Các nhân viên của tổ chức Sheldrick Wildlife Trust và Cơ quan Bảo tồn Động vật hoang dã Kenya gỡ lốp xe tròng quanh cơ thể hươu cao cổ ở công viên Haller, Mombasa. Họ chưa biết chính xác con vật đã sống chung với chiếc lốp bao lâu nhưng rìa ngoài lốp ma sát với lớp da đủ lâu để gây ra vết thương quanh cổ nó.
"Chúng tôi cho rằng chiếc lốp xe này là vật bỏ đi và không phải một chiếc bẫy. Hươu cao cổ là một trong những động vật khó gây mê nhất. Cả đội phải làm việc nhanh nhẹn và khắc phục một số trở ngại trước khi bắt đầu điều trị cho con vật", Rob Brandford, giám đốc điều hành tổ chức Sheldrick Wildlife Trust, cho biết.
Các nhân viên cứu hộ tiếp cận hươu cao cổ và phóng mũi tên đặc biệt chứa lượng thuốc gây mê phù hợp với kích thước của nó. Sau đó, họ sử dụng dây thừng để nhẹ nhàng kéo con vật nằm xuống và tránh cho nó khỏi bị thương. Khi hươu cao cổ đã nằm trên nền đất, họ rút mũi tên ra và cả đội dùng tay giữ chặt con vật. "Đó là vì không thể sử dụng thuốc gây mê với hươu cao cổ trong thời gian dài. Thuốc sẽ ảnh hưởng tới khả năng bơm máu quanh cơ thể to lớn của hươu cao cổ", Brandford giải thích.
Đội cứu hộ bắt tay vào cưa chiếc lốp, làm sạch kỹ càng vết thương, bôi thuốc sát trùng, phun thuốc kháng sinh và cuối cùng là đắp đất sét xanh (hợp chất tự nhiên giúp vết thương mau lành) cho hươu cao cổ. Họ cũng tiêm thuốc kháng sinh và kháng viêm cho nó. Con hươu cao cổ có thể đứng dậy và bước đi sau khi thoát khỏi chiếc lốp. Brandford cho biết chắc chắn nó có thể bình phục hoàn toàn nên không cần theo dõi hoặc chữa trị thêm.
An Khang (Theo Caters News)