Các giấc mơ có thể xuất hiện nhiều lần mỗi tháng hoặc cách nhau nhiều năm, tiến sĩ Deirdre Barrett, giảng viên tâm lý học Đại học Harvard, chuyên gia tại Hiệp hội Tâm lý Mỹ, cho biết.
"Thật khó để đánh giá mức độ phổ biến của việc mơ lặp đi lặp lại, nhưng đây không phải điều xảy ra thường xuyên với mọi người. Chúng có thể bị trí nhớ bị bóp méo hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng", Nirit Soffer-Dudek, tiến sĩ y học lâm sàng, giảng viên cao cấp khoa tâm lý Đại học Ben-Gurion, nói.
Đối với một số người, giấc mơ giống nhau xảy ra nhiều lần với thông điệp rất đơn giản, chẳng hạn đi học hoặc đi làm muộn. Theo tiến sĩ Dudek, điều này thể hiện tâm trạng lo lắng thường trực với cuộc sống cá nhân, trạng thái thiếu chuẩn bị ở những tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều giấc mơ thể hiện tâm lý lo sợ xã hội, cảm thấy kém cỏi so với những người khác.
Tiến sĩ Barrett chỉ ra rằng một số người có những giấc mơ xoay quanh sự lo lắng về kỳ thi ngay cả khi họ không còn đi học trong nhiều năm. Điều này phản ứng nỗi sợ hãi thất bại nói chung hoặc cảm giác bị người khác đánh giá.
Mơ bị rụng răng hoặc mơ thấy món đồ nào đó hư hỏng thường liên quan đến cảm giác mất mát, tuyệt vọng, không tự bảo vệ bản thân. Chúng đôi khi cũng phản ánh vấn đề về sức khỏe.
Đôi khi, giấc mơ lặp lại cũng là dấu hiệu của bệnh lý. Tiến sĩ Dimitriu cho biết những người ngưng thở khi ngủ thường gặp giấc mơ chết đuối, ngạt thở, chìm trong những con sóng khổng lồ hoặc bị nghẹn cổ. Điều này xảy ra bởi hơi thở của họ đang thực sự bị gián đoạn.
Giấc mơ lặp lại cũng xuất phát từ vệ sinh giấc ngủ kém, xảy ra khi mọi người thiếu ngủ, uống cà phê hoặc rượu quá muộn, làm việc đêm khuya, ngủ dưới 5 tiếng.
Những yếu tố khách quan từ môi trường, chẳng hạn tiếng còi ô tô dưới phố, vòi nước nhỏ giọt cũng có thể khiến giấc mơ lặp lại nhiều lần.
Theo tiến sĩ Alex Dimitriu, chuyên gia về thuốc ngủ, người sáng lập Silicon Psych, khi gặp một giấc mơ lặp lại nhiều lần, mọi người nên hỏi bản thân thông điệp của nó là gì, mối quan hệ của bạn với những người trong mơ ra sao, bạn có đang thực sự lo lắng về điều gì hay không.
Người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hoặc rối loạn lo âu có nhiều khả năng mơ những giấc mộng giống nhau. Giấc mơ kiểu PTSD bắt nguồn từ một sự kiện có tính ám ảnh, gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng, đến mức nó quay trở lại khi ngủ dưới dạng cơn ác mộng.
Thông thường, với những sự kiện còn dang dở trong cuộc sống, bộ não cố gắng giải quyết nó trong mơ để tìm về trạng thái nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ở những người bị PTSD, giấc mơ trở nên sống động hoặc thảm khốc đến mức khiến họ tỉnh dậy giữa chừng. Vấn đề trong mơ không được giải quyết, vì vậy giấc mơ tái diễn nhiều lần.
Để đối phó với tình trạng đó, tiến sĩ Dimitriu đề xuất tìm hiểu sâu hơn những nỗi lo lắng của mình, viết về chúng trước khi đi ngủ. Điều này giúp giảm bớt những giấc mơ tiêu cực xuất hiện nhiều lần, giảm căng thẳng nói chung. "Tôi thường khuyên các bệnh nhân viết nhật ký và thiền định", ông nói.
Khi đã biết về những nỗi sợ hãi đứng sau giấc mơ, ông khuyến nghị mọi người xử lý thông tin bằng phương pháp ba cột được sử dụng trong liệu pháp nhận thức hành vi.
Để làm điều này, bạn hãy gấp tờ giấy theo chiều rộng thành ba cột dọc. Trong cột đầu tiên, bạn viết ra những suy nghĩ tiêu cực, cột thứ hai viết các tư duy sai lệch, cột thứ ba viết những suy nghĩ thay thế, hợp lý hơn dựa trên thực tế. Cách làm này sẽ giúp bạn giảm cảm giác lo âu, thay đổi thói quen suy nghĩ không lành mạnh, giảm triệu chứng lo lắng, trầm cảm.
Phương pháp thứ hai là liệu pháp diễn tập hình ảnh, có hiệu quả với những cơn ác mộng lặp đi lặp lại. Bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân kể ra các chi tiết hoặc tường thuật lại giấc mơ, sau đó viết một cái kết có hậu cho giấc mơ đó.
Nếu các giấc mơ lặp lại quá nhiều, trong thời gian dài, gây ra các triệu chứng tâm lý hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống, các chuyên gia khuyến nghị mọi người tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ.
Thục Linh (Theo CNN)