Kết quả sẽ có sau một vài ngày, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia hôm nay. Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, chỉ vài ngày sau, Bộ Y tế đã xác định nCoV gây bệnh khu vực này thuộc chủng mới hoàn toàn chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Chủng nCoV này có tốc độ lây lan nhanh hơn, song độc lực không đổi.
Ông Long đánh giá chùm ca nhiễm ở Hải Dương rất đáng lo ngại, do chưa rõ nguồn lây nhiễm.
Ba bệnh nhân ở Hải Dương được Bộ Y tế ghi nhận sáng nay, là bệnh nhân từ số 906 đến 908. Cả ba bệnh nhân này đều cùng làm việc tại nhà hàng Thế giới bò tươi, có tiếp xúc với "bệnh nhân 867". Từ 0h ngày 14/8, thành phố Hải Dương cách ly xã hội trong 15 ngày.
"Bệnh nhân 867" ở Hải Dương, đến Hà Nội khám và ghi nhận nhiễm nCoV. Chính quyền Hà Nội nhận định "bệnh nhân 867" không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, hiện chưa rõ nguồn lây.
"Đây là biểu hiện cho thấy cộng đồng còn rất chủ quan", quyền Bộ trưởng nói.
Sau khi bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo phòng dịch đã được nhà chức trách đưa ra trên cả nước. Thế nhưng, một tiệm ăn rất đông người như nhà hàng nơi ba người nhiễm ở Hải Dương, cả người phục vụ lẫn khách hàng đều không đeo khẩu trang hay thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Để kiểm soát tình hình dịch, tỉnh Hải Dương cách ly thành phố Hải Dương, tạm dừng nhiều hoạt động... Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm thật nhanh để ngăn chặn dịch.
Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương đang hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Hải Dương xét nghiệm nCoV cộng đồng. Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cử sinh viên hỗ trợ ngành y tế tỉnh điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương để xét nghiệm.
Cũng trong chiều nay, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử một đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị bệnh nhân. Đội cơ động bao gồm 5 chuyên gia, trong đó có một bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực, một chuyên về kiểm soát nhiễm khuẩn, một chuyên khoa truyền nhiễm, một kỹ thuật viên xét nghiệm và một điều dưỡng hồi sức tích cực.