Qua chín vòng, HAGL đã chứng tỏ được sức mạnh hàng công với 18 bàn - nhiều nhất giải. Trong đó Văn Toàn và Công Phượng dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới với sáu bàn mỗi người. Nhờ đó, họ xây chắc đỉnh bảng và xem như đặt một chân vào nhóm đua vô địch giai đoạn II.
Tuy nhiên, điểm tựa thành công của HAGL còn nằm ở hàng thủ. Mùa trước, họ thủng 36 bàn trong 20 trận, trung bình 1,8 bàn mỗi trận. Mùa này, với sáu bàn sau chín vòng, tỷ lệ đó giảm xuống còn 0,7 bàn mỗi trận, trở thành một trong ba đội thủng lưới ít nhất cùng Viettel và Đà Nẵng.
![Hữu Tuấn (phải) càng chơi càng hay, sau sai lầm ngay vòng một V-League. Ảnh: Đức Đồng](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2021/04/29/huu-tuan-jpeg-1618278994-7483-4715-6473-1619663482.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mJExFTJS7zdhYFJC63iytA)
Hữu Tuấn (phải) càng chơi càng hay, sau sai lầm ngay vòng một V-League. Ảnh: Đức Đồng
Khác biệt dễ thấy nhất nằm ở sơ đồ chiến thuật, khi HLV Kiatisuk chỉ dùng 3-5-2 với ba trung vệ Damir Memovic, Kim Dong-su và Nguyễn Hữu Tuấn. Memovic đã gắn bó từ mùa trước, còn Kim và Hữu Tuấn là tân binh. Kim - một trung vệ đúng nghĩa - thay thế suất ngoại binh của tiền vệ Kelly Oahimijie. Còn Hữu Tuấn là tuyển thủ quốc gia, trám vào vị trí của Trương Trọng Sáng.
Memovic với chiều cao 1m96 có lợi thế lớn khi tranh bóng bổng. Anh càng chơi càng hay, trong mùa thứ ba tại Việt Nam. Kim cũng cao tới 1m88, vừa giỏi không chiến, vừa phán đoán, tranh chấp và bọc lót cho đồng đội. Trung vệ Hàn Quốc đá ở trung tâm hàng thủ, là người chỉ đạo chính ở tuyến dưới. Việc Kim tranh cãi với đội trưởng Lương Xuân Trường ngay sau trận hoà Hà Tĩnh hôm 20/3 cho thấy anh có cá tính mạnh và khao khát chiến thắng. Cá tính đó hiếm thấy ở hàng thủ HAGL trước đây. Còn Hữu Tuấn với khả năng đeo bám tốt, dễ dàng thay thế vị trí của Trọng Sáng. Sau sai lầm dẫn tới bàn thua trước Sài Gòn ở vòng một, Hữu Tuấn tiến bộ hơn hẳn và được đá chính cả chín trận đã qua, còn Memovic và Kim mới lỡ một trận.
Ba trung vệ này đều hay, nhưng để làm tốt nhiệm vụ, họ cần được đặt vào hệ thống phù hợp. Sơ đồ 3-5-2 của Kiatisuk khá giống với cách HLV Park Hang-seo áp dụng ở đội tuyển Việt Nam. Ý nghĩa của nó thể hiện ngay ở con số: ba trung vệ an toàn hơn hai trung vệ. Khi một trung vệ dâng cao gây áp lực lên đối phương, vẫn còn hai đồng đội ở nhà để lấp khoảng trống. Khi đối phương xuống biên để tạt vào, HAGL cũng đảm bảo được ít nhất bốn cầu thủ trong cấm địa, trong đó cầu thủ chạy cánh đối diện sẽ bó vào trong. Mùa trước, HAGL thủng trung bình 1,1 bàn mỗi trận từ bóng sống. Mùa này, tỷ lệ đó giảm còn 0,3.
Memovic, Kim và Hữu Tuấn cũng hiếm khi dâng quá vạch giữa sân, để chống phản công khi mất bóng. Họ không có trách nhiệm phải dâng lên phối hợp với đồng đội, ngay cả khi HAGL khát bàn. Có năm trận mùa này HAGL không ghi được bàn trong hiệp một, nhưng họ cũng không mạo hiểm ở hiệp hai. Ba trung vệ luôn án ngữ ở phần sân nhà, để tìm cách đoạt lại bóng khi tuyến trên để mất. Với sơ đồ bốn hậu vệ những mùa trước, chỉ hai trung vệ thường ở sân nhà, khi hai hậu vệ biên HAGL luôn có xu hướng dâng cao. Mùa trước, HAGL phải nhận trung bình 0,3 bàn thua mỗi trận từ phản công, hơn gấp ba lần so với mùa này. Bàn thua phản công duy nhất của họ mùa này như đã nói, là sai lầm của Hữu Tuấn trước Sài Gòn. Trung vệ mắc sai lầm dĩ nhiên nguy hiểm hơn hẳn khi tiền vệ hoặc tiền đạo mất bóng.
![Công Phượng (phải) thi đấu trong vai trò mới dưới thời Kiatisuk. Ảnh: Đông Huyền](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2021/04/29/phuong-jpeg-1618278890-1618278-7862-3276-1619663482.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4Q1gJvmYkTQ9nB2Ev8EOcg)
Công Phượng (phải) thi đấu trong vai trò mới dưới thời Kiatisuk. Ảnh: Đông Huyền
Sức mạnh phòng ngự không chỉ nằm ở hàng thủ, còn xuất phát từ tuyến trên. Kiatisuk tìm ra phương án để nhét những cầu thủ tấn công hay nhất của HAGL vào sơ đồ 3-5-2, bằng cách đưa Công Phượng về chơi như tiền vệ trung tâm. Công Phượng có sức bền và hỗ trợ phòng ngự từ xa tốt. Ba tiền vệ trung tâm gồm Công Phượng, Xuân Trường và Trần Minh Vương vốn không quá cao to, nhưng tranh chấp bóng hai nhiệt tình. Khi đã có ba trung vệ ở phía sau, tiền vệ trung tâm cũng không cần quá thiên về phòng ngự. Nhờ phát kiến để Công Phượng lên công về thủ như con thoi, Kiatisuk không chỉ giúp HAGL phòng ngự tốt hơn, còn hỗ trợ hàng công với những cầu thủ hay nhất.
Một thống kê cho thấy sức mạnh của hàng thủ, là số pha dứt điểm họ phải đối mặt. Càng ngăn được đối thủ dứt điểm cho thấy hàng thủ đó càng vững vàng. Mỗi trận đối thủ của HAGL dứt điểm trung bình 7,1 lần. Chỉ Viettel sánh ngang được với HAGL ở khả năng hạn chế đối phương dứt điểm.
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là năng lực của thủ môn. Từ mùa 2017, HAGL không tìm được một thủ môn phù hợp, từ Tô Vĩnh Lợi, Phạm Văn Tiến đến Wieger Sietsma và Trần Bửu Ngọc. Họ có điểm chung là chưa khẳng định được tài năng và sự ổn định ở V-League. Bửu Ngọc từng gây sốt khi chuyển tới Cần Thơ với phí nhượng hàng tỷ đồng cuối năm 2014. Nhưng, anh không duy trì được phong độ và dần sa sút. Mùa này HAGL dùng một thủ môn đã tạo dựng vị thế ở V-League từ lâu. Với 166 trận ở V-League, cựu thủ thành Quảng Ninh Huỳnh Tuấn Linh giàu kinh nghiệm chỉ sau Tuấn Mạnh, Tấn Trường, Nguyên Mạnh, trong những thủ môn đang bắt chính.
Sức mạnh của hàng thủ HAGL sẽ thêm một lần nữa được kiểm chứng khi họ tiếp Hà Nội - đội có hàng công dứt điểm nhiều thứ hai sau TP HCM - vào Chủ Nhật 18/4 trên sân Pleiku.
Xuân Bình