Các đối tượng người Nga trước khi bị bắt tại Vườn quốc gia Đồng bằng Horton đã thực hiện hành vi trộm cắp tại nhiều khu bảo tồn và rừng mưa nhiệt đới trên khắp cả nước, theo kiểm lâm viên Pradeep Kumara. Họ sẽ bị xét xử vào ngày 28/5 với cáo buộc thu thập trái phép động thực vật hoang dã và phá hủy đa dạng sinh học của Sri Lanka.
"Trong số 529 loài động vật được tìm thấy, hầu hết là loài đặc hữu của Sri Lanka", Kumara trả lời AFP. "Chúng tôi chỉ giải cứu được 230 động vật, bao gồm bọ cạp, nhện, bướm, tắc kè và thằn lằn. Những con còn lại đã chết".
Những kẻ bị bắt giữ bao gồm một nhà sinh vật học, một nhà khảo cổ học và một chuyên gia IT. Theo luật pháp Sri Lanka, người ngoại quốc bị buộc tội đánh cắp sinh học sẽ phải trả tiền phạt hoặc ngồi tù. Vào tháng 4 năm ngoái, hai công dân Trung Quốc đã bị phạt lên tới 52.000 USD do bắt trộm 79 con côn trùng quý hiếm bên trong các khu bảo tồn.
Sri Lanka là quốc gia có mật độ đa dạng sinh học cao nhất châu Á và là một trong 25 điểm nóng sinh học của thế giới. Đảo quốc Nam Á này có tới 24 khu bảo tồn tự nhiên, nơi sinh sống của một loạt các loài bản địa như voi Sri Lanka, gấu lười, voọc mặt tím, hươu, lợn, tê tê đuôi dày, Malkohas mặt đỏ, hay chim ác là xanh... Tỷ lệ loài đặc hữu trong số động vật có vú ở Sri Lanka lên tới 22%.
Đoàn Dương (Theo AFP)