Các nhà nghiên cứu cuối cùng xác định nguồn gốc tiếng ồn bí ẩn đến từ rãnh đại dương sâu nhất thế giới. Âm thanh kỳ lạ được gọi là "biotwang" thực chất là tiếng gọi của cá voi Bryde (Balaenoptera edeni). Loài cá voi này có thể sử dụng tiếng gọi để định vị đồng loại. Giới khoa học lần đầu phát hiện tiếng ồn khác thường năm 2014 trong khi sử dụng tàu lượn dưới nước để tiến hành khảo sát rãnh Mariana bằng âm thanh. Đây là rãnh đại dương sâu nhất trên Trái Đất, trải dài hơn 2.400 km ở phía nam Nhật Bản và có độ sâu tối đa 10.935 m, theo Live Science.
Âm thanh biotwang có thể chia thành hai phần riêng biệt, đầu tiên là âm thanh thấp giống tiếng lẩm bẩm vang vọng trong tầng nước sâu, thứ hai là âm thanh kim loại có cao độ mà các nhà nghiên cứu ví như tiếng phát ra từ tàu vũ trụ trong phim Star Trek và Star Wars. Những âm thanh này ban đầu gây bối rối cho nhà khoa học. Nhưng năm 2016, một nhóm nghiên cứu suy đoán biotwang nhiều khả năng là tiếng gọi từ cá voi tấm sừng lớn như cá voi xanh (Balaenoptera musculus) hoặc cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae). Tuy nhiên, âm thanh đó không khớp với tiếng gọi của bất kỳ loài cá voi nào đã biết.
Trong nghiên cứu mới công bố hôm 18/9 trên tạp chí Frontiers in Marine Science, các nhà nghiên cứu cuối cùng có thể chứng minh cá voi Bryde phát ra tiếng ồn, một phần nhờ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mới giúp sàng lọc hơn 200.000 giờ ghi âm, chứa nhiều loại âm thanh khác nhau trong đại dương. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ cá voi Bryde đứng sau biotwang khi họ trông thấy 10 con bơi gần quần đảo Mariana và ghi hình 9 con phát ra tiếng ồn đặc trưng.
"1 - 2 lần là sự trùng hợp nhưng 9 lần thì rõ ràng đó là cá voi Bryde", trưởng nhóm nghiên cứu Ann Allen, nhà hải dương học ở Trung tâm Khoa học Ngư nghiệp quần đảo Thái Bình Dương thuộc Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết.
Nhưng để chứng minh cá voi Bryde phát ra tiếng kêu, nhóm nghiên cứu đối chiếu tiếng ồn với mô hình di cư của loài vật, phân loại bản ghi âm qua nhiều năm thu thập bởi các trạm theo dõi trên khắp quần đảo Mariana và khu vực xung quanh. Họ tăng tốc quá trình bằng cách sử dụng AI để biến biotwang thành hình ảnh, gọi là ảnh phổ, qua đó dễ dàng phân biệt những tiếng ồn khác nhờ thuật toán học máy.
Nghiên cứu cũng nhận thấy biotwang chỉ có thể nghe được ở tây bắc Thái Bình Dương, dù cá voi Bryde sinh sống trên khu vực rộng hơn, chứng tỏ chỉ có một quần thể cá voi chuyên biệt phát ra âm thanh. Dữ liệu cũng hé lộ sự tăng vọt của biotwang năm 2016, khi nhiệt độ đại dương tăng do sự kiện El Nino làm tăng số lượng Bryde ghé qua khu vực. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao tiếng kêu nghe kỳ lạ như vậy. Họ sẽ cần thêm dữ liệu để kết luận chắc chắn.
An Khang (Theo Live Science)