Giác quan thứ sáu không giúp cá mập tránh được những tấm lưới giăng dưới biển. |
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Brandon Brown, Đại học San Francisco (Mỹ), mới công bố phát hiện này trên tạp chí Physical Review.
Giác quan thứ sáu của cá mập là một cơ quan cảm thụ nằm ở khoang hàm dưới. Đó là một hệ thống các rãnh dài từ 3 đến 20 centimét nối với các ống hình trụ chứa đầy dịch thể glucoprotein (người ta cũng có thể tìm thấy dịch thể này trong máu và chất nhầy của cá mập).
Brown và cộng sự đã lấy dịch thể glucoprotein từ cơ quan cảm thụ của cá mập sau khi chúng chết. Họ đã làm nhiều thí nghiệm điện từ khác nhau với dịch thể này. Ví dụ họ phát hiện ra rằng, nhiệt độ càng cao thì dịch thể (loãng) dẫn điện càng dở. Ở các loài cá mập khác nhau thì điện trở của chất nhầy này cũng khác nhau. Nhờ khả năng dẫn điện tùy theo độ đậm đặc, dịch thể glucoprotein có thể hoạt động như một máy thu các tín hiệu điện từ.
Ở cơ thể mỗi loài sinh vật đều có các dòng điện sinh học nhỏ. Chúng tương tác với từ trường trái đất, tạo ra một từ trường yếu xung quanh. Nhờ "bắt" được các tín hiệu điện từ này, cá mập có thể phát hiện vị trí của con mồi giấu mặt hoặc "đánh hơi" được bạn tình ở những nơi rất xa.
Minh Hy (theo dpa)