Bill Gates đang sửa sang lại ngôi nhà của mình. Năm 1997, nhân vật có thế lực này đã chuyển đến ngôi biệt thự trị giá 100 triệu đôla và hiện nó cần sửa lại đôi chút.
Ngôi nhà có diện tích hơn 3.000 m2 này có một rạp chiếu phim 20 chỗ ngồi, một sảnh tiếp khách, bãi đỗ xe 28 chỗ, một tấm đệm lớn để nhào lộn trong nhà và tất cả những đồ dùng điện tử hiện đại nhất. Nhưng, gia đình Bill Gates vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với ngôi nhà này. Theo các tài liệu nộp cho Ủy ban quy hoạch của khu vực Medina, Washington, Bill Gates và vợ muốn có thêm phòng ngủ và những khu vui chơi, học tập cho các con.
Người ta có thể suy ra rất nhiều điều từ kế hoạch xây dựng của Gates nhưng kết luận quan trọng nhất là, sẽ thật sung sướng nếu trở thành Bill Gates. Thế giới này sẽ là một cuộc chơi hấp dẫn khi bạn có trong tay 50 tỷ đôla. Người ta cũng có thể nghĩ đến một số vấn đề khác, rộng hơn: Tại sao một vài người có các tấm đệm lò xo để nhào lộn trong nhà và máy bay riêng trong khi những người khác lại phải ngủ vạ vật ở các trạm xe buýt? Tại sao trong thời kỳ phát triển kinh tế kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ, vẫn có rất nhiều người không có đủ nhu yếu phẩm cho cuộc sống?
Chín năm tăng trưởng kinh tế liên tục chỉ làm tăng thêm tỷ lệ đói nghèo. Khoảng 11% người Mỹ sống trong tình trạng đói nghèo. Đây là một con số đáng tưởng thưởng so với mức đỉnh điểm 15% của năm 1993 nhưng lại không khá hơn là bao so với những năm 1970. Tất nhiên, Mỹ vẫn là nước giàu trong khu vực nếu xét trong bối cảnh một nửa dân số thế giới (tức, khoảng 3 tỷ người) phải sống dưới mức nghèo khổ.
Đói nghèo và bất bình đẳng về thu nhập cũng là một đề tài được rất nhiều nhà kinh tế học quan tâm. Họ tìm lời giải cho những câu hỏi: Có những ai nghèo? Tại sao họ lại nghèo? Và mọi người có thể làm gì để giải quyết tình trạng đó? Bất kỳ cuộc tranh luận nào về nguyên nhân Bill Gates giàu hơn những người phải sống thiếu thốn trong những khu ổ chuột đều bắt đầu bằng khái niệm mà các nhà kinh tế học gọi là vốn con người.
Vốn con người là toàn bộ các kỹ năng của một cá nhân đó là học vấn, sự thông minh, uy tín, tính sáng tạo, kinh nghiệm làm việc, khí lực doanh nhân, và thậm chí cả khả năng ném một quá bóng rổ thật nhanh, mạnh và chính xác. Nó là tất cả những gì còn lại nếu có ai đó tước đi tất cả tài sản của bạn - công việc, tiền bạc, nhà ở, các tài sản khác - và để bạn lại trên một góc phố chỉ với một bộ quần áo trên người. Bill Gates sẽ sống thế nào trong tình hình đó? Rất tốt. Thậm chí nếu Microsoft có phá sản và tài sản của Gates bị tịch thu thì ông vẫn có thể tìm được cho mình một công việc tốt ở các công ty khác. (Khi bị Apple - công ty do chính mình sáng lập nên - sa thải, Steven Jobs đã chuyển hướng và sáng lập ra Pixar và ngay sau đó, Apple đã mời ông quay trở lại).
Thị trường lao động không khác nhiều so với các thị trường khác: trong thị trường đó, có những kỹ năng được chuộng hơn những kỹ năng khác. Nếu một người càng sở hữu nhiều kỹ năng riêng, độc đáo, người đó càng được trọng dụng. Alex Rodriguez kiếm được 250 triệu đôla trong 10 năm chơi bóng chày cho Texas Rangers bởi vì anh ta có thể đánh một quả bóng tròn rất mạnh (có vận tốc khoảng 90 dặm một giờ) với tần xuất khá thường xuyên. Sức hút từ cú đánh bóng của Rod giúp Rangers thu được lợi nhuận khổng từ việc bán vé, đồ lưu niệm cho các fan hâm mộ và quảng cáo trên truyền hình. Và trên hành tinh này, có lẽ, duy nhất Rod là người có khả năng đánh một cú bóng mạnh với phong độ ổn định như thế.
Tương tự như trong nền kinh tế thị trường, giá của một kỹ năng không có mối quan hệ cố hữu với giá trị xã hội của nó, mà chỉ liên quan đến sự khan hiếm. Trong cuộc phỏng vấn Robert Solow - người giành giải Nobel Kinh tế năm 1987 và là một người rất say mê bóng rổ - tôi đã hỏi Solow, ông có thấy buồn không khi số tiền thưởng của giải Nobel ít hơn cả số tiền mà Roger Clemens, vận động viên của Red Sox vào thời điểm đó, kiếm được trong một mùa giải. Solow đã trả lời: “Tôi không buồn, bởi vì chuyên gia kinh tế giỏi thì có nhiều nhưng cầu thủ bóng rổ giỏi như Roger chỉ có một”. Đây chính là lối tư duy của các nhà kinh tế học.
Ai là người giàu có, hoặc ít nhất là có cuộc sống thoải mái ở Mỹ? Các kỹ sư lập trình, bác sĩ phẫu thuật, kỹ sư nguyên tử, nhà văn, kế toán, chủ ngân hàng, giáo viên… Các cá nhân này thường là những người có tài năng thiên bẩm: họ tích lũy được rất nhiều kỹ năng chuyên biệt khi tham gia các khóa đào tạo và giáo dục chuyên môn. Nói cách khác, họ đã đầu tư đáng kể vào vốn con người. Giống như bất kỳ loại hình đầu tư nào khác - từ xây dựng một nhà máy sản xuất đến mua trái phiếu - tiền được đầu tư hôm nay cho vốn con người sẽ mang về lợi nhuận trong tương lai. Đó sẽ là một khoản lợi nhuận rất lớn. Theo tính toán, nếu bạn đầu tư ngay hôm nay cho việc học đại học, bạn có thể kiếm lại số tiền đó cộng thêm 10% một năm cho số tiền bạn đã bỏ ra.
Điều ngược lại đúng với những người lao động nghèo. Những người lao động có các kỹ năng làm việc tối thiểu không hiếm. Các cửa hàng ăn nhanh chỉ cần trả mức lương vừa phải là có thể thuê được những người phục vụ thân thiện. Đó có thể là 5,50 đôla một giờ khi nền kinh tế đang suy thoái hoặc 9 đôla một giờ khi thị trường lao động đặc biệt khan hiếm, nhưng sẽ không bao giờ lên tới 400 đôla một giờ - một mức phí mà chỉ những luật sư hàng đầu mới có thể yêu cầu.
Những luật sư xuất sắc rất hiếm, nhưng những người bán đồ ăn giỏi thì không. Nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến tình trạng đói nghèo dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới là tình trạng thiếu vốn con người. Ở Mỹ, có một bộ phận người dân nghèo là bởi vì họ không thể tìm được việc làm. Nhưng đây là một triệu chứng, chứ không phải là một căn bệnh. Vấn đề cơ bản là do họ thiếu các kỹ năng (hay, vốn con người). Tỷ lệ nghèo ở những học sinh bỏ học ngay từ cấp phổ thông ở đất nước chúng ta cao gấp 12 lần tỷ lệ nghèo ở những sinh viên tốt nghiệp đại học. Tại sao Ấn Độ lại là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới? Lý do chủ yếu là bởi vì 35% dân số nước này mù chữ (đã giảm so với mức gần 50% cách đây một thập kỷ) hoặc phải sống trong những điều kiện khiến họ không phát huy được vốn con người.
Một nền kinh tế mạnh cũng có vai trò hết sức quan trọng. Tìm được một công việc vào năm 2001 dễ hơn vào năm 1975 hay 1932. Nước lên sẽ kéo thuyền lên. Tăng trưởng kinh tế là điều tuyệt vời đối với tất cả những người nghèo. Ngược lại, một nền kinh tế yếu kém sẽ là nỗi kinh hoàng đối với họ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế: Ngay cả khi nước lên, những lao động có tay nghề thấp cũng chỉ có thể bám lấy những khúc củi trôi giạt, trong khi những người cùng độ tuổi có tay nghề hơn lại ngồi thư thái uống cocktail trên thuyền. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh không biến những người trông xe thành những vị giáo sư đại học. Nhưng đầu tư vào vốn con người có thể làm được điều đó. Các nhân tố vĩ mô kiểm soát những đợt thuỷ triều nhưng vốn con người mới quyết định chất lượng của con thuyền.
Dù kinh tế phát triển nhanh hay chậm, vị trí của người giàu và người nghèo vẫn không thể cân bằng.
Hãy coi suy nghĩ này như một sự thử nghiệm. Hãy tưởng tượng, vào một buổi sáng thứ hai nào đấy, 100 nghìn thanh thiếu niên lông bông, không học hành bị bỏ bẵng ở góc phố State và Madison ở Chicago. Đây sẽ là một thảm hoạ đối với xã hội. Tội phạm gia tăng và khối dịch vụ của Chính phủ sẽ phải gồng mình để giải quyết vấn đề. Các doanh nghiệp sẽ không muốn xúc tiến các hoạt động trong khu thương mại Chicago. Các chính trị gia sẽ nài xin sự giúp đỡ từ chính quyền bang hoặc liên bang: Rót ngân sách để chúng tôi hỗ trợ những thanh thiếu niên này hoặc giúp chúng tôi loại bỏ họ. Khi quyết định đàn áp thẳng tay người vô gia cư, các chủ doanh nghiệp ở Sacramento, California đã thực hiện kế hoạch đưa họ lên những chuyến xe buýt một chiều ra khỏi thành phố.
Bây giờ hãy tưởng tượng cũng ở góc phố trên nhưng những thanh niên lêu lổng kia được thay bằng 100 nghìn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Những chiếc xe buýt đến góc phố State và Madison và chở trên đó những luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà di truyền học, kỹ sư phần mềm và nhiều nhân tài có các kỹ năng chuyên biệt khác. Trong số họ, sẽ có nhiều người tìm được việc ngay lập tức. (Hãy nhớ rằng, vốn con người không chỉ là kiến thức chuyên môn, mà còn bao gồm tính kiên trì, trung thực và sáng tạo - những đức tính tốt góp phần đáng kể giúp họ kiếm được việc làm). Một số có thể lập công ty riêng (năng khiếu kinh doanh chắc chắn cũng là một phần quan trọng trong vốn con người). Một số sẽ chuyển đến nơi khác (những lao động có tay nghề cao luôn năng động hơn những người có tay nghề thấp). Để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào và quý giá, các doanh nghiệp cũng chuyển tới Chicago hoặc mở văn phòng và nhà máy ở đây. Trong trường hợp này, giống như làn sóng nhập cư đã giúp nước Mỹ phát triển, sự xuất hiện với mật độ dày đặc của những chuyến xe buýt là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của Chicago.
Nếu bạn cho rằng ví dụ này có vẻ hơi giả tạo và gượng gạo, chúng ta hãy cùng xem ví dụ về Naval Air Warfare Center (NAWC) (Trung tâm Không chiến của Hải quân Mỹ) ở Indianapolis - một cơ sở sản xuất thiết bị điện tử hiện đại cho hải quân cho đến cuối những năm 1990. NAWC buộc phải đóng cửa trong đợt cắt giảm quy mô quân đội. Tất cả chúng ta đã quen với những câu chuyện đóng cửa nhà máy kiểu này. Hàng trăm hoặc hàng nghìn lao động mất việc làm, các công ty quanh vùng rơi vào tình trạng khủng hoảng vì sức mua giảm mạnh.
Một bài báo sẽ viết: “Khi nhà máy XYZ bị đóng cửa năm…, cả thành phố bắt đầu chết.” Nhưng NAWC là một câu chuyện hoàn toàn khác. Một trong những tài sản có giá trị nhất của trung tâm này là lực lượng lao động, khoảng 40% trong số đó là các nhà khoa học hay kỹ sư. Các nhà lãnh đạo thông minh của địa phương do Thị trưởng Stephen Goldsmith đứng đầu quyết định chào bán nhà máy này. Bảy công ty đã nộp hồ sơ thầu và Hughes Electronics là công ty thắng thầu.
Một ngày thứ Sáu của tháng 1/1997, các nhân viên NAWC về nhà với tư cách là nhân viên chính phủ, nhưng ngày thứ Hai tiếp theo, 98% trong số họ làm việc với tư cách là nhân viên của Hughes (Cái tên NAWC cũng được đổi thành HAWC). Các giám đốc của Hughes cho biết giá trị của vụ mua bán này nằm ở con người chứ không phải gạch đá và vữa hồ. Hughes đã mua được một lượng vốn con người khổng lồ mà nó rất khó tìm được ở bất kỳ nơi nào khác. Điều đó đối lập hoàn toàn với việc đóng cửa nhà máy trong bài hát của Bruce Springsteen (Bài hát nói về một nhà máy mà những người lao động có trình độ hạn chế nhận ra rằng các kỹ năng hạn hẹp của họ không có giá trị khi xưởng/hầm mỏ/nhà máy bị đóng cửa). Sự khác biệt chính là ở vốn con người.
Đến đây, chúng ta đã có đủ bằng chứng để từ bỏ một trong những quan niệm nguy hại nhất trong chính sách công: Đó là toàn bộ lý luận sai lầm về lao động. Sẽ là sai lầm khi tin rằng có một số lượng việc làm cố định được tạo ra trong nền kinh tế và do đó sẽ có một công việc mới được tạo ra để thay thế cho một công việc khác bị mất đi. Những con số dưới đây chứng minh cho quan điểm này.
Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hàng chục triệu việc làm mới trong những năm 1990, những việc làm mới này chủ yếu thuộc lĩnh vực Internet. Tuy nhiên, nếu so sánh với các con số trước đó, tỷ lệ lao động có việc làm vẫn chưa cao. Tương tự, trong thời gian này, lịch sử nước Mỹ cũng tiếp nhận làn sóng khổng lồ những người nhập cư đến sinh sống và làm việc nhưng tỷ lệ lao động có việc làm trong dài hạn vẫn không tăng. Có sự thay thế nào trong ngắn hạn không? Có. Một vài công nhân mất việc làm hoặc bị giảm lương khi phải cạnh tranh với những người mới tham gia vào lực lượng lao động. Nhưng số việc mới được tạo ra nhiều hơn số việc làm bị mất đi. Hãy nhớ rằng, các lao động mới phải tiêu dùng thu nhập của mình, dẫn đến sự xuất hiện của nhu cầu mới đối với những sản phẩm khác. Do vậy, chiếc bánh kinh tế ngày càng to hơn, chứ không bị chia nhỏ.
Có một mối liên hệ đáng chú ý giữa mức vốn con người của một quốc gia với sự phát triển của nền kinh tế, nhưng không có một mối liên hệ đáng chú ý giữa nguồn tài nguyên thiên nhiên và mức sống. Những nước như Nhật và Thụy Điển là những nước giàu có vào bậc nhất thế giới, nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên của cả hai nước này đều rất nghèo nàn. Những nước như Nigeria lại hoàn toàn ngược lại: Sự giàu có về dầu mỏ chỉ góp phần rất nhỏ vào việc nâng cao mức sống của người dân. Trong một số trường hợp như ở châu Phi, sự giàu có về khoáng sản còn là nguyên nhân dẫn đến những cuộc chiến tranh đẫm máu mà đáng lẽ ra đã chấm dứt hẳn nếu không có những nguồn tài nguyên đó.
Mỹ là một quốc gia giàu có bởi vì người Mỹ làm việc rất năng suất. Ngày nay, chúng ta giàu hơn so với bất cứ thời điểm nào trong lịch sử loài người, bởi vì chúng ta có khả năng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ tốt hơn nhiều lần trước kia, gồm cả những dịch vụ như chăm sóc sức khoẻ và giải trí. Điểm mấu chốt là chúng ta làm việc ít hơn và sản xuất ra nhiều hơn. Năm 1870, để làm ra đủ lượng thực phẩm cần dùng cho một năm, một hộ gia đình điển hình cần 1.800 giờ lao động, nhưng giờ đây, họ chỉ mất khoảng 26 giờ.
Trong thế kỷ XX, năm làm việc trung bình giảm từ 3.100 giờ xuống còn khoảng 1.730 giờ, trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân trên đầu người thực tế đã tăng từ 4.800 đôla lên 31.500 đôla. Ngay cả những người nghèo cũng đang sống rất tốt so với chuẩn lịch sử. Ranh giới nghèo hiện nay đang dừng ở mức thu nhập thực tế của 10% người có thu nhập cao nhất cách đây một thế kỷ. Đúng như John Maynard Keynes từng lưu ý: “Về lâu dài, năng suất lao động sẽ quyết định mọi thứ”.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, chúng ta không nên quan tâm đến khoảng cách giàu nghèo cho đến khi chất lượng cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn. Nói cách khác, chúng ta nên quan tâm đến phần bánh mà người nghèo nhận được là bao nhiêu, chứ không phải là phần bánh họ nhận được bằng bao nhiêu so với của Bill Gates.
Robert Frank, nhà kinh tế học của trường Đại học Cornell, đồng thời là tác giả của cuốn Luxury Fever, đã đưa ra một ví dụ rất thuyết phục khẳng định sự giàu có tương đối – kích thước chiếc bánh của tôi so với của người hàng xóm – là yếu tố quyết định quan trọng lợi ích của chúng ta. Những người tham gia cuộc khảo sát của ông có hai sự lựa chọn: (A) bạn kiếm được 110 nghìn đôla và những người khác kiếm được 200 nghìn đôla; hoặc (B) bạn kiếm được 100 nghìn đôla và những người khác kiếm được 85 nghìn đôla. Frank giải thích: “Những con số thu nhập chính là sức mua thực tế.
Thu nhập của bạn trong lựa chọn A sẽ đủ điều kiện mua một ngôi nhà lớn hơn 10% so với ngôi nhà bạn có thể mua trong lựa chọn B. Nếu chọn chọn B, bạn sẽ phải từ bỏ một số tiền nhỏ trong toàn bộ thu nhập để đổi lấy mức tăng lớn trong thu nhập tương đối.” Bạn sẽ giàu có hơn trong lựa chọn A và ít giàu hơn trong lựa chọn B nhưng lại giàu hơn những người khác. Lựa chọn nào sẽ khiến bạn vui vẻ hơn? Theo Frank, phần lớn người Mỹ đều chọn B. Nói cách khác, thu nhập tương đối có ý nghĩa rất quan trọng. Sự ghen tị có thể là một phần cho cách giải thích này. Frank đã chỉ ra rằng, trong những môi trường xã hội phức tạp, chúng ta luôn tìm kiếm các thước đo đánh giá hoạt động của mình và sự giàu có tương đối là một trong những thước đo đó.
Những gia đình sống ở các khu nhà ổ chuột tại phía nam của Chicago không nghèo bởi vì Bill Gates sống trong một ngôi nhà lớn. Họ nghèo bất chấp thực tế đó. Vì một loạt những lý do phức tạp, người nghèo ở Mỹ không được chia sẻ những khoản lợi mà DOS và Windows tạo ra. Bill Gates không lấy chiếc bánh của họ, ông ta không cản bước con đường thành công của họ hay được lợi từ sự thiếu may mắn của họ. Thay vào đó, tầm nhìn và tài năng của Gates đã tạo ra một khối lượng của cải khổng lồ. Có sự khác biệt rất lớn giữa một thế giới mà ở đó Bill Gates giàu lên bằng cách đánh cắp những thành quả của người khác với một thế giới mà ở đó ông giàu lên nhờ việc tự tăng nguồn cung cấp thực phẩm khổng lồ cho riêng mình. Thế giới sau là sự biểu hiện tốt hơn cho thấy một nền kinh tế hiện đại hoạt động như thế nào.
(Trích cuốn sách "Đôla hay lá nho" do Alpha Books phát hành)