Theo tạp chí MIT Technology Review (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ), nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc sẵn sàng chi trả 4.500 USD để biết được lợi thế của con thông qua xét nghiệm gene. Tại các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc.., trong những năm qua dịch vụ này cũng ngày càng phổ biến.
Một hiệu trưởng tại một trường trung học ở Thâm Quyến (Trung Quốc) chia sẻ trên tạp chí này, ông ủng hộ và khuyến khích giáo dục hạnh phúc, tức là thay vì khắt khe bắt ép học sinh học vẹt mọi môn học, kể cả những môn các em không thích. Ông tin rằng gia đình và nhà trường nên tìm kiếm, động viên mỗi em theo đuổi niềm đam mê và tài năng bẩm sinh.
Theo ông, trẻ em giống như mảnh đất chưa được khai hoang. Trước đây, người lớn đào bới mọi vị trí để tìm kiếm mạch nước ngầm. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của công nghệ di truyền, phụ huynh có thể biết chính xác vị trí mạch nước ngầm, từ đó khai thác hiệu quả hơn. Đó chính là lý do giải mã gene khám phá tiềm năng của trẻ ngày càng được các bậc phụ huynh quan tâm.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh tại Việt Nam bắt đầu đề cao tính cá nhân của con trẻ trong học tập. Theo Thạc sĩ Công tác Xã hội Lâm sàng, Phạm Nguyễn Ngọc Nguyên - Trưởng phòng Đào tạo và Tư vấn di truyền tại Genetica, những năm gần đây, ngày càng nhiều bố mẹ tìm đến các công ty giải mã gene mong muốn tìm hiểu tiềm năng của con để giúp con phát triển đúng hướng.
Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh, tư vấn di truyền tại công ty Genetica (TP HCM) cho biết, giáo dục dựa trên đặc điểm bộ gene của trẻ là lĩnh vực tương đối mới và mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. Mục tiêu của phương pháp giảng dạy là xây dựng chương trình học tập phù hợp với tiềm năng, đặc điểm tính cách của từng học sinh. Chẳng hạn trẻ có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh sẽ được tiếp xúc nhiều với nhạc cụ, âm điệu thay vì gò ép vào những tiết học vật lý, tính toán như trẻ khác.
Bằng cách xem xét sự khác biệt giữa bộ gene của các học sinh, phương pháp giáo dục cá nhân hóa sẽ thúc đẩy tối đa tiềm năng bẩm sinh của trẻ. Bởi lẽ bộ gene của con người không hoạt động đơn lẻ mà sẽ bộc lộ tùy theo môi trường nuôi dưỡng. Trẻ có tiềm năng hội họa bẩm sinh có thể trở thành họa sĩ nếu được tiếp xúc với cọ vẽ, bột màu và trải qua nhiều ngày dày công luyện tập.
"Phương pháp giáo dục cá nhân hóa còn thể hiện sự tôn trọng tính cách cá nhân và phù hợp với nhu cầu riêng biệt của từng học sinh. Bởi không phải giỏi toán, văn, ngoại ngữ mới là học sinh xuất sắc", bác sĩ Hạnh nói.
Chị Hải Yến (TP Hà Nội) cho biết, thông qua giải mã gene, chị có thể biết được con có tiềm năng học tốt toán, ngoại ngữ và âm nhạc. Nhờ đó, chị đã đầu tư mạnh tay để con phát triển tối đa thế mạnh của bản thân và không đặt quá nhiều kỳ vọng lên con trong những môn học khác.
Đồng quan điểm với chị Yến, chị Dung (TP HCM) cho biết: "Không có một phương pháp nuôi dạy nào phù hợp với tất cả con trẻ. Đó là lý do tôi quyết định xét nghiệm gene để hiểu chính xác bố mẹ cần hỗ trợ gì cho con. Kết quả thật sự không làm tôi thất vọng", chị Dung chia sẻ.
Từ trước tới nay, chị Dung đã quan sát thấy con trai rất thích sắp xếp đồ đạc đúng chỗ. Cậu bé sẽ tức giận, quát mắng nếu em gái vô tình nghịch phá hộp bút màu mà cậu xếp ngay ngắn. Kết quả giải mã gene cho thấy, con trai của chị Dung có tính kỷ luật cao. Nhờ vậy, chị hiểu rằng cần dạy con đức tính linh hoạt khi thực hiện một kế hoạch, hướng dẫn con quản lý cảm xúc nếu mọi việc không theo ý muốn.
Con có năng lực trí tuệ ra sao, khuynh hướng tính cách như thế nào, những thắc mắc của phụ huynh này phần nào có thể được bộ gene gợi ý. Nhờ đó, cha mẹ có thể định hướng, thay đổi phương pháp giáo dục, nuôi dưỡng để con có cơ hội phát triển theo đúng tiềm năng.
Ngọc An