống trên, Malaysia không hề thua Thái Lan về mặt quân số. Nhưng sự hời hợt của số 11 đã tạo điều kiện cho các cầu thủ tấn công của đội chủ nhà thoải mái đưa bóng xuống sâu bên cánh. Hậu vệ trái của Malaysia buộc phải bỏ vị trí để gây sức ép với cầu thủ có bóng của Thái Lan. Khi đó, giữa trung vệ với hậu vệ trái của Malaysia xuất hiện một khoảng trống lớn, và khoảng trống ấy đã được Thái Lan khai thác thành công với một pha chồng biên trong. Tình huống này rất giống tình huống mà Văn Đức và Văn Hậu đã phối hợp để dẫn tới bàn mở tỷ số ở trận đấu tại vòng bảng.
Chắc chắn, tuyển Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hai trận chung kết với Malaysia. Đối thủ khỏe, chơi quyết liệt, trong khi khả năng phối hợp và thoát pressing của các cầu thủ Việt Nam chưa được thể hiện nhiều ở AFF Cup năm nay. Điều mà các cầu thủ của Park Hang-seo cần làm là không để bị cuốn vào lối chơi hừng hực của đối thủ. Những cá nhân mà Việt Nam phải đặc biệt chú ý là số 9 Talaha, số 13 Sumareh và cả số 14 Syamer - người chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm vốn rất khỏe, thường xuyên băng lên rất bất ngờ và mạnh mẽ. Nếu có thể kiểm soát được bóng đủ lâu, đội quân của Park Hang-seo có thể tìm thấy khoảng trống ở các vị trí then chốt để khai thác, bởi như đã nói, Malaysia không phải là đội phòng ngự thực sự kín kẽ.
Minh Khiêm