Caroline Albertin, thành viên nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Sinh học biển thuộc Đại học Chicago, nhận thấy gene Hox và protein dẫn truyền tín hiệu Wnt có ở hầu hết động vật cũng hiện diện trong hệ gene của mực khổng lồ, có nghĩa kích thước to lớn của chúng không phải do quá trình sao chép toàn bộ hệ gene gây ra. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện hệ gene của mực khổng lồ chứa hơn 100 gene trong họ protocadherin, loại gene không thấy nhiều ở các động vật không xương sống khác.
Theo Albertin, protocadherin đóng vai trò rất quan trọng để bộ não phức tạp hoạt động đúng. "Họ gene này được cho là thành tựu tiến hóa ở động vật có xương sống, vì vậy chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi tìm thấy hơn 100 gene trong bộ gene bạch tuộc. Đó là minh chứng không thể thuyết phục hơn cho cách chúng ta phát triển bộ não phức tạp. Chúng tôi cũng tìm thấy các gene protocadherin tương tự ở mực khổng lồ", Albertin chia sẻ.
Năm 2015, Albertin và cộng sự sắp trình tự hệ gene đầu tiên của động vật thân mềm. Họ vẫn còn nhiều việc cần làm để hiểu mực khổng lồ đạt tới kích thước đồ sộ bằng cách nào. "Hệ gene là bước đầu tiên để trả lời nhiều câu hỏi về đặc điểm sinh học của những con vật kỳ lạ này, bao gồm bộ não lớn nhất trong các động vật không xương sống, hành vi và khả năng cải trang ngay tức khắc", Albertin nói.
Giới nghiên cứu cho rằng động vật thân mềm tiến hóa độc lập với động vật có xương sống dù chúng cùng có nhiều đặc điểm phức tạp. Giải mã hệ gene của mực khổng lồ là bước mở đầu để giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu điều gì tạo nên động vật thân mềm cũng như cách những gene mới xuất hiện trong quá trình tiến hóa và phát triển.
Mực khổng lồ (Architeuthis dux) được ghi hình lần đầu tiên năm 2005. Con mực khổng lồ lớn nhất trong lịch sử dài gần 13,1 m và nặng 907 kg, theo Smithsonian. Hồi tháng 8/2018, một con mực dài 4,2 m mắc cạn ở bờ biển Wellington, New Zealand. Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) lần đầu ghi hình mực khổng lồ ở vùng biển Mỹ vào tháng 6/2019 cách New Orleans, Los Angeles khoảng 160 km về phía đông nam.
An Khang (Theo Fox News)