H.T. -
Chỉ với mỗi Hồng Lâu Mộng, Tào Tuyết Cần đã được xưng tụng là "Shakespeare của Trung Hoa", và đó là vị trí độc tôn, dẫu thiên truyện của ông có sự góp sức của một nhà văn hậu thế là Cao Ngạc. Gần 300 năm qua, câu chuyện về số phận của những con người trẻ tuổi trong thời buổi suy tàn của xã hội phong kiến đã mê hoặc nhiều thế hệ độc giả trên thế giới. Ở Trung Quốc, bộ môn Hồng học được hình thành từ lâu, với tham vọng xới xáo mọi góc cạnh của cuốn tiểu thuyết đồ sộ này.
![]() |
Một cảnh trong phim "Hồng lâu mộng". |
Tháng 10/1954, từ bức thư của Chủ tịch Mao Trạch Đông, một cuộc tranh luận về giá trị cách mạng của những tác phẩm văn học cổ điển đã lan ra khắp đất nước. Mao đã đọc đi đọc lại nhiều lần Hồng lâu mộng và những công trình nghiên cứu về tác phẩm này để đưa ra kết luận: "Một người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn nhận xét gì về nó". Câu nói của chủ tịch được rất nhiều người trích dẫn lại.
Nhưng dẫu đã được cày nát qua nhiều thế kỷ qua, cuốn sách với hơn 600 nhân vật độc đáo và đa dạng này vẫn là một kho bí ẩn.
Năm 1947, Chou tìm thấy một tuyển tập thơ chứa nhiều manh mối về cuộc đời Tào Tuyết Cần - người đã qua đời trong đói nghèo ở tuổi 40. Phát hiện của ông đã gây được sự chú ý của Hồ Thích - người đã nghiên cứu sâu về cuốn tiểu thuyết này trong những năm 1920. Họ Hồ liền cho Chou Ju-ch'ang mượn một bản copy quý hiếm chứa 16 chương truyện Hồng lâu mộng.
![]() |
Giáo sư Chou Ju-ch'ang. |
Trong cuốn New Evidence on Dream of the Red Chamber (Những căn cứ mới về Hồng lâu mộng) xuất bản năm 1953, Chou khẳng định: hoàng đế Càn Long đã sai Cao Ngạc và Trình Vĩ Nguyên (Cheng Weiyuan) sửa chữa một số phần trong nguyên gốc 80 chương của họ Tào và viết nốt phần kết của tác phẩm. Nhưng 40 chương họ thêm vào đã làm giảm đi tính quý phái của câu chuyện khi cố tình nhấn sâu vào mối tình tay ba đầy mưu mô giữa Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa và Giả Bảo Ngọc.
"Tôi thề là sẽ loại bỏ những phiên bản kém chất lượng. Chúng ta cần so sánh, đối chiếu để tìm ra bản tốt nhất trung thành với nguyên tác của nhà văn họ Tào", Chou nói.
Đây chắc chắn là một nhiệm vụ vô cùng khó khan. Năm 1964, một bản thảo do Chou và em trai ông là Chou Huchang biên soạn suốt hơn 10 năm trời đã bị tịch thu vì bị coi là "tài liệu chống cách mạng". Năm 1969, trong Cách mạng văn hóa, Chou bị đưa về cải tạo ở tỉnh Hồ Bắc.
Nhờ có thủ tướng Chu Ân Lai, đợt cải tạo của ông chỉ kéo dài 1 năm. Nhưng phải đến những năm 2004-2006, Chou mới có thể xuất bản công trình đối chiếu 11 phiên bản khác nhau của cuốn tiểu thuyết để tìm ra một bản theo ông là giá trị nhất. Trong những năm nghiên cứu về Hồng lâu mộng, Chou thường xuyên phải sống trong cảnh cô độc, nhưng ông tìm thấy niềm vui trong học thuật. "Bản thân Tào Tuyết Cần là một nhà triết học, một trí giả cấp tiến. Và tôi tìm thấy rất nhiều điều thú vị từ nhà văn này", ông nói.
![]() |
Em Lâm và anh Bảo. |
Những năm gần đây, các cuộc tranh cãi về Hồng lâu mộng ngày càng căng thẳng, đặc biệt là khi diễn ra cuộc tuyển chọn diễn viên quy mô lớn cho phiên bản mới của bộ phim. Tháng trước, khi Trần Hiểu Húc, người thủ vai Lâm Đại Ngọc qua đời vì bệnh ung thư, ông Chou đã làm một bài thơ thể hiện sự đau buồn sâu sắc.
Cách đây 2 tuần, tiểu thuyết gia Lưu Tâm Vũ đã châm ngòi cho một cuộc thảo luận mới khi ông cho rằng, chính cái chết của Tần Khả Khanh - một nhân vật thứ yếu trong tác phẩm - mới là nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của Giả phủ.
Chou tán thành khám phá này của Lưu Tâm Vũ dù hai người hiếm khi gặp gỡ và bàn luận với nhau.
"Anh ấy là một người có sức sáng tạo mạnh mẽ, nhận thức sâu sắc và sáng suốt. Đó là một nhà văn lớn. Nếu sau Lưu Tâm Vũ thứ nhất, có Lưu Tâm Vũ thứ hai, thứ ba tài năng như thế viết tiếp 80 chương truyện bất chấp mọi dư luận ì xèo thì chúng ta sẽ có nhiều tia hy vọng", Chou nói.
Dù nhiều nghiên cứu chỉ ra, Hồng lâu mộng có cả thảy 120 chương, nhưng Chou tin rằng, nhà văn họ Tào đã hoàn thành 108 chương, tương ứng với 108 bông hoa đẹp trong tác phẩm.
Dựa trên nhiều nghiên cứu rộng hơn, Chou đã công bố khá nhiều thông tin bất ngờ, ví như, người mà Giả Bảo Ngọc thật lòng yêu thương là Sử Tương Vân chứ không phải là Lâm Đại Ngọc. Và nguyên mẫu của nhân vật Sử Tương Vân này chính là vợ hai của Tào Tuyết Cần.
(Nguồn: Chinadaily)