Trong một bài viết về hội chứng Rapunzel trên tờ The Conversation, bà Imogen Rehm, nhà tâm lý học thuộc Đại học Swinburne (Australia), cho rằng hội chứng này có thể phát triển trên người mắc chứng nhổ tóc (trichotillomania) hoặc nhóm người bị thiểu năng trí tuệ. Búi tóc Rapunzel gây những triệu chứng dạ dày - ruột khá nặng, thậm chí 4% người mắc đã tử vong.
Còn bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho rằng rối loạn này cần được phát hiện sớm, đi khám ở chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần để được chữa trị sớm tận gốc vấn đề, tránh để tắc ruột phải phẫu thuật cấp cứu như nhiều trường hợp ở các bệnh viện nhi gần đây.
Theo bác sĩ Tiên, hiện tượng ăn tóc thường khởi đầu bằng hành vi tự động sờ, day rồi bứt từng sợi tóc trong khi đang suy nghĩ, làm việc, học tập... Người bệnh ban đầu cảm thấy đau nhưng dần dần sẽ có cảm giác "đã ngứa" dù không có yếu tố gây ngứa như nấm gàu. Việc này lặp lại nhiều lần và hình thành hành vi tự bứt tóc khi suy nghĩ căng thẳng, buồn chán, thậm chí khi... rảnh.
"Ở trẻ em, sau khi tự bứt tóc, các em có khuynh hướng nếm thử xem thế nào hoặc để xóa dấu tích tóc rụng, tránh bị người lớn mắng phạt, dẫn đến việc tự nuốt tóc. Điều này lâu dần sẽ hình thành búi tóc gây tắc ruột vì con người không có men tiêu hóa chất keratin có trong các sợi tóc", bà Tiên nói.
Bác sĩ lưu ý, rối loạn xung động nhổ tóc ở trẻ là một quá trình diễn ra theo thời gian, nên tùy theo giai đoạn, phụ huynh có thể nhận ra rối loạn này thông qua một số dấu hiệu như trẻ vừa học vừa sờ đầu hoặc vừa chơi game vừa sờ chân tóc. Xung quanh nơi trẻ nằm hoặc ngồi thường có nhiều tóc rụng. Khi đưa trẻ khám chuyên khoa da liễu không phát hiện bất thường gây rụng tóc nhưng có những mảng trống đáng ngờ trên da đầu và trẻ thường than đầy bụng dù không ăn gì nhiều...
"Đây được xem là một rối loạn có liên quan đến stress, đến việc kiểm soát hành vi xung động nên trẻ cần đi khám để điều trị kịp thời", bác sĩ Tiên phân tích.
Nhiều trẻ đã có hành vi tự ăn tóc kéo dài, lâu dần khiến tóc bị rối và mắc kẹt trong hệ thống tiêu hóa, dẫn đến tắc ruột và phải phẫu thuật để lấy "búi tóc khổng lồ" này ra khỏi cơ thể. Tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bé gái 5 tuổi đau bụng âm ỉ kéo dài, ói, tiêu chảy, được chẩn đoán tắc ruột do búi tóc. Theo bác sĩ Tạ Huy Cần, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, đây là trường hợp thứ 20 ông chứng kiến và phẫu thuật trong vài năm gần đây.
Bệnh viện Nhi đồng 2 mới đây cũng tiếp nhận và điều trị bé gái 5 tuổi bị tắc ruột do búi tóc khổng lồ vì thói quen nuốt tóc bất thường. Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Quốc Việt, Phòng Chỉ đạo tuyến, hàng năm, bệnh viện đều tiếp nhận các trường hợp tương tự và đang có xu hướng gia tăng. Các trẻ này sau đó phải được theo dõi điều trị tâm lý lâu dài để ngăn ngừa hành vi ăn tóc.
Bác sĩ Tiên cho rằng sau khi phẫu thuật lấy búi tóc, nếu không tìm được nguyên nhân và trị liệu đúng chuyên khoa thì hành vi này tiếp tục tái diễn. "Trẻ sau mổ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động trên", bác sĩ Tiên khuyến cáo.
Bác sĩ Việt khuyên bố mẹ, người thân quan tâm giúp bé phòng ngừa và tránh thói quen này. Nên quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc trẻ nhằm phát hiện sớm vấn đề bất thường, đồng thời cùng nhân viên y tế hỗ trợ hạn chế hành vi nuốt tóc, nâng đỡ tinh thần trẻ.
Lê Phương