Bác sĩ Trần Chí Khôi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết bé được đưa đến bệnh tối 9/5. Các bác sĩ cấp cứu cố gắng đưa các dung dịch bôi trơn vào để thử rút ngón tay bé ra khỏi ổ khóa nhưng không được. Ngón tay càng phù nề nên càng bị siết chặt, bé rất đau.
Theo bác sĩ Khôi, nếu chần chừ quá lâu, ngón tay ngày càng phù nề, làm thiếu máu nuôi, có thể hỏng ngón tay. Nếu tháo theo cách thông thường như tháo nhẫn, toàn bộ da cơ và gân ngón tay sẽ tổn thương nghiêm trọng, dù khâu lại cũng khó phục hồi chức năng.
Ê kíp bác sĩ quyết định dùng máy cưa điện để phá tay nắm cửa khỏi ngón tay bé, tiến hành trong phòng mổ.
"Tình huống rất nhạy cảm, phẫu thuật viên không phải là thợ máy, còn thợ máy thì không phải là bác sĩ", bác sĩ Khôi nói. "Bác sĩ không thể sử dụng các phương tiện sẵn có, thông thường trong phòng mổ để xử lý trường hợp này. Trong khi đó, thợ máy dùng cưa cắt sắt sẽ khó đảm bảo an toàn khi can thiệp vào cơ thể người".
Bác sĩ Phạm Bá Hoàng mang cưa điện từ nhà vào viện và trực tiếp sử dụng cưa. "Cái khó là phải làm sao để lưỡi cưa không chạm vào gây tổn hại tay bé, cũng không được gây nguy hiểm cho tay phẫu thuật viên. Nếu bất cẩn tự làm mình bị thương, bác sĩ có khi phải bỏ nghề cầm dao mổ", bác sĩ Khôi nói.
Bệnh nhi được gây mê, bác sĩ cưa phá thành công ổ khóa trong khoảng 15 phút. Ê kíp dùng cán dao phẫu thuật kê lót phía dưới để lưỡi cưa không chạm vào gây tổn hại tay bé. Đề phòng tia lửa điện gây cháy trong quá trình cưa, các bác sĩ cũng chuẩn bị sẵn bình chữa cháy mini.
Ngày 10/5, vết thương của bé lành, tiên lượng tốt, không để lại hậu quả nghiêm trọng. Người mẹ cho biết ổ khóa tay nắm cửa hỏng đã lâu, được giữ lại để trả cho chủ nhà trọ. Bé Minh đưa ngón tay vào ổ khóa cửa đã bị hỏng này.