Chị được đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang cấp cứu với chiếc cọc gỗ dài 40 cm, đường kính 6 cm, đâm xuyên đùi qua vùng bẹn vào thành bụng, ngày 31/5.
Ngày 3/6, bác sĩ CK II Nguyễn Minh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, cho biết cọc gỗ không cản quang nên chụp X-quang khó xác định các cơ quan bị tổn thương. Bệnh viện huy động bác sĩ các khoa ngoại thận tiết niệu, ngoại tổng hợp, sản và chấn thương chỉnh hình cùng tham gia phẫu thuật cho bệnh nhân.
"Chúng tôi vừa cắt lọc vết thương vừa xác định các cơ quan bị tổn thương để xử trí", bác sĩ Hải cho biết. Hướng đâm của cọc gỗ rất phức tạp, xuyên bó mạch đùi thần kinh, mạch máu lớn, cơ quan sinh dục, tiết niệu và các nội tạng trong ổ bụng. Rất may dị vật không làm tổn thương nghiêm trọng các cơ quan này.
Ê kíp phẫu thuật mất khoảng một giờ để rút cọc gỗ và xử trí vết thương. Hiện bệnh nhân được theo dõi nhiễm trùng, sức khỏe ổn định.
"Tai nạn này khá hy hữu vì ở thành phố nay vẫn còn cầu khỉ, bệnh nhân rất may vì cọc gỗ không làm tổn thương nghiêm trọng", bác sĩ Hải cho biết.
Cầu khỉ là loại cầu chỉ có một thân cây nhỏ như cây tre bắt qua kênh và thanh vịn cũng là một thân cây nhỏ. Loại cầu này thường thấy ở vùng sâu, xa hoặc miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long.
Ngọc Tài