Hãy cùng Vietraveler bàn về giải đua này.
Bạn biết gì về giải F1?
Được khởi xướng từ năm 1950, đến nay F1 là giải đua xe cao cấp nhất được tổ chức tại một số quốc gia trên thế giới như Italy, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Australia, Malaysia, Trung Quốc, Singapore... Môn thể thao này đã chứng kiến nhiều sự thay đổi và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Hiện nay, mùa giải vô địch thế giới F1 bao gồm chuỗi cuộc đua được biết đến với tên Grand Prix thường diễn ra tại các đường đua được thiết kế riêng, một số ít trường hợp diễn ra ngay trong thành phố. Kết quả mỗi đường đua được tổng hợp để xác định hai nhà vô địch thế giới hàng năm, một dành cho tay đua và một cho đội đua. Giải F1 nổi tiếng nhất trên thế giới cho đến nay có thể kể đến là Manoco Grand Prix tại Monte Carlo (Monaco).
Mỗi mùa giải, quy tụ 24 “chiến binh F1” từ 12 đội đua là các thương hiệu lớn như Red Bull Racing, Mercedes, Renault, McLaren… cùng hàng trăm nhà tài trợ trên khắp thế giới. Điều đặc biệt nhất là các đội sử dụng động cơ (được tài trợ bởi bốn thương hiệu hàng đầu gồm Ferrari, Mercedes-Benz, Renault hoặc Cosworth) để tự thiết kế “át chủ bài” cho mình.
Hiện nay, F1 là giải đua truyền hình lớn, thu hút hàng triệu fan hâm mộ theo dõi trên toàn thế giới. Được biết, đây là môn thể thao tốn kém nhất bậc nhất với kinh phí mỗi đội tham gia rót vào trung bình từ 125 đến 500 triệu USD/năm.
Cơ cấu giải đấu F1
Về luật chơi, không quá rắc rối để khán giả hình dung và theo dõi. Thời lượng một trận đua F1 được giới hạn tối đa là 2 giờ với cơ cấu tính điểm: 25 điểm cho người về nhất, về nhì 18 điểm, về ba 15 điểm, 12 điểm về thứ tư, thứ năm được 10 điểm, tương tự lần lượt với các số điểm 8, 6, 4, 2, 1 cho các vị trí tiếp theo. Những xe còn lại không được tính điểm. Nếu xe đi được nhiều vòng nhất gặp sự cố, không thể cán đích thì 10 thứ hạng kể trên chỉ được tính ½ số điểm. Các xe trong 10 thứ hạng kể trên, hoàn thành 90% đoạn đường mà người thắng cuộc hoàn thành nhưng gặp sự cố không về đến đích vẫn tính điểm tương đương thứ hạng đạt được.
Trong trường hợp cần thiết, chiếc xe an toàn của Ban tổ chức (Safety car – do Mercedes tài trợ) sẽ xuất hiện và điều chỉnh tốc độ của các tay đua để đảm bảo an toàn cho đến khi khắc phục xong sự cố. Khi tình huống nguy hiểm khẩn cấp xảy ra, ban tổ chức dùng cờ đỏ để điều khiển thế cục với các tình huống như sau:
- Các tay đua hoàn thành dưới 3 vòng đua: khởi động lại cuộc đua.
- Các tay đua hoàn thành từ 3 đến 75% số vòng đua: cuộc đua được tiếp tục sau khi khắc phục sự cố và kết quả được bảo toàn tại thời điểm cờ đỏ đưa ra.
- Đã hoàn thành trên 75% số vòng đua: thông thường Ban tổ chức sẽ công bố kết quả trận đấu (kết quả được tính trước 2 vòng đua so với thời điểm cờ đỏ đưa ra).
F1 Không đơn giản chỉ là đua xe
Xe đua F1 là một trong số ít những loại xe có tốc độ nhanh nhất thế giới. Khi nhập cuộc, các “cỗ máy F1” có thể đạt đến 350km/h. Vậy bạn đừng nên hy vọng chứng kiến cảnh xe này đụng xe kia như ở đấu trường NASCAR hay cảnh tài xế gặp tại nạn rồi leo lên xe, đạp gas tiếp tục như môtô GP. Bởi lẽ, với tốc độ hơn 300km/h khi xảy ra tai nạn, chắc chắn cả tay đua và xe khó tránh khỏi những tổn thất nặng nề.
Tuy nhiên, đến với đấu trường này không đơn thuần chỉ là cuộc đua mà là đam mê, là cuộc đời của những “chiến binh” luôn gắn bó với “chiến xa”. Vì lẽ đó mà kỹ thuật đua, thông số xe, đường cong mạo hiểm cho đến nhiều pha vượt mặt ngoạn mục trong gang tất… đều là “ngọn lửa” truyền cảm hứng bùng nổ cho người hâm mộ trên toàn thế giới. Dù họ là ai, bao nhiêu tuổi, làm gì, ở đâu… điều đó dường như không hề quan trọng; tất cả đều hòa chung niềm nhiệt huyết và góp phần “kích nổ” bầu không khí náo nhiệt tại giải F1.
Nếu bạn là “tín đồ” của giải đấu này, ngoài chiếc tivi ưng ý hay đường truyền internet cực tốt thì cũng đừng quên chuẩn bị trái cây, đồ ăn vặt, thức uống nhanh… để dành 2 giờ thưởng thức những màn trình diễn tốc độ gây cấn và đẹp mắt nhất.
Hữu Thiện