Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature, số ra tháng 12/2023. Theo các chuyên gia, phụ nữ nhạy cảm hơn với hormone GDF15 trong thời kỳ đầu mang thai sẽ gặp tình trạng buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng, còn được gọi là chứng ốm nghén.
GDF15 được nhiều cơ quan, gồm tuyến tiền liệt, bàng quan và thận sản xuất ở mức độ thấp gây buồn nôn, bởi chúng liên kết với thụ thể chuyên biệt ở thân não. Sau khi tiếp nhận các chất độc hại trong thời đầu mang thai, nồng độ hormone này càng cao, gây cảm giác buồn nôn.
"Tình trạng thường tệ nhất trong ba tháng đầu tiên, dần giảm đi sau đó", tiến sĩ Stephen O'Rahilly, chuyên gia tại Đại học Cambridge, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Trên cơ sở đó, O'Rahilly cho rằng GDF15 có thể đã tiến hóa để bảo vệ người mẹ và bào thai khỏi tình trạng nhiễm độc.

Người phụ nữ mang thai bị ốm nghén trong ba tháng đầu thai kỳ. Ảnh: Freepik
Theo Mayo Clinic, khoảng 70% phụ nữ buồn nôn và nôn khi mang thai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Trong đó, 0,3-2% gặp tình trạng ốm nghén nặng, các triệu chứng nghiêm trọng đến mức họ không thể ăn uống và thực hiện các công việc hằng ngày. Trong trường hợp xấu nhất, ốm nghén có thể gây tử vong do mất nước.
Nghiên cứu mở ra con đường mới để điều trị tình trạng ốm nghén, đồng thời cung cấp cho giới chuyên gia cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân gây ra vấn đề này.
Nhóm nghiên cứu phát hiện người có một số biến thể di truyền nhất định của GDF15 sẽ đễ bị ốm nghén hơn. Người có GDF15 cao trước khi mang thai ít phản ứng với hormone này khi đang mang thai. Như vậy, bổ sung GDF15 cho đối tượng này có thể cải thiện tình trạng ốm nghén nặng.
Để kiểm tra ý tưởng này, các nhà khoa học đã tiêm vào chuột không mang thai dạng một dạng hormone GDF15. Ba ngày sau, nhóm phát hiện nhóm chuột dùng giả dược ăn ít và giảm cân nhiều, trong khi những con chuột được tiêm GDF15 ăn uống bình thường và giảm cân ít hơn.
Thục Linh (Theo Nature, Mayo Clinic)