Thông tin chia sẻ trong hội thảo khoa học “Tác động tích cực của hệ tiêu hóa và giấc ngủ đến sự phát triển não bộ của trẻ” do Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu châu Âu Chris Hansen Đan Mạch vừa diễn ra tại Hà Nội và TP HCM.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM, Thư ký Chi hội Tiêu hóa Gan mật Dinh dưỡng Nhi Việt Nam, cấu trúc não bộ của trẻ tăng trưởng nhanh trong 3 năm đầu đời, đạt gần 80% so với khi trưởng thành. Để tối ưu thời điểm vàng này, ngoài dinh dưỡng, giấc ngủ cũng là một yếu tố quan trọng nhưng bố mẹ lại thường chưa chú ý đúng mức. Ngủ là thời gian thúc đẩy hoàn thiện não bộ, hỗ trợ hồi phục, sửa chữa những thương tổn của cơ thể. Ngủ đủ, sâu sẽ tốt cho não bộ đang phát triển của trẻ.
Phó Giáo sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, giấc ngủ được chia thành hai giai đoạn chính gồm REM (ngủ động) và Non-REM (ngủ tĩnh). REM là giai đoạn trẻ ngủ nhưng não hoạt động tích cực, xuất hiện giấc mơ và củng cố những trải nghiệm học hỏi được từ ban ngày. Trẻ 1-15 ngày tuổi, thời gian ngủ REM chiếm 50% tổng thời gian ngủ. Trẻ 3-5 tháng tuổi, tỷ lệ này là khoảng 42% và giảm dần khi trẻ càng lớn. Do đó, trong những năm đầu đời, giấc ngủ REM rất quan trọng, góp phần để não trẻ hoàn thiện nên cần được chú trọng.
Để có giấc ngủ chất lượng, bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ, hạn chế cho bé chơi các thiết bị điện tử trước khi ngủ, khen thưởng khi ngủ ngoan... Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân khiến bé ngủ không ngon. Rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở độ tuổi 0-1, trong 6 tháng đầu đời, trẻ dễ bị nôn trớ, trào ngược dạ dày, đau bụng, rối loạn đi tiêu; còn độ tuổi 6-12 tháng, bé dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây tiêu chảy.
Để cải thiện tiêu hóa giúp trẻ ngủ ngon hơn, phụ huynh có thể bổ sung thức ăn, sữa có hàm lượng đường phù hợp trước khi trẻ đi ngủ và đảm bảo chế độ ăn giàu chất xơ với các loại rau xanh, ngũ cốc, trái cây.... Xây dựng cho con hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng tạo điều kiện để trẻ phát triển trí não, thể chất tốt hơn.
Ông Gernot Stadlmann, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn dinh dưỡng Chris Hansen Đan Mạch cho biết, khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bụng êm, giấc ngủ của trẻ không bị quấy rầy, từ đó ngủ ngon và dài hơn. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, nhóm lợi khuẩn còn hạn chế, thiếu hụt các lợi khuẩn đường ruột thường dễ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa. Bổ sung lợi khuẩn probiotics qua thực phẩm như sữa, bột ăn dặm... góp phần tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, phòng ngừa rối loạn.
Ông Gernot Stadlmann cho biết thêm, men vi sinh probiotics Bifidobacterium (BB-12) và Lactobacillus rhamnosus GG (LGG ) giúp tối ưu vi sinh vật có lợi, góp phần làm giảm tỷ lệ tiêu chảy, hỗ trợ phân hủy thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Chính vì thế, một số sản phẩm sữa đã được bổ sung men vi sinh LGG và BB-12 để hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Quyên Uyên