Ngày 24/11, Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh lần thứ tư - Smart City Summit 2020 - đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với 27 điểm cầu trên cả nước.
Tại sự kiện ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), nhận định việc ứng dụng các công nghệ mới để phát triển thành phố thông minh sẽ giúp các đô thị tối ưu hoá nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn hơn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đô thị thông minh là lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ nhất các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có nhiều các yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nhưng hạ tầng, nền tảng ICT và công nghệ số được coi là các yếu tố nền tảng, là cơ sở cho các yếu tố khác triển khai trên đó.
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, trong khi lại đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, Blockchain, IoT... và được triển khai trong phạm vi rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Điều này đặt ra thách thức trong quá trình triển khai.
"Nhìn từ góc độ nhận thức, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số cho một đô thị, gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Còn từ góc độ chính sách, đô thị thông minh là nơi thí điểm, thử nghiệm triển khai các dịch vụ mới, mô hình mới, chính sách mới.... bằng công nghệ số ngay từ khâu xây dựng quy hoạch, xuất phát từ bài toán đặc thù của chính đô thị đó", ông Dũng nói.
'Cấy gien thông minh' cho đô thị thông minh
Ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Vinasa, cho rằng, trong bối cảnh cách mạng 4.0, xây dựng đô thị thông minh có nghĩa "tích hợp công nghệ số để xây dựng lên một đô thị đáng sống". Các giải pháp công nghệ phải kết hợp với các giải pháp công trình và giải pháp quản lý mới có thể phát huy tối đa hiệu quả. Trong đó, người dân làm trung tâm theo cả hai chiều: vì dân và do dân, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và sự tham gia của toàn bộ cộng đồng dân cư.
"Muốn đô thị thông minh bền vững, giải pháp cơ bản là 'cấy gien thông minh', thể hiện qua quy hoạch, quy chế và quy chuẩn. Các khu đô thị mới phải thông minh ngay từ đầu và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất để đảm bảo khả năng kết nối tạo thành một tổng thể thông minh", ông Quang nhấn mạnh
Trong khi đó, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, chia sẻ, tất cả các nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển đô thị thông minh đều nhằm hướng tới ba mục tiêu cơ bản là đạt được một môi trường đô thị bền vững, một cuộc sống chất lượng có chất lượng cao của cư dân và tạo nên nền kinh tế có sức cạnh tranh.
Smart City Summit 2020, do Vinasa tổ chức, là diễn đàn trực tuyến, nơi đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế chia sẻ, đóng góp những kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển đô đô thị thông minh.