Tất cả được gói gọn trong một cú điện thoại của Trấn Thành, ngỏ ý ngắn gọn: "Bà có muốn tham gia vào phim Bố già bản điện ảnh của tui không? tui có một vai rất hay và rất hợp cho bà đó". Suy nghĩ đâu chừng vài giây, tôi trả lời "OK".
Cơ duyên ngắn gọn vậy thôi.
Tôi là người khá kỹ tính, điều này mọi người từng làm việc với tôi có lẽ đều biết. Đặc biệt khi làm nghệ thuật, sự kỹ tính đôi khi còn bị tôi đẩy lên tới mức "khó tính" luôn.
Nhưng "Bố già" là dự án phim đầu tiên tôi nhận lời mà chưa hề biết một tí ti gì về nó, thậm chí tới việc mình sẽ đóng vai gì cũng không.
Thực sự, để có được quyết định vài giây đó là cả một quá trình dài. Có lẽ nhiều người không biết, Phương và Xìn (tên thân mật của Trấn Thành) là bạn học cùng trường sân khấu điện ảnh TP HCM, chúng tôi từng hợp tác với nhau trong khá nhiều dự án sân khấu. Với Trấn Thành, tôi luôn có niềm tin có thể gọi là "mù quáng" về khả năng nhìn người, tư duy làm nghề và cả năng lực dự đoán của cậu.
Khi Thành quyết định mời ai vào vai diễn nào đó, cậu ấy đã hình dung được từng cảnh quay, từng câu thoại, thậm chí cả hiệu ứng trên phim rồi. Nói một cách dễ hiểu thì khi mời tôi tham gia "Bố già", có lẽ Thành đã tưởng tượng chính xác thím Ánh trong phim diễn xuất ra sao, mang tới cảm xúc thế nào.
Lời mời của Thành cũng chính là khẳng định "đây là vai diễn rất hợp với bạn". Đó là lý do để tôi đồng ý mà không cần suy nghĩ.
Trong phim, tôi thủ vai Ánh - người vợ lắm mồm của Phú, em trai Ba Sang - Trấn Thành đóng. Ánh bị ăn tát hai lần, đều là những cái tát trời giáng.
Sau khi phim công chiếu, ai cũng hả hê chuyện Ánh bị ăn tát. Mười người hỏi thăm thì hết chín người thốt lên "nhìn nó bị ăn tát mà sao vui quá". Nhiều người còn kể lúc Ánh bị chồng tát, cả rạp đều đồng loạt vỗ tay.
Nhưng điều khiến tôi thích thú nhất chính là việc khán giả hả hê với những cú tát mà nhân vật phải chịu, nhưng lại quan tâm hỏi han "bị tát thế có đau không?". Những lời ấy làm tôi hạnh phúc.
Trên thực tế, "đau hay không" không phải chuyện quan trọng nhất của cảnh quay đó. Với kỹ xảo quay phim hiện đại, diễn viên không nhất thiết phải "làm thật" để đạt được hiệu ứng chân thật nhất trên phim. Với tôi, khó khăn lớn nhất ở cảnh quay này chính là giữ trọn vẹn được cảm xúc của mình, từ sự ngỡ ngàng khi bị tát, tức giận, phẫn nộ rồi oà khóc khi thổ lộ những điều giấu kín trong lòng.
Đó mới là thử thách lớn, bởi tôi phải quay chừng 15 "cú tát" với đủ mọi góc độ khác nhau, nhưng vẫn phải giữ nguyên vẹn cảm xúc như ban đầu.
Cũng nhiều khán giả cảm thấy thú vị với phân đoạn "bị ăn tát" và dành cho tôi nhiều lời khen có cánh. Ai cũng thích được khen ngợi, tôi cũng vậy. Nhưng đôi lúc tôi cảm thấy ngại ngùng khi vài người đã nhận xét đó là "hy sinh" cho nghệ thuật. Sự thật thì đó chỉ là công việc, là chọn lựa hay xa hơn chút là niềm đam mê của cá nhân tôi, không có gì hơn.
Tôi nhớ Trấn Thành nói một câu rất hay khi trả lời phỏng vấn về "những hy sinh" khi quay Bố già: "làm ơn đừng dùng từ hy sinh ở đây. Chúng ta chỉ đang bỏ công sức ra để đạt được điều mình muốn mà thôi".
Tôi thích cách tư duy đó, thẳng thắn, thực tế và tự trọng. Làm nghệ thuật cũng là lao động bằng trí óc, cũng là một nghề để mưu sinh như bao nghề khác. Người nghệ sĩ cũng bỏ công sức ra để đạt được điều mình mong muốn - sòng phẳng và vô cùng hợp lý.
Rất nhiều người làm nghệ thuật đang nhầm lẫn khi tự cho rằng những gì mình bỏ ra là "hy sinh", là cao cả. Tôi không nghĩ như vậy. Trừ khi nghệ thuật của bạn phụng sự xã hội vô điều kiện, không vụ lợi hay toan tính. Còn lại, khi làm nghệ thuật để mưu sinh, để phục vụ cho cuộc sống của chính mình trước tiên, hãy dùng từ "bỏ ra" và "nhận lại". Đó mới là điều đúng đắn.
Ở cảnh quay bị tát rất đau trong "Bố già", khán giả sung sướng một thì tôi sung sướng tới mười. Bởi phản ứng của khán giả, những nhận xét, khen ngợi về vai diễn đã gửi tới cho tôi thông điệp: "mình đã thành công".
Trấn Thành cũng nói, thành công của "Bố già" vượt ngoài mong đợi của anh. Nó cũng vượt ngoài mong đợi của những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam và ngành sản xuất phim trong nước.
Nhưng ngay khi Bố già chạm tới những cột mốc kỷ lục điện ảnh Việt, Trấn Thành vẫn phải lên tiếng "xin" khán giả "đừng tiết lộ nội dung quan trọng của phim". Vừa để giữ nguyên cảm xúc cho những khán giả chưa xem, vừa để giữ trọn vẹn giá trị thương mại cho những sản phẩm điện ảnh Việt - vốn không hề dễ "thắng" trên chính sân nhà.
Chỉ mới đây thôi, tin tức về các dự án nghệ thuật, phim ảnh bị thua lỗ nặng nề khiến không ít người ngậm ngùi. Đầu tư hàng chục tỷ, nhưng doanh thu nhận lại vỏn vẹn chỉ chừng 1/10 số tiền đã bỏ ra. Thậm chí, "giải cứu phim Việt" còn được nhiều người đặt ra như vấn đề nan giải của điện ảnh nước nhà.
Nhưng làm thế nào để có thể "giải cứu"? Theo ý kiến của riêng tôi, phim ảnh không phải nông sản hay thực phẩm để có thể kêu gọi mọi người "mua ủng hộ". Trách nhiệm giải cứu phim Việt thuộc về chính những người làm nghề trước tiên.
Hãy tư duy một cách sòng phẳng: đây là một cuộc chơi do chính bạn lựa chọn, không phải người xem hay khán giả yêu cầu. Để chiến thắng, bạn phải thuyết phục được khán giả bằng chất lượng, những điều có nghĩa, khiến họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua vé xem phim. Thay vì kêu gọi "giải cứu" vì phim thua lỗ, hãy tự cứu lấy mình trước, bởi không ai có thể thay những người làm nghệ thuật chúng ta làm điều đó.
Ở góc độ song song, tôi cũng hy vọng rằng các cơ quan quản lý văn hoá sẽ có những giải pháp bảo vệ sản phẩm nghệ thuật chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn. Tại Việt Nam, ta vẫn thấy các phim chiếu rạp bị quay lén, livestream trực tiếp ngay khi mới chiếu, nhiều phim Việt vẫn đang bị phát tán trên các trang web chiếu phim lậu. Việc thực thi luật bảo vệ tác quyền và sở hữu trí tuệ cho hệ sinh thái điện ảnh còn yếu khiến chúng ta đều mong đợi những chế tài xử lý thật nghiêm minh. Tôi mong người làm phim sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, bảo vệ để họ có thể yên tâm sáng tạo.
Luật pháp và công chúng chính là đôi cánh có thể nâng điện ảnh Việt bay lên.
Làm nghệ thuật, chạm được vào cảm xúc khán giả luôn là điều tuyệt vời nhất. Và ta hãy để khán giả "nói" ra điều đó, thông qua cảm xúc, phản ứng của họ cũng như cách họ sẵn sàng tới rạp. Bởi đó là cách chính xác nhất, khách quan nhất để nói về nghệ sĩ, nhà sản xuất và sản phẩm họ tạo ra.
Chỉ công chúng mới có quyền phong tặng sự cao quý cho người làm nên những tác phẩm tốt - những viên gạch của nền điện ảnh lành mạnh.
Lan Phương