Thứ ba, 16/3/2021, 12:15 (GMT+7)

Giải mã ác mộng chấn thương ở Real

Eden Hazard vừa gặp trục trặc cơ thắt lưng, nâng tổng số ca chấn thương của Real mùa này lên 45 – con số đầy nhức nhối trong bóng đá hiện đại.

Hazard là hiện thân cho ác mộng chấn thương của Real Madrid từ khoảng hai năm trở lại đây. Ảnh: BR

"Có những thứ... tôi không thể lý giải và trả lời các bạn", Zinedine Zidane ngập ngừng trả lời thế khi được hỏi về chấn thương mới nhất của Hazard. Và nếu số chấn thương mà Hazard trải qua kể từ khi đến với Real Madrid nhiều đến nỗi không ít người có thể nhớ được đâu mới là chấn thương mới nhất của anh, thì câu trả lời là: Sau khi trở lại thi đấu đúng 15 phút vào cuối tuần trước kể từ chấn thương hồi tháng 1/2021, Hazard vừa dính phải chấn thương mới nhất, lần này là ở cơ thắt lưng.

Tính từ ngày gia nhập Real hè 2019, ngôi sao người Bỉ đã dính 10 ca chấn thương, cộng thêm một đợt vắng mặt vì nhiễm Covid-19, nghỉ 50 trong tổng số 86 trận và ngồi ngoài khoảng 320 ngày. Với chấn thương mới nhất lần này, báo chí Tây Ban Nha dự đoán, tiền vệ người Bỉ sẽ phải ngồi ngoài từ bốn tới sáu tuần. Real giờ còn chẳng "dám" dự đoán ngày Hazard trở lại thi đấu.

Chấn thương của Hazard đã và đang là một chủ đề bí ẩn ở Real. Nhưng nếu bản thân cầu thủ này thực sự có vấn đề về thể trạng hoặc sự chuyên nghiệp, dẫn tới việc mắc phải nhiều chấn thương, thì đó cũng chỉ là phần nhỏ của một nỗi lo lớn hơn, đang hiện hữu ở Real - đó là nạn chấn thương. 45 ca chấn thương các loại từ đầu mùa giải 2020-2021, một con số quá mức với một đội bóng trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Không tưởng và cũng không dễ để lý giải.

Vô địch về khoản chấn thương

Có nhiều điểm chung mỗi lần Zidane trả lời câu hỏi về tình hình chấn thương của các cầu thủ Real. Trước thềm trận lượt đi vòng 1/8 Champions League gặp Atalanta hồi cuối tháng Hai, khi Real chỉ còn đúng 10 cầu thủ lành lặn thuộc biên chế đội một - không tính vị trí thủ môn, ông đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ.

Zidane luôn trong tình trạng bí bách về nhân sự vì quá nhiều ca chấn thương ở Real mùa này. Ảnh: Marca

"Không có lời giải thích thỏa đáng nào cho tình trạng chấn thương của các cầu thủ cả. Chúng tôi muốn xin lỗi vì không có được sự phục vụ của những cầu thủ này", HLV người Pháp nói ngập ngừng. Danh sách chấn thương của Real lúc bấy giờ có Karim Benzema, Sergio Ramos, Dani Carvajal, Fede Valverde, Eden Hazard, Rodrygo, Eder Militao, Marcelo và Alvaro Odriozola.

Khi làm khách trên sân Atalanta, ông phải sử dụng các phương án dự bị, là những cái tên lạ lẫm với nhiều người: Hugo Duro 21 tuổi, lần đầu đá ở Champions League, Sergio Arribas - cầu thủ 19 tuổi mới có đúng 16... phút kinh nghiệm ở đấu trường này.

Cuối tháng Hai, tờ Marca chỉ ra, Real lúc ấy là đội có nhiều cầu thủ gặp chấn thương (20 người) và nhiều ca chấn thương (41 ca) nhất La Liga. Để so sánh, Getafe chỉ có tổng cộng 12 ca chấn thương. Con số này ở các đội Tây Ban Nha khác cũng chơi ở Champions League và có lịch thi đấu gần như tương đương Real lần lượt là 25 (Barca), 18 (Sevilla) và 18 (Atletico).

Thống kê còn cho thấy, 20 cầu thủ khác nhau của Real đã vắng mặt ít nhất một trận vì chấn thương từ đầu mùa. Những nhân tố như thủ quân Ramos, hậu vệ cánh phải Carvajal và bản hợp đồng đắt đỏ Hazard – tất cả đều mắc phải bốn loại chấn thương khác nhau trong sáu tháng đầu tiên của mùa giải.

Đáng nói, trong 41 ca chấn thương của Madrid tính đến cuối tháng 2/2021, có đến 30 trường hợp là những chấn thương cơ bắp - một loại chấn thương đáng lo ngại trong bóng đá.

Cũng theo Marca, ban lãnh đạo Real đã yêu cầu mở điều tra nguyên nhân chấn thương của các cầu thủ. HLV thể lực Gregory Dupont trở thành "tâm điểm chú ý". Không rõ cuộc điều tra ấy đã được thực hiện chưa, cũng không rõ chủ đề này có đang được Real giấu kín hay không. Người hâm mộ Real chỉ biết rằng tình hình đến nay chưa có dấu hiệu cải thiện ở Santiago Bernabeu. Và cũng chưa có lời lý giải chính xác và thỏa đáng nào được đưa ra với công chúng.

Chuyên gia thể lực Gregory Dupont bị đặt dấu hỏi về chất lương công việc, khi Real dính bão chấn thương mùa này. Ảnh: Marca

Chăm lo tốt nhất cho các cầu thủ

Một cuộc khủng hoảng chấn thương như thế đáng lẽ không thể xảy ra ở Real, ít nhất là với những người hoạch định chính sách của CLB. Real sở hữu trung tâm tập luyện Ciudad de Futbol ở khu Valdebebas "tốt nhất từng được xây dựng đối với một CLB bóng đá", theo miêu tả từ chính website của họ.

Cơ ngơi này rộng 1,2 triệu mét vuông, nằm gần sân bay Madrid và là nơi tọa lạc của SVĐ Alfredo Di Stefano với sức chứa 6.000 người – đây cũng là địa điểm thi đấu của thầy trò Zidane, kể từ khi Covid-19 phát sinh và trong bối cảnh sân nhà Santiago Bernabeu của họ được cải tạo.

Khu phức hợp này còn sở hữu thêm 10 sân cỏ tự nhiên lẫn nhân tạo, với nhiều phòng thay đồ, các phòng tập thể dục siêu hiện đại, một trung tâm y tế tiên tiến bậc nhất và một khu thủy liệu pháp (chữa bệnh bằng nước) gồm bốn hồ bơi, một phòng tắm hơi và một nhà tắm hơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ giúp các cầu thủ hồi phục sức khỏe.

Không chỉ có một hệ thống cơ sở vật chất hầm hố và hiện đại, đội bóng của Zidane còn được chăm sóc tận tình và chu đáo bởi một đội ngũ chuyên gia và vật lý trị liệu quy mô chẳng kém. Ngoài ra, Real còn có sẵn một ngân sách riêng dùng cho việc ký hợp đồng thuê ngoài với các đối tác cung cấp công nghệ cao trong lĩnh vực y khoa. Một CLB vĩ đại như Real luôn đặt ra những yêu cầu và tiêu chuẩn cao nhất.

Pablo Franco từng làm việc ở trung tâm Valdebebas năm 2018 khi còn là trợ lý của HLV trưởng Julen Lopetegui thời đó. Ông kể rằng các cầu thủ Real luôn được chăm sóc tối đa.

"CLB có cơ sở vật chất tuyệt hảo và những con người chất lượng nhất làm việc ở đó," Franco cho biết. "Đội ngũ nhân viên chăm sóc có số lượng lớn và tài giỏi, từ các chuyên gia trong khâu chuẩn bị, các chuyên gia phục hồi cho tới các chuyên gia thể lực. Tất cả cùng tham gia vào việc hồi phục sức khỏe cầu thủ, ngăn ngừa chấn thương và phân bổ các bài tập. Mỗi chuyên gia thể lực sẽ chăm sóc cho năm đến sáu cầu thủ gồm tối đa hai cầu thủ hạng A và ba đến bốn cầu thủ trẻ. Do đó, có thể nói, những cầu thủ quan trọng nhất của đội bóng đều được 'kèm cặp' cá nhân. Những gì Madrid sở hữu, ít có CLB nào trên thế giới sánh bằng".

Cầu thủ Real Madrid được cho là hưởng chế độ chăm sóc y tế tốt bậc nhất thế giới bóng đá. Ảnh: Realmadrid.com

Cá nhân chủ tịch Florentio Perez của Real rất lưu tâm đến tình trạng sức khỏe các cầu thủ, cũng như chất lượng cơ sở vật chất và đội ngũ chăm sóc. Chỉ cần đội bóng có dấu hiệu sa sút, thượng tầng CLB liền lập tức đặt ra nghi vấn liệu có phải các ngôi sao trong đội đã chưa đủ chăm chỉ.

Carlo Ancelotti, HLV Real giai đoạn 2013-2015, viết trong quyển "Nghệ thuật lãnh đạo tĩnh lặng" của ông như sau: "Ngài chủ tịch nhìn vào các thống kê để đánh giá cầu thủ có luyện tập và thi đấu chăm chỉ hay không. Tôi từng phải giải thích với ông ấy rằng điều quan trọng không phải là thời lượng các buổi tập, mà là cường độ. Nhưng ông ấy không chịu nghe tôi".

Đề cao thể lực

Zidane, một người hiểu rất rõ tầm quan trọng của yếu tố thể lực trong bóng đá từ thời ông còn thi đấu ở Juventus, cũng đặc biệt chú trọng đến khía cạnh này khi dẫn dắt Real. HLV người Pháp luôn đề cao nỗ lực - nhiệt huyết thi đấu của các học trò, và từng nhấn mạnh rằng, ngay cả những cầu thủ ngôi sao trong đội bóng cũng phải luôn sẵn sàng tâm thế chạy nhiều hơn những đồng nghiệp ít tài năng bên kia chiến tuyến. Ngay từ buổi họp báo đầu tiên lúc lên thay Rafa Benitez tháng 01/2016, Zidane đã phát biểu: "Về mặt thể lực, chúng tôi có thể cải thiện hơn nữa, qua tập luyện. Các cầu thủ cũng tin như vậy. Chỉ cần tất cả cùng chạy, thế trận sẽ trở nên dễ dàng hơn".

Zidane nhanh chóng mang về một HLV thể lực mới là Antonio Pintus. Pintus biết Zidane từ thời còn ở Juventus, khi ông còn làm việc dưới trướng Giampiero Ventrone - người có biệt danh "lính thủy đánh bộ" với hàm ý khắt khe trong tập luyện. Pintus từng là một VĐV chạy 800 mét và 1500 mét, có biệt danh ‘Cây Roi’ hàm ý sự nghiêm khắc trong khâu tập luyện. Sự kết hợp này mang lại thành công mỹ mãn, khi Zidane và các học trò cùng giành ba chức vô địch Champions League trong nhiệm kỳ đầu HLV người Pháp dẫn dắt.

Giáo án thể lực của chuyên gia Pintus được xem là một yếu tố quan trọng giúp Real thành công rực rỡ trong nhiệm kỳ đầu của Zidane (2016-2018). Ảnh: Marca

Khi Zidane từ chức vào tháng 5/2018, Pintus vẫn ở lại. Sau một giai đoạn ngắn không thành công dưới thời Lopetegui và Santi Solari, Pintus cũng nói lời chia tay đội bóng. Lần trở về Santiago Bernabeu vào tháng 3/2019, Zidane một lần nữa đề cao khâu thể lực. Hè năm ấy, ông quyết định mời Gregory Dupont, đồng hương và là chuyên gia thể lực của tuyển Pháp tại kỳ World Cup 2018.

So với người tiền nhiện Pintus, Dupont có phong cách và triết lý hiện đại hơn, cũng như có nền tảng hiểu biết rộng hơn. Ở tuyển Pháp của Didier Deschamps, Dupont không đơn thuần chỉ là một HLV thể lực. Ông là trưởng bộ phận chất lượng – nghiên cứu – phát triển – sáng tạo của Liên đoàn Bóng đá Pháp. Trước đó nữa, Dupont làm Giám đốc Chất lượng ở CLB Lille của Ligue 1 và giữ chức trưởng bộ phận khoa học thể thao của CLB Celtic giai đoạn 2007-2009 và có biệt danh ‘McGregor’ từ giai đoạn này.

Lĩnh vực chuyên môn của Dupont là quản lý khối lượng các bài tập, chiến lược hồi phục thể lực và ngăn ngừa chấn thương. Ông cũng từng là một thành viên của nhóm đặc nhiệm UEFA trong lĩnh vực này. Với kinh nghiệm trong ngành, Dupont còn làm cố vấn và giảng dạy cho nhiều HLV thể lực, chuyên gia thể lực và nhà nghiên cứu khoa học thể thao trẻ khác, bao gồm Mathieu Nedelec – đồng tác giả với chính Dupont trong các công trình nghiên cứu về chủ đề hao tổn và phục hồi thể lực trong bóng đá chuyên nghiệp.

Trả lời tờ The Athletic, Nedelec tin rằng khó có thể chỉ trích Dupont cho vấn đề chấn thương hiện tại ở Real. Bởi lẽ, từng cá nhân cầu thủ sẽ trải qua khâu luyện tập và hồi phục khác nhau, với mục đích duy nhất luôn là hạn chế tối đa những nguy cơ phát sinh.

"Nguy cơ chấn thương luôn hiện diện, nhiệm vụ là tìm cách kiểm soát và hạn chế," Nedelec nói. "Khi làm việc với các cầu thủ hàng đầu thế giới, một trong những bí quyết chính là tìm cách đặc thù hóa, cá nhân hóa. Đó là phương pháp. Nếu một cầu thủ cảm thấy hài lòng với một chế độ hồi phục nhất định nào đó, nghĩa là phương pháp ấy phù hợp với anh ta. Trong một đội bóng, bạn sẽ có những dạng cầu thủ như: cầu thủ trẻ và cầu thủ kinh nghiệm, có nhóm thì cần được thúc đẩy thêm, có nhóm thì cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, hoặc có nhóm thì cần được chú trọng nhiều hơn vào khâu ngăn ngừa chấn thương. Do đó, mỗi cá nhân cần được nghiên cứu tiểu sử chấn thương và tình trạng sức khỏe riêng biệt".

Với Dupont, ông được biết đến là người hay sử dụng những phân tích khoa học màn trình diễn của các cầu thủ trong trận đấu và tập luyện.

Ở World Cup 2018, mỗi cầu thủ của tuyển Pháp đều được nhận một tập tài liệu dày 14 trang là chế độ luyện tập thể lực đã được cá nhân hóa. Sự chú ý đến từng chi tiết được đề cao tới nỗi, mỗi thành viên của đội tuyển còn được cung cấp một chiếc gối thiết kế riêng cho họ, với mục đích cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Dupont (áo trắng) được Zidane trải thảm đỏ mời về khi ông trở lại nắm Real hồi 2019. Ảnh: Marca

"Một phần quan trọng trong công việc này là ngăn ngừa chấn thương ngay từ đầu – phân tích thường xuyên và liên tục giấc ngủ của VĐV là một phương pháp tốt, đặc biệt đối với các cầu thủ bóng đá", Nedelec nói thêm. "Nếu bạn theo dõi được mô hình giấc ngủ của họ, bạn có thể ngăn ngừa được các chấn thương. Các cầu thủ bóng đá thường sẽ gặp tình trạng ngủ không yên giấc, nhất là sau khi trải qua các trận đấu muộn".

Ở Real hiện tại, ngoài lịch tập luyện do CLB đề ra, nhiều cầu thủ ở đội một còn tự thuê ngoài những chuyên gia riêng – đó có thể là các chuyên gia trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng, hoặc HLV thể lực. Adolfo Madrid là một bác sĩ tham vấn thể lực với các khách hàng gồm hậu vệ cánh Marcelo của Real Madrid và tiền vệ đa năng Marcos Llorente của Atletico Madrid. Khi được The Athletic hỏi vì sao các cầu thủ lại lựa chọn tìm đến sự giúp đỡ bên ngoài, Adolfo Madrid trả lời rằng khi mối quan tâm giữa cầu thủ và CLB không hoàn toàn đồng nhất với nhau.

"Dễ hiểu thôi. Bạn cần phải nhìn vào cả một sự nghiệp kéo dài của đời cầu thủ", Adolfo Madrid nói. "Như LeBron James, một cầu thủ bóng rổ kiệt xuất. Trong suốt sự nghiệp hơn 20 năm, anh ấy đã có bốn tới năm lần thay đổi đội ngũ chuyên gia chăm sóc riêng. Ở mỗi đội bóng, anh ấy đều đã có sẵn một đội chuyên gia của CLB trong lĩnh vực khoa học thể thao để hỗ trợ, nhưng biết đâu mỗi người lại có cách làm việc riêng".

"Những VĐV ở đẳng cấp cao luôn tìm kiếm các phương pháp đặc thù dành riêng cho sự nghiệp của họ. Đó có thể là một người, một nhóm, đồng hành cùng với họ, hiểu tiểu sử về họ, tôn trọng sự khác biệt và nhìn ra được những điểm mạnh yếu của họ. Họ tìm kiếm một phương pháp phù hợp 100% với cơ thể và tình hình cá nhân của VĐV", Adolfo Madrid nói thêm. "Vấn đề không phải vì chất lượng dịch vụ CLB đang cung cấp yếu kém, có khi còn ngược lại. Mà là tìm kiếm sự giúp đỡ từ những con người độc lập với CLB, nhưng có thể đảm bảo được một phương pháp phù hợp nhất."

Ảnh hưởng từ đại dịch

Ngay cả khi đã có những sự đầu tư và cẩn trọng tối đa, Real vẫn phải vật lộn với tình trạng chấn thương nghiêm trọng lúc này. Truyền thông thủ đô Madrid lẫn bên trong CLB đều đang nghiêng về nguyên nhân số lượng các trận đấu mà đội bóng phải trải qua trong mùa giải này.

Mùa giải bị rút ngắn lại khi bắt đầu từ giữa tháng 9/2020 - muộn hơn thông thường - nhưng vẫn phải kết thúc vào cuối tháng 5/2021 để kịp tiến độ khởi tranh Euro. Giai đoạn tiền mùa giải vì thế cũng gần như không tồn tại. Bản thân các cầu thủ và Zidane cũng từng phàn nàn về tình trạng này. Tiền vệ Casemiro đã có lúc chỉ ra nguyên nhân lịch thi đấu với mật độ ba ngày một trận, thời gian hồi phục giữa các trận bị thu hẹp, khiến đội bóng của anh trải qua chuỗi phong độ thất thường. Song, Nedelec cho rằng không hề đơn giản để lấy đó làm lý do chính yếu.

Carvajal là một ví dụ về việc cầu thủ Real bị quá tải với lịch đấu khắc nghiệt thời Covid-19.

"Đúng là mùa giải đang bị rút ngắn vì đại dịch. Mùa trước thì lại kéo dài hơn thông thường, khi có giai đoạn nghỉ giữa chừng vì bùng phát dịch. Thực tế đó khiến mật độ các trận đấu diễn ra thường xuyên hơn. Nhưng thành thật mà nói thì tôi nghĩ với các cầu thủ hàng đầu, hoàn cảnh như vậy không hoàn toàn mới với họ. Họ đã quen với việc chơi nhiều trận đấu trong một mùa giải rồi. Nếu là ngày xưa thì còn có thể. Gần 10 năm trước, Gregory Dupont và tôi từng xuất bản một công trình nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ chấn thương sẽ tăng cao nếu như bạn thi đấu hai trận mỗi tuần, so với chỉ một trận".

Một vấn đề nữa từ lịch thi đấu trong thời đại dịch chính là giai đoạn tiền mùa giải bị cắt ngắn lại. Các HLV không thể giúp cầu thủ đạt được nền tảng thể lực đảm bảo trước khi bước vào mùa giải.

"Trong bóng đá đỉnh cao, bạn có một thời gian dành riêng cho việc tập luyện và thích ứng, chủ yếu là trước khi mùa giải bắt đầu," Nedelec giải thích. "Thường thời gian này sẽ kéo dài trong bốn đến năm tuần lễ, nhưng sau đó, một khi mùa giải bắt đầu, bạn thi đấu và hồi phục, rồi lại thi đấu và hồi phục. Với những CLB lớn nhất và những cầu thủ hay nhất, họ không có quãng nghỉ dành cho những giáo án tập luyện mới trong cả mùa giải. Do đó, giai đoạn tiền mùa giải rất quan trọng để các cầu thủ có thể làm quen về mặt thể lực. Xuyên suốt thời gian sau đó trong mùa giải, hầu hết thời gian của bạn sẽ dành cho việc hồi phục thể lực giữa các trận và ngăn ngừa chấn thương".

Adolfo Madrid cũng đồng tình với ý kiến rằng việc thiếu một kỳ nghỉ hè hoàn chỉnh, khiến các cầu thủ mất đi cơ hội tập làm quen trước thềm mùa giải là nguyên nhân lớn dẫn tới phát sinh chấn thương.

Bác sĩ này nói: "Tôi luôn nói rằng thời gian quan trọng nhất với các VĐV là khi mùa giải kết thúc. Vì sao ư? Vì đó là giai đoạn tốt nhất để một cầu thủ bù đắp lại những hao hụt về thể lực và chuẩn bị trước khi bước vào một mùa giải mới. Chỉ cần tận dụng tốt thời gian ấy, mùa giải sẽ trở nên dễ dàng hơn với bạn. Bấy giờ, bước vào mùa giải, bạn chỉ việc tập hồi phục giữa các trận và chuẩn bị cho trận kế tiếp. Bằng không, bạn sẽ rơi vào trạng thái nạp không đủ năng lượng trước khi bắt đầu và chấn thương có thể khiến bạn gặp vấn đề trong cả mùa giải. Vì bạn đâu còn thời gian để bắt kịp trở lại".

Adolfo Madrid cũng chia sẻ rằng suốt những tháng qua, khi làm việc với các khách hàng ở nhiều CLB khác nhau, anh luôn phải tìm cách hài hòa phương pháp của bản thân với tình hình của từng đối tượng, chủ yếu tìm cách tập trung vào việc ngăn ngừa chấn thương. "Chúng tôi luôn phải thay đổi phương pháp với từng cá nhân, vì có người không thi đấu, có người gặp chấn thương, có người thì chơi ở những giải đấu khác. Với quãng thời gian quá ít giữa các trận, sự tập trung giờ đây được dành cho những gì đang diễn ra ở thực tại thay vì đã và sắp diễn ra. Chúng tôi phải tìm cách giảm tải các bài tập, chú trọng hơn vào ngăn ngừa chấn thương, giúp cầu thủ hồi phục tốt hơn và cân bằng hơn."

Vấn đề khác cũng cần được xem xét chính là bản thân mỗi cầu thủ là một chủ thể riêng biệt, từng cầu thủ có "cơ địa" khác nhau, với những áp lực và hoàn cảnh khác nhau mà Covid đã để lại tác động. Ngay từ việc phải "gò" lại nếp sống thường ngày vào các khuôn khổ đặt ra trong thời đại dịch, thậm chí có lúc phải cách ly với gia đình và bè bạn cũng đã mang đến một trạng thái tâm lý khác. Adolfo Madrid tin rằng tâm lý bị ảnh hưởng cũng khiến các cầu thủ dễ mắc các chấn thương hơn, nhất là chấn thương cơ bắp.

"Trạng thái cảm xúc của cầu thủ có mối liên hệ trực tiếp tới chất lượng cơ bắp của anh ta. Ngoài giáo án và khối lượng tập luyện, một cá nhân bị stress có thể dẫn tới nghỉ ngơi không điều độ, do đó gặp vấn đề trong phục hồi cortisol - một hoóc-môn quan trọng giúp cơ thể kiểm soát tình trạng căng thẳng, sợ hãi - dẫn tới nguy cơ gặp chấn thương cũng tăng cao, đặc biệt là chấn thương cơ bắp".

Việc tập trung lâu ở đại bản doanh Valdebebas có thể là một mặt trái, khiến cầu thủ Real gặp vấn đề tâm lý, dẫn tới dễ chấn thương hơn. Ảnh: Realmadrid.com

Mùa này, các cầu thủ Real dành thời gian sinh hoạt ở trung tâm tập luyện Valdebebas nhiều hơn hẳn trước kia. Đôi khi, họ còn phải ngủ lại và hoàn toàn có thể dẫn tới những tác động tâm lý tiêu cực. Nhưng xét về lý thuyết, việc hạn chế đi lại có thể giúp các HLV thể lực dễ dàng đặt ra một thời gian biểu giúp các cầu thủ hồi phục thể lực và ngăn ngừa chấn thương.

"Đôi khi điều đó lại tốt", Nedelec nêu quan điểm. "Vì các cầu thủ có thể được đặt vào khuôn phép so với khi được tự do ở nhà. CLB có thể dễ dàng ‘chỉnh’ lại giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ của các cầu thủ. Từ đó mà chất lượng giấc ngủ của cầu thủ được cải thiện".

Tuy vậy, lấy hoàn cảnh đại dịch, hay chỉ ra một yếu tố riêng lẻ nào để làm nguyên nhân chính cho vấn nạn chấn thương ở Real Madrid lúc này đều là việc sai lầm.

"Lý do cho từng ca chấn thương, từng cầu thủ, hoàn toàn khác nhau và đặc thù", Adolfo Madrid kết luận. "Bạn đơn giản là không thể khái quát hóa được. Chúng ta ai cũng muốn tìm lời giải chung nhất, nguyên nhân lớn nhất, nhưng đó lại là đi sai hướng. Bạn cần phải hiểu tính đặc thù của từng cá nhân cầu thủ, hoàn cảnh riêng biệt của họ và lý do cụ thể vì sao họ mắc chấn thương. Tôi rất ngại những gì mang tính chung chung".

Giáo án tập luyện cũng là vấn đề

Mùa trước, những phương pháp khoa học của Gregory Dupont được xem là chìa khóa làm nên chức vô địch LaLiga của thầy trò Zizou. Sau giai đoạn tự cách ly và giãn cách xã hội, các cầu thủ Real Madrid trở lại với một chuỗi phong độ tuyệt hảo, cùng thứ bóng đá pressing tầm cao cuồng nộ, giúp họ thắng liền 11 trận chỉ trong 32 ngày, để vượt mặt Barca và lên ngôi.

Mới tháng 12 năm ngoái, Dupont vẫn còn được báo chí Tây Ban Nha ca tụng. Nhưng rồi, số ca chấn thương bắt đầu tăng lên và Madrid rơi vào giai đoạn đầu năm với thành tích bết bát, trong đó có việc bị loại khỏi Cup Nhà Vua và thất bại ở Siêu Cup Tây Ban Nha. Người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi về cách Los Blancos chuẩn bị trước mỗi trận đấu.

Cũng tờ Marca thực hiện những phép tính, chỉ ra rằng Real từng chứng kiến số ca chấn thương ở mùa giải trước (55 ca) và mùa giải 2018/19 (50 ca) nhiều hơn Atletico và Barcelona qua từng giai đoạn xét đến. Do đó, không phải lần đầu tiên trong những năm qua Real gặp vấn nạn chấn thương. Đang có một nỗi lo về lỗi hệ thống ở Los Blancos dưới thời Zidane.

Chấn thương là thứ không một cá nhân nào trong bóng đá mong muốn, nhưng cũng là thứ mà tất cả phải sẵn sàng đương đầu, bởi vận đen có thể ập tới bất kỳ lúc nào.

"Bạn có thể đang làm rất tốt mọi thứ, nhưng những ca chấn thương vẫn cứ xảy ra", Franco, cựu trợ lý của Lopetegui – giờ làm HLV trưởng của CLB Qadsia ở Kuwait - chia sẻ. "Yếu tố may rủi có lúc được đặt ra. Nhiều lúc, bạn sẽ không thể biết được vì sao một cầu thủ lại gặp chấn thương. Những buổi tập có thể rất hoàn hảo, những dữ liệu thu thập từ thiết bị GPS gắn trên người cầu thủ đều hoàn hảo, khối lượng bài tập cũng hoàn hảo, khâu chuẩn bị diễn ra y như kế hoạch. Thế rồi, bất thình lình, cầu thủ bị rách rơ và nghỉ hai tháng. Đôi khi trong đời, có những thứ bạn không thể làm chủ hết được. Có khi bàn vẫn làm một thứ trong hai năm liền mà chỉ có hai ca chấn thương mỗi mùa, nhưng sang năm tiếp theo thì lại có tới 25 ca".

Đôi lúc, tại một CLB như Real, cầu thủ gặp chấn thương trải qua một áp lực khiến anh ta luôn có suy nghĩ phải tìm cách trở lại nhanh nhất có thể. Chấn thương cũ chưa lành hẳn thì chấn thương mới hoặc tái phát chấn thương lại xuất hiện, và thời gian nghỉ thi đấu lại càng kéo dài.

Thủ quân Sergio Ramos là một trường hợp như thế. Trước khi quyết định lên bàn mổ hồi đầu tháng Hai để trị dứt điểm chấn thương đầu gối, Ramos đã lựa chọn quá trình điều trị duy trì. Trong suốt giai đoạn đầu, Ramos vẫn tham gia các bài tập luyện dù không thi đấu. Đến một thời điểm, anh về cơ bản đạt thể trạng tốt và các bác sĩ nói rằng nếu tiến hành phẫu thuật để trị dứt điểm lúc này, ca phẫu thuật sẽ hết sức đơn giản. Ngược lại, nếu Ramos từ chối phẫu thuật và tiếp tục tập luyện để có thể sớm thi đấu, anh sẽ đứng trước nguy cơ tái phát chấn thương và quá trình phẫu thuật sẽ đi từ dễ lên phức tạp, khiến anh có thể phải ngồi ngoài từ ba tới bốn tháng, thay vì 6 tuần.

Dù các cầu thủ có quyết định thế nào đi chăng nữa, HLV trưởng đội bóng, dựa trên những phân tích từ đội ngũ chuyên gia phò tá, vẫn là người có tiếng nói cuối cùng trong việc để cầu thủ ra sân sớm hay muộn.

Zidane đến giờ vẫn chưa than vãn trước bão chấn thương, và chỉ cố gắng xoay trở với nguồn lực ông có. Ảnh: EFE

Và đến cuối cùng, có vẻ như Zidane là người đúng. "Không có lời giải thích thỏa đáng" nào cho câu hỏi vì sao Real lại đang mắc phải nhiều ca chấn thương đến vậy trong những mùa giải đã qua và nhất là hiện tại.

Vấn đề có thể nằm ở cả bộ máy, cả hệ thống, hoặc bởi một cá nhân, hay có khi chỉ là vì vận đen xui khiến? Rất khó để có câu trả lời mang tính khái quát. Và càng khái quát hóa thì lại càng phủ định tính đặc thù của chấn thương nơi cầu thủ, bởi một cá nhân với chấn thương mắc phải là một mệnh đề riêng biệt ứng với thể trạng và hoàn cảnh của riêng anh ta.

Nhưng đương nhiên, khi điều gì đó trục trặc, luôn phải có ai đó cần bị đổ lỗi và chịu trách nhiệm.

Hoàng Thông (theo The Athletic & Marca)